Pháp luật

Bản Phồng sau 1 năm xảy ra án mạng chấn động

Sau 1 năm vụ thảm sát rúng động dư luận cả nước, tội ác rùng rợn của Vi Văn Hai (tức Mằn - SN 1995, trú tại bản Phồng, xã Tam Hợp, Tương Dương, Nghệ An) vẫn khiến người người giật mình. Kẻ giết người đã cúi đầu rút đơn kháng cáo trong phiên phúc thẩm, chấp nhận bản án tử hình cho tội ác của mình.

Vi Văn Hai rút đơn kháng cáo, chấp nhận án tử hình cho tội ác của mình tại phiên phúc thẩm cấp cao.


Rút đơn kháng cáo

Vừa qua, Tòa án cấp cao tại Hà Nội đưa vụ án giết người tại bản Phồng ra xét xử phúc thẩm đối với bị cáo Vi Văn Hai. Tại phiên tòa, sau khi chủ tọa tóm tắt bản án, HĐXX hỏi Vi Văn Hai có đúng như bản cáo trạng hay không?” Vi Văn Hai trả lời “đúng”.

HĐXX hỏi “Bị cáo có thấy ân hận với tội ác của mình gây ra không. Khi bị cáo không chỉ giết một người mà giết chết 4 người trong một gia đình?” – Vi Văn Hai trả lời “dạ có”.

Trước vành móng ngựa Vi Văn Hai đã chủ động rút đơn kháng cáo bản án của mình, chấp nhận bản án của tòa sơ thẩm đã tuyên phạt trước đó. Theo cáo trạng, ngày 2/7/2015, gia đình Vi Văn Hai làm mâm cơm mời cảm ơn một số người đã tham gia kéo gỗ trước đó về để chuẩn bị sửa nhà.

Ăn cơm xong Vi Văn Hai mang theo một con dao đến Kèn Tạ hái chanh ăn thì gặp Lo Văn Thọ, Thọ nói: “Tại sao chú lại hái chanh của người ta ?”. Vi Văn Hai nói, “Chanh của ai cũng xin ăn trước”.

Sau đó, Hai hỏi xin muối anh Thọ để ăn. Cả hai cùng vào lán trại, anh Thọ mang muối cho Hai ăn chanh. Bà Dương và chị Yến đi về lán, Hai nói “Anh ơi, cho em cái bao bóng (túi nilon) để đựng mấy quả chanh”. Anh Thọ không nói gì, đứng dậy lấy một chiếc bao ni lông màu xanh đưa cho Hai.

Chị Yến thấy vậy nói: “Cho chị xin ăn với, một quả”. Hai lấy một quả chanh ở áo đưa cho chị Yến. Anh Thọ nói: “Ta ở đây thì đầy, xin ăn mần chi cho lắm”. Nói xong Thọ đi ra ngoài lán đứng, lúc sau đi vào nói Hai, “Chú ra đây “chơi” vợ anh à”.

Hai nói: “Em mô có được chơi”. Chị Yến nói với anh Thọ, “Sao anh lại nói thế, em với chú có chi mô”. Bà Dương nói “Thôi im đi, tau đá vào mồm bây giờ” rồi cầm chiếc lược xuống khe tắm.

Khi bà Dương đi, Thọ lao vào đánh Vi Văn Hai thì bỏ chạy ra hướng cửa. Thọ đuổi theo, Hai cầm lấy con dao của anh Thọ để ở dưới sàn quay lại đuổi Thọ. Thọ bỏ chạy thì bị Hai chém vào vùng lưng , cổ, khiến anh Thọ tử vong tại chỗ.

Chị Yến thấy Hai chém Thọ ngã gục nên địu con trai bỏ chạy thì Hai phát hiện và cầm dao đuổi theo, đến bờ khe Kèn Tạ, thấy bà Dương đang tắm liền xông đến cầm dao sát hạ bà Dương. Hai tiếp tục cầm dao đuổi theo chị Yến, rồi dùng dao sát hại hai mẹ con.

Gây án xong, Hai cầm dao chạy lên nhà anh Thọ lấy túi chanh, dao, áo rồi nhặt thanh Lùng đang cháy trong bếp đốt lán của anh Thọ và sau theo khe đi về lán của mình. Trên đường về, cách hiện trường khoảng hơn 50m thì ném con dao vào bụi rậm rồi về nhà mang chanh ra mời mọi người cùng ăn.

Vụ án được người dân địa phương phát hiện trình báo cơ quan chức năng, lực lượng cảnh sát Điều tra Cục C45 (Bộ Công an) và Phòng Cảnh sát hình sự (PC45 Công an Nghệ An) vào cuộc ráo riết truy tìm hung thủ.

Bằng các biện pháp nghiệp vụ, hàng trăm cảnh sát được tăng cường để tìm dấu vết của kẻ thủ ác, ngày 19/7 cơ quan điều tra đã bắt giữ Vi Văn Hai. Tại phiên sơ thẩm lưu động ngày 30/9, TAND tỉnh Nghệ An đã tuyên phạt Vi Văn Hai bản án tử hình cho tội giết người.

Vợ con Vi Văn Hai tại phiên sơ thẩm đứng ngoài phòng xét xử, sụt sùi nước mắt.


Trở lại bản Phồng một năm sau thảm sát

Trong một năm sau ngày xảy ra vụ thảm sát rúng động, trở lại bản Phồng, nơi sinh sống của tộc người Tày Poọng, cái nắng của nơi đây vẫn cháy bỏng và nóng rát như ngày nào, tuy nhiên cuộc sống người dân đã bình yên trở lại.

Từ Trung tâm xã Tam Hợp vào đến bản Phồng khoảng 5km, so với trước đây, tuyến đường này đã được nâng cấp, mở rộng và xe ô tô có thể vào đến tận bản. Trưởng bản Viêng Văn Độ phấn khởi cho biết, bản vừa tổ chức họp dân bình xét hộ nghèo, năm nay, tỉ lệ hộ nghèo đã giảm nhiều hơn so với năm trước, người Tày Poọng không còn thói quen trông chờ, ỷ lại hay sống phụ thuộc vào nương rẫy nữa mà đã biết trồng lúa nước, chăn nuôi lợn gà, trâu bò để phát triển kinh tế.

Ở bản Phồng hôm nay cũng đã có nhiều hộ gia đình có những mô hình làm ăn kinh tế giỏi, điển hình như gia đình các ông Viêng Thanh Toán, Vi Mạnh Cầm.

Bản Phồng hiện có 115 hộ với 689 nhân khẩu, phần lớn người dân thuộc tộc người Tày Pọong, chỉ có một số ít là người dân tộc Thái, Kinh từ nơi khác đến làm ăn, sinh sống. So với vài năm trước đây, bản Phồng hôm nay không còn cảnh thiếu ăn mùa giáp hạt, thiếu mặc mùa đông giá.

Nhờ nỗ lực của chính quyền địa phương, các cấp các ngành vào cuộc vận động, đến nay trẻ em 3 tuổi là được đến lớp học, điểm trường mẫu giáo và điểm trường tiểu học tại bản để thuận tiện cho việc đi học của con em trong bản.

Ông Nguyễn Anh Minh, Chủ tịch UBND xã Tam Hợp cho biết thêm, bản Phồng là bản giáp biên giới Việt Lào khó khăn, cuộc sống của người dân chủ yếu phụ thuộc vào việc làm nương rẫy, tự cung tự cấp, vì thế đời sống còn khá vất vả.

Vài năm trở lại đây, được sự quan tâm đặc biệt của Đảng và Nhà nước, hàng năm đều có nguồn hỗ trợ để người dân phát triển kinh tế như tặng con giống, cây giống, đến ngày giáp hạt hoặc ngày tết thì có hỗ trợ thực phẩm. Bởi vậy, người Tày Poọng đã có bước chuyển mình mạnh mẽ.

Đến bản Phồng hôm nay, vào bất cứ nhà nào cũng đã có truyền thanh, truyền hình để nghe nhìn và cập nhật các chế độ, chính sách của Nhà nước. “Có điện thích lắm cán bộ ạ, người dân nơi đây bao thế hệ gắn bó trọn đời mình với bản làng nhưng không biết ánh sáng của đèn điện, không biết ti vi là cái gì cả…” - ông Viêng Văn Thọ, một già làng ở bản Phồng xúc động chia sẻ.

Theo trưởng bản Viêng Văn Độ, những năm gần đây, do được tuyên truyền vận động nên người dân bản Phồng đã xóa bỏ được nhiều hủ tục, trong bản có người ốm thì đưa ra trạm y tế chứ không mời thầy cúng nữa. Ma chay, cưới hỏi cũng đơn giản hơn.

Ngày tết người dân bản Phồng vẫn giữ được những nét văn hóa độc đáo của mình, những ngày cuối năm phụ nữ vào rừng hái lá để gói bánh chưng, đàn ông thì đi ra khe suối để bắt cá. Mâm cúng ngày Tết không thể thiếu hai món ấy, đặc biệt là cá, nếu trong mâm cúng mà thiếu món ăn chế biến từ cá thì coi như nhà đó chưa làm tròn trách nhiệm với tổ tiên. Các chiến sĩ Đồn trưởng Đồn biên phòng Tam Hợp đã giúp đỡ bà con trong công việc hàng ngày, giúp dân thoát đói, thoát nghèo.

Nhắc đến Vi Văn Hai – một người con của bản làng đã gây nên tội lỗi về một phút nóng nảy người trách, người thương. Có lẽ bản án tử hình sẽ phần nào xóa được những tội lỗi đã gây nên của Hai, nhưng ai cũng tiếc cho tương lai lẽ ra còn rất dài của Hai.

Tác giả bài viết: Ngô Toàn

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP