Giáo dục

Rà soát chế độ phụ cấp nhà giáo; thúc đẩy văn hoá, chuyển đổi số trong giáo dục

Tuần qua, vấn đề về văn hoá học đường, thúc đẩy chuyển đổi số trong giáo dục, chế độ phụ cấp ưu đãi nhà giáo,… nhận nhiều quan tâm của dư luận.

Ảnh minh hoạ/INT.

Bàn giải pháp tạo đột phá về văn hóa học đường

Hội thảo Giáo dục 2021, chủ đề “Văn hóa học đường trong bối cảnh đổi mới giáo dục và đào tạo" đã được Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội phối hợp với Bộ GD&ĐT, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch tổ chức ngày 21/11.

Định hướng về mục tiêu và nội dung của Hội thảo quan trọng này, bà Nguyễn Thị Mai Hoa, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội nhận định: Ở nước ta, dù chưa có quy định cụ thể về văn hoá học đường trong các văn bản pháp quy về giáo dục, nhưng tư tưởng về một văn hoá học đường tích cực luôn hiện hữu trong các quan điểm chỉ đạo về giáo dục của Đảng và Nhà nước. Ngành Giáo dục đã cụ thể hoá nội dung này trong nhiều văn bản quy định, hướng dẫn.

Tuy nhiên, môi trường văn hoá, xã hội bị ảnh hưởng tiêu cực bởi các tệ nạn xã hội, tham nhũng, tiêu cực,… sự xuống cấp nghiêm trọng về đạo đức, lối sống. Dư luận xã hội có nhiều quan ngại về sự xuống cấp của môi trường văn hóa trong trường học.

Có nhiều nguyên nhân của tình trạng kể trên, nhưng một trong những nguyên nhân quan trọng là ở cả cấp độ chính sách lẫn tổ chức thực hiện, chưa có sự quan tâm thỏa đáng đến việc xây dựng văn hoá học đường.

Bà Nguyễn Thị Mai Hoa đề nghị các diễn giả, nhà giáo, nhà khoa học, nhà quản lý, các đại biểu tập trung chia sẻ, trao đổi và thảo luận để nhận dạng và giải quyết 3 nội dung cơ bản:

Một là, đánh giá, phân tích đúng thực trạng văn hoá học đường, mặt được, mặt chưa được, nguyên nhân và những vấn đề đặt ra. Trong đó, quan tâm tới việc phân tích những biểu hiện, nguyên nhân của bệnh thành tích trong nhà trường, vấn đề thiếu trung thực trong dạy học, thi, đánh giá chất lượng giáo dục để xây dựng văn hoá nhà trường theo định hướng “Học thật, thi thật và nhân tài thật”.

Hai là, khuyến nghị chính sách xây dựng văn hoá học đường nhìn từ các mối quan hệ bên trong và bên ngoài nhà trường cũng như trên môi trường mạng.

Ba là, đề xuất giải pháp cụ thể đối với cơ quan quản lý nhà nước, các địa phương, các cơ sở giáo dục để có được sự đồng thuận trong nhận thức, sự thống nhất trong hành động; từ đó tạo sự chuyển động mạnh mẽ về văn hoá học đường trong mỗi nhà trường, mỗi thầy giáo, cô giáo và học sinh, sinh viên.

Ảnh minh hoạ/INT.

Khả thi hóa nội dung, mục tiêu chuyển đổi số trong giáo dục

Nhiều ý kiến trao đổi, góp ý, đề xuất giải pháp để thúc đẩy chuyển đổi số trong giáo dục và đào tạo được các thành viên Ủy ban về Giáo dục và Phát triển nhân lực chia sẻ trong phiên họp của Ủy ban sáng 23/11.

Để có được hành động quyết liệt trong chuyển đổi số, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn cho rằng cần phải thấy hết tiện ích, lợi thế của chuyển đổi số, từ đó để những tiện ích, lợi thế được thể hiện.

Với giáo dục, đó là quản trị tốt hơn, người dạy thuận tiện hơn, việc học chất lượng hơn. Nếu thực hiện tốt, đây sẽ là cú hích làm thay đổi tư duy giáo dục, quản trị giáo dục, thay đổi nghề nghiệp của người dạy và hoạt động của người học; hướng tới giải quyết những vấn đề mang tính bền vững, lâu dài trong ngành Giáo dục…

Sau khi nghe các tham luận của đại biểu, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn, Chủ tịch Ủy ban về Giáo dục và phát triển nhân lực, khẳng định tính cấp thiết, thời sự nhưng cũng lâu dài của chuyển đổi số trong giáo dục. Theo Bộ trưởng, ngành Giáo dục xác định ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số là một trong những khâu có tính đột phá, hướng đến tạo ra những thay đổi quan trọng trong giáo dục. Đây không phải là công việc có thể thực hiện được trong một sớm một chiều, song cần phải bắt đầu ngay và phải được làm thường xuyên.

Theo Bộ trưởng, chuyển đổi số trong giáo dục không chỉ dừng lại ở việc dạy và học mà phạm vi vô cùng rộng lớn. Ở đó, tất cả các hoạt động, quan hệ, thao tác đang thực hiện sẽ được đặt trong nền tảng số để vận hành.

Chuyển đổi số cũng không phải để thay cho yếu tố thực tại, trực tiếp, sinh động; mà các yếu tố thực tại được đặt vào chuyển đổi số, qua đó vận hành tốt hơn, kết nối hơn, rộng mở hơn, tạo ra nhiều cơ hội học tập hơn, làm cho công cuộc vận hành giáo dục trong thực tại hiệu quả và chất lượng hơn.

Ảnh minh hoạ/INT.

Yêu cầu rà soát sửa đổi chế độ phụ cấp ưu đãi nhà giáo

Văn phòng Chính phủ vừa có Công văn 8589/VPCP-KGVX ngày 24/11/2021 về ý kiến của Đại biểu Quốc hội trong việc thực hiện chế độ phụ cấp ưu đãi đối với nhà giáo đang trực tiếp giảng dạy trong các cơ sở giáo dục công lập.

Công văn nêu rõ, về ý kiến của Đại biểu Quốc hội Dương Khắc Mai và Đại biểu Quốc hội Nguyễn Trường Giang đối với việc thực hiện chế độ phụ cấp ưu đãi đối với nhà giáo đang trực tiếp giảng dạy trong các cơ sở giáo dục công lập tại Thành phố Gia Nghĩa, tỉnh Đắk Nông, Phó Thủ tướng Chính phủ có ý kiến chỉ đạo như sau:

Giao Bộ Giáo dục và Đào tạo chủ trì, phối hợp với Bộ Nội vụ, Bộ Tài chính, Ủy ban Dân tộc và các Bộ, cơ quan có liên quan rà soát, sửa đổi, bổ sung hoặc kiến nghị cơ quan có thẩm quyền sửa đổi, bổ sung các quy định (nếu có) bảo đảm công bằng, phù hợp với thực tiễn. Đồng thời, kiểm tra, xử lý trường hợp mà Đại biểu Quốc hội phản ánh.

Hiện nay, theo quy định tại Thông tư liên tịch 01/2006/TTLT-BGD&ĐT-BNV-BTC thì mức ưu đãi được hưởng theo nghề nhà giáo được tính theo công thức:

Mức phụ cấp ưu đãi = 1,49 triệu đồng x [hệ số lương theo ngạch, bậc hiện hưởng + hệ số phụ cấp chức vụ lãnh đạo (nếu có) + phụ cấp thâm niên vượt khung (nếu có)] x tỷ lệ % phụ cấp ưu đãi. Trong đó, tỷ lệ phụ cấp ưu đãi được quy định cụ thể tại Quyết định 244/2005/QĐ-TTG.

Tác giả: Kim Thoa (t/h)

Nguồn tin: giaoducthoidai.vn

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP