Kinh tế

Nhà vườn điêu đứng vì thanh long mắc bệnh 'ngoài da'

Do chưa có thuốc đặc trị, dịch đốm nâu đang lan rộng trên vùng trồng thanh long Bình Thuận khiến người nông dân thiệt hại nặng giữa mùa thu hoạch.

Có 1.500 trụ thanh long ở xã Hàm Hiệp (Hàm Thuận Bắc, Bình Thuận), gia đình chị Lê Thị Xuân Linh đang cùng nhiều hộ nông dân khác gặp khó với dịch bệnh đốm nâu, khiến chất lượng và mẫu mã sản phẩm thu hoạch không đạt tiêu chuẩn xuất khẩu. "Nhà tôi thu hoạch được được 3 tấn nhưng đến hơn một nửa bị hư hại. Vụ này nấm nhiều quá, phun thuốc cũng không ăn thua gì. Hàng bệnh nên bị thương lái chê”, chị Linh nói.

Anh Lê Thanh Tâm mua thanh long của bà Lê Thị Hiệp ở Hàm Thuận Bắc. Ảnh: Tư Huynh


Bà Lê Thị Tình ở cùng xóm cũng vừa cắt bán lứa hàng được khoảng một tấn. Thương lái đến mua, ngồi lựa mãi mới được 400kg đủ chuẩn để xuất khẩu qua Trung Quốc. Giá mua là 5.000 đồng một kg. Còn đến 600 kg là hàng không thể xuất khẩu vì trên vỏ có rất nhiều đốm tròn, loang lổ, trông xấu xí. Thương lái cuối cùng chấp nhận mua với giá chưa đến 1.000 đồng một kg để bán cho thị trường nội địa.

"Cả tấn thanh long mà chỉ thu về được 2,8 triệu đồng. Hàng mùa này giá cả đã thấp, mà sâu bệnh lại quá nhiều, cuối cùng thu được bao nhiêu đâu. Cứ đà này, nông dân quá khổ”, bà Tình buồn bã nói.

Để cứu vãn, người trồng hiện sử dụng đủ loại thuốc, dù tốn kém chi phí nhưng cũng không hiệu quả. Sau thu hoạch, hầu như ở các vườn bệnh, số thanh long bệnh chiếm đến 60%. Anh Lê Thanh Tâm, một thương lái chuyên thu mua ở vùng giáp ranh Phú Hội (Hàm Thuận Bắc) và Mương Mán (Hàm Thuận Nam) cho biết bản thân người đi thu mua cũng rất khổ. Hầu như vườn nào cũng bị bệnh, thương lái phải nhọc công lựa chọn hàng cho đạt. Nếu mua hàng bệnh mang về, các vựa lớn sẽ trả lại hết.

“Hàng xuất khẩu phải to đẹp, trên vỏ không có các vết lốm đốm. Mình lựa nhiều, đôi khi nông dân cũng phàn nàn. Nhưng biết làm sao vì doanh nghiệp đòi hỏi hàng xuất khẩu phải to, đẹp, không bị bệnh. Nếu mình mua không đủ chuẩn, họ trả về, mình sẽ lỗ vốn", anh Tâm nói.

Ông Trần Minh Tiến - Chi cục trưởng Chi cục Bảo vệ thực vật tỉnh Bình Thuận cho biết toàn tỉnh có hơn 6.400ha thanh long bị nhiễm bệnh đốm nâu. Vào mùa mưa, bệnh này phát triển rất nhanh. Vừa qua, các nhà khoa học trong nước, Bộ Nông nghiệp & Phát triển nông thôn đã vào cuộc nghiên cứu nhưng vẫn chưa tìm ra phương thuốc đặc trị.

Thanh long bị bệnh không thể xuất khẩu. Ảnh: Tư Huynh

Cũng chính vì thanh long bị bệnh, không thể xuất khẩu nên nhiều ngày nay, nông dân ở Ninh Thuận phải bán đổ bán tháo. Nhiều tiểu thương đã thu gom mang về thành phố và các tỉnh lân cận bán với giá khả rẻ.

Tại TP HCM, thanh long được đổ đống trên vỉa hè với giá 7.000 -10.000 đồng một kg. Anh Hòa, một tiểu thương trên đường Phan Đăng Lưu (quận Phú Nhuận) cho biết dù giá giảm nhưng sức mua nội địa vẫn không cao. Mỗi ngày, anh chỉ bán được vài chục kg.

Chị Thanh - bán hàng trên đường Nguyễn Thái Sơn (quận Gò Vấp) thì cho biết dù bên ngoài bị đốm nâu song thực tế chất lượng quả không ảnh hưởng. So với cùng kỳ năm ngoái, dù giá thanh long rẻ nhưng buôn vẫn không có lãi nhiều vì sức tiêu thụ kém.

Tại các khu chợ ở TP HCM, giá trung bình tại các sạp khoảng 10.000 đồng một kg. Với loại ruột trắng có mẫu mã đẹp, giá có thể ở mức 12.000 đồng, trong khi thanh long ruột đỏ có giá 30.000 đồng một kg.

Bệnh đốm nâu còn được người dân quen gọi là bệnh tắc kè, bệnh đốm trắng. Bệnh hại thanh long này do nấm Neoscytalidium Dimidiatum Crous & Slipper gây ra. Bào tử nấm gây bệnh nảy mầm trên bề mặt tiếp xúc rồi xâm nhập vào trong mô gây hoại tử cả trên cành và quả thanh long.

Tác giả bài viết: Tư Huynh - Thi Hà

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP