Trong tỉnh

Nghệ An: Ngổn ngang “trăm mối tơ vò” ở thành phố Vinh

Để chỉnh trang đô thị, giảm thiểu tối đa rủi ro tai nạn đáng tiếc do hệ thống mạng cáp viễn thông…gây ra, Nghệ An đã ban hành kế hoạch “ngầm hoá” dây cáp tại các tuyến đường, khu dân cư.

Đặc biệt, nhiều tuyến phố đã thực sự thông thoáng, góp phần giảm thiểu tai nạn giao thông sau khi dẹp bỏ được “nạn” lấn chiếm lòng, lề đường và hành lang trên từng tuyến phố. Những việc làm đó thể hiện nỗ lực để xứng tầm với Vinh - Đô thị loại I hiện nay. Song, đó mới chỉ là những hình ảnh xuất hiện dưới mặt đất. Còn trên không thì vẫn “ngổn ngang trăm mối tơ vò” vẫn chưa thể “ngầm hoá” hết được.

Hình ảnh chúng ta thấy rõ nhất hiện nay là hệ thống đường dây chăng như “mạng nhện” trên khắp các ngả đường, ngõ ngách ở thành phố Vinh – đô thị loại I trực thuộc tỉnh Nghệ An hiện nay. Đó là một tập hợp của dây điện, dây điện thoại, dây truyền hình cáp, dây đường truyền ADSL... với đủ loại treo vất vưởng trên không trung.

Các đường dây này nhiều chỗ được treo chồng chéo nhau trông rất mất mỹ quan đô thị. Bên cạnh đó, không ít chỗ, nhiều hộ xây nhà cao tầng đã phải tự thiết kế thêm “giá đỡ”... trở thành mối nguy hiểm tiềm ẩn. Việc làm này, đành rằng, nó phần nào có tác dụng nhất thời cho cá nhân từng hộ gia đình, một nhóm khu tập thể...

Nhưng với cách thiết kế kiểu tự phát, không theo quy chuẩn kỹ thuật nào về an toàn đường dây và an toàn đô thị khiến hiểm hoạ luôn đe doạ tính mạng con người, tài sản của Nhà nước và nhân dân. Và thực tế, đã có không ít vụ hoả hoạn gây thiệt hại nghiêm trọng do chập, cháy dây điện kiểu mạng nhện đó gây nên trong thời gian qua.

Điều đáng nói, thực trạng dây cáp treo trên cột gây quá tải... không chỉ mất mỹ quan đô thị, mà còn tiềm ẩn nguy cơ cháy nổ…diễn ra khá phổ biến ở nhiều tuyến phố, nhiều ngõ ngách ở TP Vinh hiện nay. (Ảnh chụp trên đường Nguyễn Thị Minh Khai)

Đành rằng, trong điều kiện kinh tế - xã hội hiện nay chưa thể "ngầm hoá" một lúc toàn bộ hệ thống đường dây nói trên. Nhưng nếu các cơ quan quản lý Nhà nước về hạ tầng đô thị quản lý chặt chẽ hơn, cùng với các cấp, ngành đưa ra giải pháp cho việc "chăng dây" thì chắc chắn tránh được tình trạng ngành nọ tranh thủ "ăn bám" ngành kia và tạo nên một hệ thống đường dây "hổ lốn" như hiện nay?

Thiết nghĩ, nếu không thể tách biệt hoàn toàn các loại dây thành các đường cột riêng thì cơ quan quản lý Nhà nước về hạ tầng đô thị cần có quy định cụ thể về khoảng cách treo giữa các loại dây, độ căng dây và quy cách đấu nối vào cua, rẽ ngã ba, ngã tư để từ đó có thể xử lý những thành viên "treo dây" nào vi phạm thì kiên quyết xử lý nghiêm.

Ngoài ra, nếu các cấp, ngành có cách quản lý nghiêm túc ngay từ khâu phê duyệt quy hoạch xây dựng ban đầu thì liệu có tình trạng cơi nới, giăng mắc, làm “giá đỡ” cho những đường dây điện đi qua?

Được biết, trước thực trạng này, vào ngày 15/9/2022, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Lê Hồng Vinh ký Quyết định số 2790/QĐ-UBND về việc ban hành Kế hoạch ngầm hóa và chỉnh trang mạng cáp viễn thông các năm 2022, 2023 trên địa bàn tỉnh Nghệ An. (Ảnh chụp một góc Tp Vinh)

Tác giả: NHÓM PV

Nguồn tin: diendandoanhnghiep.vn

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP