Giáo dục

Có hay không 'mua - bán' trong xếp hạng đại học?

Nhiều bảng xếp hạng đại học công bố trong thời gian gần đây của những tổ chức quốc tế đã xuất hiện các trường VN nằm trong tốp vài trăm trường đầu của châu Á. Tuy nhiên, có những kết quả xếp hạng ngay sau khi công bố đã nhận nhiều ý kiến phản bác gay gắt về độ tin cậy.

Bảng xếp hạng QS Asia 2018 - 2019 trong đó ĐH Quốc gia Hà Nội xếp thứ 124
CHỤP MÀN HÌNH

Vì sao có những lo ngại khi các trường đại học (ĐH) VN được nâng hạng?

Tuần vừa qua, hệ thống xếp hạng giáo dục ĐH quốc tế uniRank công bố bảng xếp hạng các trường ĐH tại VN trong năm 2018. Theo đó, ĐH Quốc gia Hà Nội xếp vị trí đầu tiên, kế đến là các trường: ĐH Đà Nẵng, ĐH Bách khoa Hà Nội, ĐH FPT, ĐH Cần Thơ, ĐH Kinh tế TP.HCM… Ngay sau khi công bố, có nhiều ý kiến trái chiều về các kết quả này vì có những trường ĐH ở VN tuy không ở vào tốp các trường “truyền thống” nhưng lại xếp thứ hạng cao trong bảng xếp hạng này.

Thực tế đó khiến nhiều người đặt câu hỏi đâu là bảng xếp hạng ĐH uy tín và đáng tin cậy?

Vừa xếp hạng, vừa tư vấn tăng hạng !

Theo tiến sĩ Vũ Thị Phương Anh, Giám đốc đảm bảo chất lượng Tập đoàn Nguyễn Hoàng, trên thế giới có nhiều bảng xếp hạng với các bộ tiêu chí đánh giá khác nhau. Tuy nhiên, một bảng xếp hạng uy tín, đáng tin cậy cần hội tụ được 2 đặc tính quan trọng là sự minh bạch và phù hợp. Trong đó yếu tố đầu tiên hết sức quan trọng để tránh khả năng một bảng xếp hạng được tạo ra bởi những tiêu cực. Đặc biệt với những đơn vị vừa tổ chức xếp hạng đồng thời có dịch vụ tư vấn tăng hạng cho các trường tham gia. Điều này có thể dẫn đến nguy cơ “bắt tay” và “mua - bán” trong xếp hạng. Nếu số liệu và phương pháp rành mạch được công khai, khả năng gian lận trong quá trình này ít có khả năng xảy ra hơn.

Đồng quan điểm, một chuyên gia trong lĩnh vực này cho biết thực tế đã có chuyện tổ chức xếp hạng “mời” trường ĐH tham gia gói dịch vụ tư vấn tăng hạng. Nếu đồng ý ký hợp đồng thì trường ĐH phải trả tiền cho dịch vụ tư vấn này lên tới hàng trăm triệu đồng. “Đây thực ra là một hình thức thương mại hóa dịch vụ xếp hạng. Việc này không đáng chê trách nếu đơn vị xếp hạng độc lập hoàn toàn với đơn vị tư vấn. Trường ĐH chấp nhận trả tiền sẽ được tư vấn nhằm tập trung đầu tư hơn vào các tiêu chí đang là điểm yếu của trường khác để tăng hạng”, chuyên gia này nói.

Bảng xếp hạng của uniRank

PGS-TS Nguyễn Hội Nghĩa, nguyên Phó giám đốc ĐH Quốc gia TP.HCM, cũng cho biết hiện đang có xu hướng một số trường ĐH chạy theo các tiêu chuẩn xếp hạng. Thậm chí có trường chấp nhận trả nhiều tiền để tăng được chỉ số nghiên cứu khoa học…

Tiến sĩ Lê Trường Tùng, Chủ tịch Hội đồng quản trị Trường ĐH FPT, cho rằng bảng xếp hạng uy tín 3 yếu tố: Tiêu chí xếp hạng và tính khách quan của các tiêu chí ấy; Tính chính xác của dữ liệu thu thập, thống kê được và số các trường được xếp hạng. Trong đó khó nhất là tiêu chí đầu tiên vì không có câu trả lời đơn giản cho câu hỏi thế nào là một trường ĐH tầm cỡ. Còn hiện tượng “chạy” tiêu chí xếp hạng không thực chất, theo tiến sĩ Lê Trường Tùng, là mang tính toàn cầu và lý do chính bởi các tiêu chí không chặt chẽ.

Mỗi bảng xếp hạng có tiêu chí riêng

Lấy 2 bảng xếp hạng có liên quan đến các trường ĐH VN gần đây là QS Asia 2018 - 2019 và uniRank, có thể thấy các tiêu chí xếp hạng khác như:

QS dựa trên 11 tiêu chí gồm: đánh giá của các nhà tuyển dụng, của các nhà khoa học, tỷ lệ giảng viên trên sinh viên, tỷ lệ giảng viên có trình độ tiến sĩ, số bài báo và trích dẫn theo cơ sở dữ liệu của Scopus... Trong đó, tiêu chí về mạng lưới nghiên cứu quốc tế lần đầu được QS đưa vào năm.

Bảng xếp hạng uniRank đánh giá dựa trên cơ sở dữ liệu web do chính đơn vị này khảo sát, nghiên cứu, đánh giá độc lập; không chịu ảnh hưởng và không phụ thuộc vào dữ liệu của các trường cung cấp.

Chỉ có tính chất tham khảo

Khi được hỏi về bảng xếp hạng ĐH uy tín, tiến sĩ Vũ Thị Phương Anh đề xuất 2 bảng gồm: Academic Ranking of World Universities (ĐH Giao thông Thượng Hải) và Time's Higher Education (TIME - Anh quốc). Còn theo tiến sĩ Lê Trường Tùng, hiện trên thế giới có 3 bảng xếp hạng hay được trích dẫn: Time's Higher Education (TIME), Academic Ranking of World Universities (ĐH Giao thông Thượng Hải) và Quacquarelli Symonds (QS - Anh). Tuy nhiên cả 3 bảng này cùng các bảng khác chỉ nên mang tính tham khảo.

Ngoài quan điểm trên, tiến sĩ Nguyễn Quốc Chính, Giám đốc Trung tâm khảo thí và đánh giá chất lượng đào tạo ĐH Quốc gia TP.HCM, cho rằng một số bảng xếp hạng khác như uniRank, Webometrics có các tiêu chí đánh giá dựa vào thông tin thu thập từ website các trường. “Các bảng xếp hạng dựa đơn thuần vào website các trường cũng có giá trị nhất định vì cho thấy được mức độ quan tâm và khả năng thể hiện của trường ra xã hội. Tuy nhiên những thông tin một chiều này chưa chắc thể hiện được chất lượng thật. Nếu chỉ nhìn vào đó để đánh giá chất lượng một trường tốt hay xấu thì chưa đủ vì chỉ trường nào chăm chút thông tin trên website hơn sẽ có thứ hạng cao hơn”, tiến sĩ Chính chia sẻ.

Đồng quan điểm, PGS-TS Nguyễn Hội Nghĩa, nhìn nhận các bảng xếp hạng có bộ tiêu chuẩn riêng và độ chính xác tuyệt đối là không có ở bất kỳ bảng nào. Do vậy, cần nhìn nhận việc xếp hạng ở góc độ tham khảo.

Có chiến lược để đạt các tiêu chí

GS Đặng Ứng Vận, Trường ĐH Hòa Bình, nhận xét cả 7 trường ĐH của VN được lọt vào bảng 500 trường ĐH châu Á của QS đều xứng đáng, nhưng không có nghĩa đó là 7 trường ĐH tốt nhất của VN. Còn có những trường tốt khác, nhưng do hoạt động của các trường đó chưa phù hợp lắm với các tiêu chuẩn mà QS đưa ra. “Nó còn phụ thuộc vào việc các trường ĐH có quan tâm để tham gia xếp hạng. Nó cũng giống như câu chuyện kiểm định, có những trường tốt nhưng không chịu kiểm định nên thành ra chưa được kiểm định”, GS Vận bình luận.

Quý Hiên

Tác giả: Hà Ánh

Nguồn tin: Báo Thanh Niên

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP