Giáo dục

Nghi vấn sách lậu của Huấn “hoa hồng”: Ai “bảo kê” in, phát hành?

Giang hồ mạng Huấn "hoa hồng" nổi tiếng chủ yếu bởi những màn đấu khẩu, chửi bới trên mạng và do nghiện ma túy... thế nhưng mới đây, Huấn quảng cáo trên mạng xã hội về việc sẽ ra mắt bộ sách dạy kiếm tiền online khiến dư luận xôn xao.

Trao đổi với PV Báo Kiến Thức, về việc Huấn "hoa hồng" cho biết sẽ ra mắt cuốn sách dạy kiếm tiền online và dư luận nghi ngờ có thế lực "bảo kê" cho Huấn. Luật sư Đặng Văn Cường, Đoàn Luật sư TP Hà Nội nêu quan điểm: Một đặc điểm của mạng xã hội là những thông tin độc, lạ, sốc, kinh dị, giật gân, những hành động quái dị thì lại được nhiều người theo dõi, chia sẻ. Có lẽ bởi tâm lý của nhiều người khi sử dụng mạng xã hội là để giải trí, tìm kiếm những điều bất thường độc lạ mà trong đời sống không có...
Còn giới trẻ thì lại thích những người có vẻ “hảo hán”, sẵn sàng nói tục, chửi bậy, đánh người mà người ta thường hay gọi là “giang hồ mạng”. Nhiều người trẻ coi những “giang hồ mạng” là thần tượng và muốn học theo, làm theo khiến sự phát triển nhân cách lệch lạc.

Huấn "hoa hồng" khoe bộ sách vừa phát hành và chính anh là tác giả

Lý do mà "giang hồ mạng" xuất hiện ngày càng nhiều có lẽ bởi đây là một cách kiếm tiền, các trang mạng xã hội như YouTube sẽ trả tiền cho người sử dụng khi các kênh thông tin của họ có nhiều người theo dõi, bình luận, chia sẻ.

Nắm được tâm lý đám đông, để thu hút được nhiều người theo dõi, tương tác thì một số người đã lập những trang mạng xã hội như YouTube, Facebook để tuyên truyền những điều nhảm nhí, khoe thân, khoe tiền, khoe chiến tích đánh nhau, nói tục, chửi bậy hoặc làm những điều bất thường để nhiều người theo dõi...

Khi nhiều người theo dõi thì họ thành công và kiếm được tiền từ mạng xã hội. Đây là cách thức kiếm tiền của không ít các đối tượng trong thời gian gần đây và cũng là chiêu thức của Huấn "hoa hồng". Đồng thời cách kiếm tiền này đã tác động tiêu cực đến xã hội, đặc biệt là với trẻ, khiến nhiều giá trị trong xã hội bị đảo lộn...

Trước đây Khá "bảnh" cũng từng là thần tượng của một bộ phận người trẻ, đến khi đối tượng này bị bắt về nhiều tội danh, bị xử phạt tù thì sự việc mới tạm thời gác lại.

Đối với Huấn “hoa hồng”, thì đây là một đối tượng không có học thức, không có chuyên môn trình độ, sử dụng trái phép ma túy và bị đi cai nghiện bắt buộc nhưng lại thường xuyên lên mạng xã hội nói chuyện, chia sẻ về đạo lý...

Thời gian gần đây Huấn có nhiều chia sẻ, giáo dục cho những bạn trẻ trên mạng xã hội, nội dung không phù hợp với văn hóa, đạo đức xã hội có thể tác động tiêu cực đối với tâm lý và sự phát triển nhân cách của trẻ em, sẽ dung túng những lối sống lệch lạc, sẽ khiến một số bạn trẻ có thể suy nghĩ rằng không cần học hành, chỉ cần lên nói tục chửi bậy trên mạng xã hội là có thể giàu có, sẽ hành xử với nhau bằng nắm đấm chứ không phải bằng lý lẽ, văn hóa.

Không những thế, Huấn “hoa hồng” còn đăng thông tin về việc viết sách, in sách để giáo dục về kinh doanh, cho rằng việc kiếm tiền rất dễ dàng mà không cần học hành.

Tác phẩm này thể hiện một sự nhận thức ấu sĩ, lệch lạc, những bài viết không có đầu, không có cuối, sai chính tả chi chít, khó hiểu vậy mà vẫn có thể “xuất bản” và đăng bán tràn lan. Đây là một sự xúc phạm tri thức, làm các giá trị của tri thức bị đảo lộn và ảnh hưởng đến hoạt động giáo dục phải kinh doanh cũng như đến văn hóa xã hội.

Việc viết ra một cuốn sách thể hiện vấn đề nhận thức, tri thức của người viết, đồng thời phải được xem xét thẩm định và suất bản theo đúng quy định của pháp luật, sách đó phải phù hợp với đạo đức, văn hóa, tri thức của nhân loại. Bởi vậy để một người có thể viết được một cuốn sách thì không hề đơn giản chút nào, kể cả đối với những người có học hàm, học vị.

Những cuốn sách xuất bản sẽ tác động đến văn hóa, giáo dục, kinh tế, xã hội và nhiều lĩnh vực khác của đời sống. Vì vậy, xuất bản là một lĩnh vực có sự quản lý của nhà nước bởi có thể tác động đến đời sống, văn hoá, xã hội. Vấn đề này cơ quan chức năng phải vào cuộc xác minh làm rõ, sai đến đâu phải xử lý đến đó.

Luật sư Đặng Văn Cường

Dưới góc độ pháp lý, theo quy định của Luật xuất bản thì xuất bản phẩm được hiểu là tác phẩm, tài liệu về chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội, giáo dục và đào tạo, khoa học, công nghệ, văn học, nghệ thuật được xuất bản thông qua nhà xuất bản hoặc cơ quan, tổ chức được cấp giấy phép xuất bản bằng các ngôn ngữ khác nhau, bằng hình ảnh, âm thanh và được thể hiện dưới các hình thức sách in; sách chữ nổi; tranh, ảnh, bản đồ, áp-phích, tờ rời, tờ gấp; các loại lịch; bản ghi âm, ghi hình có nội dung thay sách hoặc minh họa cho sách.

Như vậy, khi muốn phát hành bất kỳ một tác phẩm nào thì tác phẩm đó phải được xuất bản thông qua nhà xuất bản hoặc cơ quan, tổ chức được cấp giấy phép xuất bản thì mới coi là hợp pháp.

Trong trường hợp xuất bản mà không đăng ký, không có quyết định xuất bản hoặc không có giấy phép xuất bản thì được coi là một trong những hành vi bị nghiêm cấm theo Điều 10 Luật xuất bản, và các tác phẩm này không được coi là xuất bản phẩm, mà thường được gọi là sách lậu.

Do đó, với hành vi vi phạm này thì tùy từng tính chất, mức độ có thể xử phạt vi phạm hành chính theo Nghị định 159/2013/NĐ-CP về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực báo chí, xuất bản.

Cụ thể theo điểm c khoản 2 Điều 27 Nghị định 159/2013/NĐ-CP quy định về xử phạt hành chính về vi phạm quy định về tàng trữ, phát hành xuất bản phẩm và sản phẩm in không phải là xuất bản phẩm thì phạt tiền từ 3.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng đối với hành vi phát hành trái phép các sản phẩm in không phải là xuất bản phẩm.

Ngoài ra, các cá nhân, tổ chức vi phạm còn bị buộc thu hồi hoặc tiêu hủy sản phẩm in không phải là xuất bản phẩm và phải nộp lại số lợi bất hợp pháp do hành vi vi phạm gây ra.

Còn đối với hành vi tàng trữ, phát hành, xuất bản phẩm in, nhân bản lậu, in giả, in nối bản trái phép hoặc xuất bản phẩm không có hóa đơn, chứng từ thể hiện nguồn gốc hợp pháp dưới 50 bản sẽ bị xử phạt từ 1.000.000 đồng đến 3.000.000 đồng; còn trong trường hợp tàng trữ, phát hành xuất bản phẩm in, nhân bản lậu, in giả, in nối bản trái phép hoặc xuất bản phẩm không có hóa đơn, chứng từ thể hiện nguồn gốc hợp pháp từ 300 bản trở lên thì có thể bị phạt từ 20.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng theo quy định tại Điều 27 Nghị định 159/2013/NĐ-CP.

Ngoài ra, cá nhân, tổ chức vi phạm cũng bị áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả là tịch thu hoặc tiêu hủy sản phẩm vi phạm và phải nộp lại số lợi bất hợp pháp do hành vi vi phạm gây ra.

Theo những thông tin hình ảnh đăng tải thì trong cuốn sách này có dấu tròn màu đỏ của nhà xuất bản. Vấn đề này cơ quan chức năng sẽ phải làm rõ việc đóng dấu này là như thế nào. Trong trường hợp hành vi có dấu hiệu làm giả tài liệu, con dấu của cơ quan tổ chức thì sẽ xử sự đối tượng này về tội làm giả tài liệu con dấu hoặc sử dụng tài liệu con dấu giả theo quy định của pháp luật.

Tác giả: Xuân Diệp

Nguồn tin: Báo Kiến thức

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP