Trong tỉnh

Trao Bằng Tổ quốc ghi công năm 2022 cho gần 390 thân nhân liệt sỹ

Sáng 16/7, Bộ LĐ,TB&XH phối hợp tỉnh Nghệ An tổ chức Lễ trao Bằng Tổ quốc ghi công năm 2022 – Đây là sự kiện hết sức có ý nghĩa trên quê hương Bác Hồ kính yêu, kỷ niệm 75 năm ngày Thương binh - Liệt sỹ.

Tham dự buổi lễ, có các đồng chí: Vương Đình Huệ - Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Quốc hội nước Cộng hòa XHCN Việt Nam; Đỗ Văn Chiến – Bí thư Trung ương Đảng, Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam; Võ Thị Ánh Xuân - Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch nước; Đào Ngọc Dung - Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ LĐ,TB&XH; đại diện lãnh đạo các Ban, Bộ, ngành Trung ương, lãnh đạo các địa phương các đồng chí lão thành cách mạng, Mẹ Việt Nam Anh hùng, các thương binh, bệnh binh, thân nhân liệt sĩ, người có công với cách mạng cùng 75 thân nhân liệt sĩ đại diện 387 liệt sĩ vinh dự đón nhận Bằng Tổ quốc ghi công năm 2022.

Về phía tỉnh Nghệ An có các đồng chí: Thái Thanh Quý - Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh, Chủ tịch HĐND tỉnh; Nguyễn Đức Trung - Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh; các đồng chí trong Ban Thường vụ Tỉnh ủy; đại diện lãnh đạo các sở, ban, ngành liên quan.

Các đại biểu tham dự buổi lễ

Đại biểu người có công tỉnh Nghệ An tham dự buổi lễ

Các đại biểu thực hiện nghi thức chào cờ và tưởng niệm các Anh hùng liệt sỹ

Đẩy mạnh công tác đền ơn, đáp nghĩa, thực hiện các chính sách ưu đãi người có công với cách mạng

Bí thư Tỉnh ủy Thái Thanh Quý khẳng định, tấm gương hy sinh của các liệt sỹ thôi thúc các cấp, các ngành tiếp tục cố gắng hơn nữa trong công tác “Đền ơn, đáp nghĩa” thực hiện các chính sách ưu đãi người có công với cách mạng

Phát biểu khai mạc buổi lễ, đồng chí Thái Thanh Quý - Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh, Chủ tịch HĐND tỉnh nhấn mạnh: Trong cuộc đấu tranh dành độc lập, thống nhất đất nước và xây dựng Chủ nghĩa xã hội, theo tiếng gọi thiêng liêng của Tổ quốc, của Đảng ta và Bác Hồ, hàng triệu người con ưu tú của dân tộc đã hiến dâng tuổi thanh xuân, kiên cường chiến đấu, anh dũng hy sinh hoặc mang thương tật suốt đời. Đi qua các cuộc kháng chiến, Nghệ An có hơn 45 ngàn liệt sỹ; hơn 56 ngàn thương binh, hơn 20 ngàn người tham gia, phục vụ chiến đấu bị nhiễm chất độc hóa học; hơn 2.800 Mẹ Việt Nam Anh hùng, hơn 500 ngàn gia đình, cá nhân được tặng thưởng huân, huy chương kháng chiến.

Phát huy truyền thống cách mạng của quê hương, những năm qua, Đảng bộ và Nhân dân Nghệ An đã tích cực khơi dậy các nguồn lực, nỗ lực khắc phục khó khăn, giành được nhiều thành tựu trong phát triển. Cùng với nỗ lực phát triển kinh tế - xã hội, Nghệ An luôn quan tâm và xác định việc thực hiện các chế độ chính sách đối với Người có công là tình cảm, vinh dự và nhiệm vụ chính trị hết sức quan trọng. Ngoài việc triển khai thực hiện đúng, đủ, kịp thời các chế độ, chính sách, các cấp ủy đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị - xã hội đã tích cực, chủ động phối hợp chặt chẽ trong tổ chức thực hiện công tác chăm sóc thương binh, bệnh binh, gia đình liệt sĩ và người có công với cách mạng. Thời gian qua, toàn tỉnh đã xây mới, sửa chữa trên 16.000 ngôi nhà tình nghĩa; trao tặng trên 24.000 sổ tiết kiệm cho người có công; 100% Bà mẹ Việt Nam Anh hùng được nhận phụng dưỡng; đầu tư nâng cấp xây dựng, sửa chữa được hơn 1.000 lượt nghĩa trang và đài tượng niệm, nhà bia ghi tên liệt sỹ; quản lý, chăm sóc chu đáo gần 24 ngàn mộ liệt sỹ. Tiến hành tìm kiếm, quy tập hơn 14.000 hài cốt liệt sỹ thuộc các tỉnh thành trong cả nước và liệt sỹ hy sinh tại nước bạn Lào, đưa về an táng ở các nghĩa trang trên địa bàn tỉnh.

Được chọn là địa phương tổ chức lễ trao Bằng Tổ quốc ghi công tới 75 thân nhân liệt sỹ đại diện cho 387 liệt sĩ thuộc Bộ Quốc phòng, Bộ Công an và 30 tỉnh, thành phố trong cả nước năm 2022 là một vinh dự lớn lao của Đảng bộ và Nhân dân tỉnh Nghệ An. Nhiều liệt sỹ hy sinh sau hơn 80 năm, có liệt sỹ hy sinh đã 91 năm, nay được xác nhận qua hồ sơ tồn đọng, điều đó thể hiện trách nhiệm cao cả, nghĩa tình sâu nặng, đạo lý nhân văn, sự quan tâm sâu sắc của Đảng, Nhà nước, nhân dân ta đối với thế hệ cha anh đã ngã xuống vì độc lập, tự do, hạnh phúc của dân tộc. Sự hy sinh đó mãi mãi được khắc ghi, trường tồn cùng non sông, đất nước, nhắc nhở chúng ta phải có trách nhiệm hơn, trân quý hơn giá trị của hòa bình.

Tấm gương hy sinh của các liệt sỹ là động lực để Đảng bộ và Nhân dân tỉnh Nghệ An tiếp tục đoàn kết, vững tin, nỗ lực thực hiện thắng lợi các Nghị quyết của Đảng, xây dựng quê hương ngày càng giàu đẹp - văn minh; thôi thúc các cấp, các ngành trong toàn tỉnh tiếp tục cố gắng nhiều hơn nữa trong công tác “Đền ơn, đáp nghĩa”, thực hiện các chính sách ưu đãi người có công với cách mạng.

Trình Thủ tướng Chính phủ công nhận và cấp Bằng Tổ quốc ghi công trên 2.400 liệt sĩ trong 5 năm qua

Bộ trưởng Bộ LĐ,TB&XH Đào Ngọc Dung phát biểu

Phát biểu tại buổi lễ, đồng chí Đào Ngọc Dung – Bộ trưởng Bộ LĐ,TB&XH cho biết: Sau 5 năm thực hiện Quyết định số 408/QĐ-LĐTBXH (từ 2017 đến năm 2022) về quy trình giải quyết hồ sơ tồn đọng đề nghị xác nhận người có công, Bộ LĐ,TB&XH đã phối hợp với các bộ, ngành, địa phương xem xét, giải quyết trên 7.000 hồ sơ người có công còn tồn đọng, trình Thủ tướng Chính phủ công nhận và cấp Bằng Tổ quốc ghi công trên 2.400 liệt sĩ, trên 2.700 thương binh, người hưởng chính sách như thương binh. Đối với những hồ sơ không đủ điều kiện cũng đã kết luận và giải thích cho đối tượng, được dư luận xã hội đồng tình, ủng hộ.

Ngay trong dịp kỷ niệm 75 năm ngày Thương binh - Liệt sĩ năm nay, Bộ LĐTB&XH đã trình xác nhận 387 liệt sĩ; trong đó có những trường hợp hết sức cảm động như: Cụ Phạm Khánh, sinh năm 1869, tham gia lực lượng Tự vệ đỏ tại Nghệ An khi đã 61 tuổi; liệt sĩ Đinh Công Gấm, sinh năm 1921, là Tiểu đội trưởng Đội Cảm tử quân xã Đại Điền, huyện Thạnh Phú, tỉnh Bến Tre. Các quân nhân tham gia kháng chiến chống Pháp là Hoàng Hoa, Phạm Văn Trịnh, Nguyễn Văn Năm, những người lính bộ đội Cụ Hồ chiến đấu, anh dũng hy sinh trong trận đánh Điện Biên Phủ chấn động địa cầu. Các đồng chí Võ Văn Xê, Trần Hoàng Nha, Thạch Huỳnh, Triệu Thương… dũng cảm truy quét tàn quân Pôn Pốt giúp bảo vệ chế độ mới và Chính phủ Campuchia...

Đạt được kết quả trên là có sự lãnh đạo, chỉ đạo sâu sát của Lãnh đạo Đảng, Nhà nước, của đồng chí Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đối với lĩnh vực lao động, người có công và xã hội nói chung, việc thực hiện toàn diện các chính sách ưu đãi người có công với cách mạng, công tác chăm lo đời sống vật chất, tinh thần cho người có công và gia đình nói riêng trong cả nước. Bên cạnh đó, còn là sự cố gắng, tập trung rất lớn của toàn thể các cấp, các ngành từ Trung ương đến địa phương, nhất là các tổ chức chính quyền địa phương cơ sở, các chứng nhân lịch sử, các bậc lão thành cách mạng, sự đồng tình, ủng hộ của các tầng lớp quần chúng nhân dân trong việc chung tay huy động sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị vào cuộc, với một quyết tâm mạnh mẽ và niềm tin mãnh liệt nhằm thực hiện mục tiêu lớn lao của Đảng, Nhà nước trong công tác này...

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ và Bộ trưởng Bộ LĐ,TB&XH Đào Ngọc Dung trao Bằng Tổ quốc ghi công năm 2022 cho các thân nhân liệt sỹ

Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Đỗ Văn Chiến và Bí thư Tỉnh ủy Nghệ An Thái Thanh Quý trao Bằng Tổ quốc ghi công năm 2022 cho các thân nhân liệt sỹ

Phó Chủ tịch nước Võ Thị Ánh Xuân và Thứ trưởng Bộ Quốc phòng Nguyễn Hải Sản trao Bằng Tổ quốc ghi công năm 2022 cho các thân nhân liệt sỹ

Tại buổi lễ hôm nay, Lãnh đạo Đảng, Nhà nước trực tiếp trao Bằng Tổ quốc ghi công tới 75 thân nhân liệt sĩ. Số Bằng Tổ quốc ghi công còn lại sẽ được trao tại các địa phương trước ngày 27/7

Trách nhiệm cao cả và nghĩa tình sâu nặng đối với người có công

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ khẳng định, Tổ quốc và Nhân dân không bao giờ quên ơn những thế hệ người Việt Nam đã ngã xuống vì sự nghiệp đấu tranh cách mạng, giải phóng dân tộc, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc

Phát biểu tại buổi lễ, đồng chí Vương Đình Huệ - Chủ tịch Quốc hội bày tỏ: Lễ trao Bằng Tổ quốc ghi công ngày hôm nay thật sự có ý nghĩa khi được tổ chức tại tỉnh Nghệ An, vùng đất địa linh nhân kiệt, giàu truyền thống lịch sử, cách mạng, quê hương của Chủ tịch Hồ Chí Minh kính yêu. Trong thời gian qua, các chủ trương, chính sách, pháp luật về ưu đãi đối với liệt sĩ, thương binh, bệnh binh, gia đình liệt sĩ, người có công với cách mạng đã được ban hành, sửa đổi, bổ sung để phù hợp với từng giai đoạn lịch sử, phù hợp với sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước cũng như công lao đóng góp của người có công. Đối tượng hưởng chính sách ưu đãi ngày càng được mở rộng, các chế độ ưu đãi từng bước được hoàn thiện và được nâng lên.

Trong khoảng thời gian từ năm 2016-2021, Quỹ Đền ơn đáp nghĩa của Trung ương và địa phương vận động được gần hơn 60.000 tỷ đồng; phong trào tặng sổ tiết kiệm của cả nước đạt hơn 70.000 sổ với tổng kinh phí hơn 121,5 tỷ đồng; xây dựng mới gần 43.700 nhà tình nghĩa, sửa chữa gần 28.500 nhà tình nghĩa trị giá hơn 2.553 tỷ đồng. Đến nay, đã có 9,2 triệu người có công bao gồm cán bộ lão thành cách mạng, cán bộ tiền khởi nghĩa, các Mẹ Việt Nam Anh hùng, Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân, Anh hùng Lao động, thương binh, bệnh binh, thân nhân liệt sĩ... được hưởng các chế độ, chính sách ưu đãi; hơn 4 triệu người có công được tặng Huân chương, Huy chương và các phần thưởng, danh hiệu cao quý khác.

Nhất quán chủ trương “không để người có công nào không được hưởng chính sách của Đảng, Nhà nước”, việc xem xét, xác nhận người có công với cách mạng, đặc biệt là đối với các hồ sơ không còn giấy tờ gốc và những nhân chứng lịch sử đã không còn... đang được đẩy mạnh. Đây là một công việc rất khó khăn, phức tạp, đòi hỏi sự cố gắng, tập trung của toàn thể các cấp, các ngành từ Trung ương đến địa phương, nhất là các tổ chức chính quyền địa phương cơ sở, các chứng nhân lịch sử, các bậc lão thành cách mạng…; sự tận tâm và trách nhiệm cao của đội ngũ cán bộ làm công tác thương binh - xã hội các cấp.

Trong dịp này, Bộ LĐ,TB&XH đã phối hợp với các địa phương và cơ quan Quân đội, Công an tiếp tục rà soát, xem xét trình Thủ tướng Chính phủ công nhận và cấp Bằng Tổ quốc ghi công đối với 387 liệt sĩ, trong đó có 105 liệt sĩ thời kỳ chiến tranh giải phóng dân tộc và chống thực dân Pháp; rất nhiều người trong số đó đã hy sinh cách đây từ rất lâu, người lâu nhất đã hy sinh cách đây 91 năm, từ thời kỳ chiến tranh giải phóng dân tộc; có người đã hy sinh cách đây trên 80 năm, từ thời kỳ kháng chiến chống Pháp...

Kết quả đó khẳng định trách nhiệm cao cả, nghĩa tình sâu nặng, là sự quan tâm sâu sắc của Đảng, Nhà nước và toàn xã hội đối với những người đã cống hiến, đóng góp, hy sinh vì sự nghiệp cách mạng quang vinh của Đảng, của dân tộc. Những thế hệ đi sau, xin hứa với anh linh, hương hồn những người đã mất rằng: Tổ quốc và Nhân dân không bao giờ quên ơn những thế hệ người Việt Nam đã ngã xuống vì sự nghiệp đấu tranh cách mạng, giải phóng dân tộc, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Hướng đến mục tiêu đảm bảo người có công có mức sống cao hơn trung bình của dân cư
Nhân dịp này, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cũng gửi lời chia sẻ, động viên tới các thân nhân liệt sĩ được đón nhận Bằng Tổ quốc ghi công. Mong rằng, bằng việc xác nhận liệt sĩ và nhận Bằng Tổ quốc ghi công, các gia đình và thân nhân liệt sĩ sẽ được bù đắp phần nào những đau thương, mất mát đã trải qua.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đề nghị Bộ LĐ,TB&XH phát huy các kết quả đã đạt được trong công tác người có công, tập trung triển khai đồng bộ, toàn diện Chỉ thị số 14-CT/TW của Ban Bí thư về tiếp tục tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác người có công với cách mạng và Pháp lệnh ưu đãi người có công với cách mạng năm 2020; tăng cường phối hợp chặt chẽ với các cơ quan hữu quan nâng cao năng lực, hiệu quả quản lý nhà nước đối với công tác người có công với cách mạng; rà soát, bổ sung, hoàn thiện hệ thống chính sách, pháp luật ưu đãi người có công phù hợp với sự phát triển của đất nước.

Đồng thời, tiếp tục phát huy các kết quả đã đạt được trong việc xác nhận hồ sơ tồn đọng trong thời gian vừa qua, bảo đảm chặt chẽ, thấu lý, đạt tình để những người có công và gia đình được thụ hưởng đầy đủ các chính sách ưu đãi của Đảng và Nhà nước và hướng tới mục tiêu bảo đảm mức sống của người có công với cách mạng bằng hoặc cao hơn mức trung bình của cộng đồng dân cư nơi cư trú; đặc biệt, chú trọng các biện pháp nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, cũng như ý thức, trách nhiệm của những người làm công tác này.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cũng đề nghị các cơ quan, địa phương, tổ chức tiếp tục phối hợp chặt chẽ, chủ động nắm bắt thông tin từ người dân, nhân chứng, ứng dụng công nghệ và khoa học phục vụ việc tìm kiếm, quy tập, xác minh thông tin hài cốt liệt sĩ; đẩy mạnh công tác tuyên truyền về chính sách tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sĩ và xác định hài cốt liệt sĩ còn thiếu thông tin để huy động mọi nguồn lực cùng chung sức thực hiện công tác đền ơn đáp nghĩa…

Các cơ quan của Quốc hội, các Đoàn đại biểu Quốc hội, các vị đại biểu Quốc hội và HĐND các cấp tăng cường hơn nữa hoạt động giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật, góp phần thực hiện đúng, đầy đủ, hiệu quả, kịp thời các chính sách ưu đãi người có công - những người đã có nhiều đóng góp, hy sinh vì cách mạng, vì sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Dịp này, lãnh đạo Đảng và Nhà nước trao 20 suất Nhà tình nghĩa cho gia đình người có công với cách mạng, thân nhân liệt sỹ

Tác giả: Quỳnh - Oanh

Nguồn tin: nghean.gov.vn

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP