Trong tỉnh

Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Đức Trung làm việc với Sở Du lịch

Chiều 06/6, đồng chí Nguyễn Đức Trung – Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh đã có buổi làm việc với lãnh đạo Sở Du lịch về tình hình thực hiện nhiệm vụ thời gian qua, triển khai nhiệm vụ thời gian tới. Cùng tham dự buổi làm việc có các đồng chí: Nguyễn Thị Kim Chi - Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Bí thư Đảng ủy Khối CCQ tỉnh; Bùi Đình Long – Tỉnh ủy viên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh; lãnh đạo các Sở, ngành liên quan.

Quang cảnh buổi làm việc

Nỗ lực vượt qua khó khăn, phục hồi mạnh mẽ

Đ/c Nguyễn Mạnh Cường - Giám đốc Sở Du lịch báo cáo

Báo cáo tại buổi làm việc, Giám đốc Sở Du lịch Nguyễn Mạnh Cường cho biết: Trong thời gian qua, đặc biệt là trong 2 năm 2020 và 2021, đại dịch COVID-19 đã có tác động và làm ảnh hưởng sâu sắc tới mọi mặt đời sống, kinh tế - xã hội, đặc biệt đối với ngành Du lịch đã rơi vào hoàn cảnh vô cùng khó khăn.

Điều này được thể hiện rõ khi lượng khách du lịch bị suy giảm mạnh. Năm 2021, lượng khách du lịch chỉ đạt 1,888 triệu lượt, trong đó, khách lưu trú đạt 1,288 triệu lượt; khách quốc tế đạt 4.323 lượt; tổng thu từ khách du lịch đạt 2.096 tỷ đồng, trong đó doanh thu du lịch đạt 1.115 tỷ đồng chỉ bằng ¼ so với bình quân giai đoạn 2016-2019 (4.581 tỷ đồng).

Sau khi dịch COVID-19 cơ bản được kiểm soát, Chính phủ đã có chủ trương mở cửa hoàn toàn du lịch từ ngày 15/3/2022, cùng với sự hồi phục nhanh chóng của du lịch cả nước, ngành Du lịch Nghệ An đã có nhiều tín hiệu phục hồi mạnh mẽ. Dự ước 6 tháng đầu năm 2022, toàn tỉnh ước đón và phục vụ 4.070.000 lượt khách, bằng 237% so với cùng kỳ năm 2021, trong đó khách lưu trú ước đạt 2.630.000 lượt, bằng 222% so với cùng kỳ năm 2021, khách quốc tế ước đạt 8.300 lượt. Tổng thu từ khách du lịch ước đạt 7.050 tỷ đồng, trong đó doanh thu du lịch ước đạt 3.269 tỷ đồng, bằng 321% so với cùng kỳ năm 2021.

Hệ thống cơ sở vật chất kỹ thuật phục vụ du lịch đã và đang từng bước được đầu tư đồng bộ, hiện đại. Trong đó, hầu hết các tuyến đường giao thông tiếp cận các khu du lịch trọng điểm của tỉnh đã được đầu tư xây dựng, nâng cấp, nhất là đối với khu vực ven biển. Phân khúc khách sạn đạt tiêu chuẩn 3 - 5 sao có xu hướng tăng nhanh, bước đầu hình thành cơ sở du lịch có đẳng cấp.

Các doanh nghiệp lữ hành, các cơ sở ăn uống, nhà hàng, dịch vụ mua sắm phát triển mạnh mẽ, đủ khả năng cung cấp các sản phẩm, dịch vụ có chất lượng cho khách du lịch khi đến Nghệ An, nhất là các món ăn độc đáo mang đậm bản sắc văn hoá Xứ Nghệ như: Cam Vinh, Nhút Thanh Chương, Tương Nam Đàn, Me Nam Nghĩa, Dê Cầu Đòn hay đặc sản ẩm thực chế biến từ lươn được công nhận kỷ lục Châu Á.

Không gian phát triển du lịch được mở rộng cả về địa bàn và loại hình. Du lịch nghỉ dưỡng biển vẫn chiếm tỷ trọng lớn trong tăng trưởng của toàn ngành, trong đó tập trung tại các khu vực Cửa Lò, Đảo Ngư, Cửa Hội, Bãi Lữ và các huyện ven biển (Diễn Châu, Biển Quỳnh...). Du lịch văn hóa - lịch sử tiếp tục phát triển mạnh. Du lịch sinh thái gắn với khám phá văn hóa cộng đồng được khai thác có hiệu quả.

Công tác tuyên truyền quảng bá xúc tiến du lịch gắn với đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin được Sở Du lịch triển khai tích cực. Sở cũng đã tích cực liên kết với các tỉnh, thành trong khu vực và cả nước tổ chức các tuor tuyến để phát triển du lịch của địa phương.

Song, du lịch Nghệ An cũng đang đối mặt với nhiều khó khăn. Theo Giám đốc Sở Du lịch Nguyễn Mạnh Cường, mức chi tiêu của khách du lịch khi đến với Nghệ An chưa cao, đặc biệt là chi cho mua sắm và nhu cầu khác là rất thấp. Bởi thực tế, Nghệ An chưa có nhiều sản phẩm du lịch hấp dẫn. Tỉnh cũng chưa thu hút được nhiều nhà đầu tư lớn tham gia đầu tư phát triển sản phẩm du lịch bởi vậy chưa có dịch vụ “trọn gói” dành cho du khách khi đến các điểm, khu du lịch trên địa bàn tỉnh. Mặc dù công tác đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực du lịch được quan tâm, song tình trạng thiếu hụt nhân lực qua đào tạo, có kỹ năng nghề cao tiếp tục diễn ra.

Bên cạnh đó, Giám đốc Sở Du lịch cho rằng, hiện tại đội ngũ cán bộ làm công tác du lịch tại các huyện, thành, thị xã đa phần chưa được đào tạo đúng chuyên môn nên gặp nhiều khó khăn trong triển khai các hoạt động phát triển du lịch của các địa phương để đưa du lịch trở thành kinh tế mũi nhọn.

Bí thư Đảng ủy Khối CCQ tỉnh Nguyễn Thị Kim Chi đề nghị cần phải thay đổi tư duy trong cách làm du lịch

Phó Giám đốc Sở TT&TT Nguyễn Bá Hảo đề nghị tăng cường tuyên truyền trên các trang Fanpage mạng xã hội; liên kết với các nhà mạng để có kết nối thông tin tốt hơn

Tại buổi làm việc, các đại biểu đã có nhiều ý kiến góp ý để đưa ngành Du lịch tỉnh nhà phát triển, trở thành ngành kinh tế mũi nhọn trong thời gian tới. Một số ý kiến cho rằng, mấu chốt để phát triển du lịch là phải kêu gọi và thu hút được những nhà đầu tư lớn đầu tư phát triển du lịch, việc đào tạo người dân làm du lịch hiện nay là rất khó. Có ý kiến cho rằng, phát triển du lịch phải có điểm đến hấp dẫn, để xây dựng điểm đến đó vẫn phải gắn với điểm di sản, văn hóa tâm linh...

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bùi Đình Long phát biểu

Chia sẻ với những khó khăn của ngành Du lịch, theo đánh giá của Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bùi Đình Long, thời gian qua, đội ngũ cán bộ của ngành đã rất trách nhiệm với những nội dung công việc được giao. Trong thời gian tới, Sở Du lịch cần tham mưu UBND tỉnh khai thác được tiềm năng về du lịch của tỉnh, phải có nhiều sản phẩm mới, hấp dẫn thu hút du khách đến với Nghệ An. Cùng với đó, trong công tác quản lý nhà nước phải làm sao để tạo ra sự thống nhất trong tổ chức và hoạt động du lịch; có kiểm tra, giám sát để không xảy ra tình trạng chặt chém du khách làm mất hình ảnh du lịch Nghệ An... Cùng với đó, Sở cần phối hợp tốt với các Sở, ngành, địa phương để đưa kinh tế du lịch tỉnh nhà phát triển.

Thay đổi nhận thức và tư duy về phát triển du lịch

Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Đức Trung kết luận

Phát biểu kết luận buổi làm việc, Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Đức Trung đánh giá cao sự nỗ lực của ngành Du lịch trong thời gian qua, nhất là trong 2 năm 2020, 2021 bởi ảnh hưởng nặng nề từ đại dịch COVID -19 đã làm cho hoạt động du lịch bị ngưng trệ. Song cán bộ ngành đã hết sức trăn trở, tâm huyết, trách nhiệm và luôn cố gắng, nỗ lực tìm kiếm các giải pháp để đưa ngành Du lịch vượt qua khó khăn, phục hồi và phát triển, đặc biệt là cá nhân đồng chí Giám đốc Sở Du lịch Nguyễn Mạnh Cường. Ngành cũng như bản thân đồng chí Giám đốc Sở Du lịch cũng đã rất tích cực tham gia cuộc chiến phòng, chống dịch COVID-19, đặc biệt đã vận động, trưng dụng các cơ sở lưu trú tham gia làm điểm cách ly tập trung chia sẻ khó khăn cùng với tỉnh về áp lực trong công tác phòng, chống dịch tại thời điểm phức tạp của dịch bệnh.

Thay mặt lãnh đạo tỉnh, Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Đức Trung ghi nhận, đánh giá cao và biểu dương những kết quả ngành Du lịch đạt được trong thời gian qua, đặc biệt là sự nỗ lực của toàn ngành.

Chia sẻ với những khó khăn, tồn tại, thách thức được ngành thẳng thắn chỉ ra, Chủ tịch UBND tỉnh đề nghị Sở Du lịch làm rõ đúng bản chất của khó khăn, tồn tại. Theo Chủ tịch UBND tỉnh, nguyên nhân của những hạn chế, tồn tại là do Nghệ An chưa có hệ sinh thái sản phẩm du lịch, chưa có sản phẩm du lịch làm điểm nhấn, hấp dẫn du khách. Tỉnh cũng chưa thu hút được nhà đầu tư chuyên nghiệp về du lịch. Nguồn nhân lực phục vụ trong ngành Du lịch thiếu chuyên nghiệp.

Sở Du lịch là đơn vị mới được thành lập cách đây 5 năm, song Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Đức Trung khẳng định, lĩnh vực du lịch luôn được Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh quan tâm trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo triển khai thực hiện thông qua việc ban hành các Nghị quyết, Chương trình hành động, Đề án phát triển ngành để đưa du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn.

Về nhiệm vụ, giải pháp trong thời gian tới, Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Đức Trung đề nghị ngành Du lịch cần có sự điều chỉnh, thay đổi nhận thức và tư duy về phát triển du lịch; phải xác định kinh tế du lịch là ngành kinh tế tổng hợp có tính liên kết ngành và liên kết vùng rất cao, do đó, phải có sự vào cuộc của các cấp, các ngành, các địa phương để xây dựng ngành du lịch thành ngành kinh tế mũi nhọn đúng nghĩa đạt được mục tiêu đề ra trong năm 2022 cũng như mục tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIX. Hiệu quả của phát triển của du lịch không chỉ là về kinh tế mà còn về văn hóa, xã hội.

Để đạt được mục tiêu đó, điều kiện tiên quyết phải xuất phát từ vấn đề làm tốt công tác quy hoạch, nhất là trong thời điểm hiện nay Nghệ An đang xây dựng quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021- 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Quy hoạch phát triển du lịch phải đặt trong quy hoạch tỉnh và phải xác định được không gian phát triển du lịch để thu hút đầu tư.

Ngành cần huy động nguồn lực cho đầu tư kết cấu hạ tầng du lịch và cơ sở phát triển du lịch. Trong điều kiện khó khăn về địa hình, việc phát triển kết cấu hạ tầng phải gắn với khu vực phát triển; phải tập trung kêu gọi thu hút được nhà đầu tư chuyên nghiệp về lĩnh vực du lịch, xây dựng được các cơ sở vật chất rất riêng tạo điểm nhấn.

Về cơ cấu sản phẩm du lịch và cơ cấu khách du lịch, theo Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Đức Trung, 3 trụ cột sản phẩm du lịch gồm du lịch nghỉ dưỡng; du lịch văn hóa, lịch sử, tâm linh và du lịch sinh thái nông thôn. Đây là những sản phẩm du lịch chính của tỉnh nhưng chưa có sự kết nối. Dẫn chứng về các sản phẩm du lịch hiện nay, Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Đức Trung cho rằng, trong cơ cấu sản phẩm du lịch phải có sản phẩm trọng tâm và phải có kết nối; hình thành chuỗi sản phẩm về du lịch để phá vỡ trạng thái du lịch một mùa. Ngành cần có cách tiếp cận mới để du lịch Nghệ An không chỉ bó hẹp trong việc thu hút khách nội địa mà hướng tới thu hút nhiều hơn khách du lịch quốc tế biết và đến với Nghệ An.

Nhấn mạnh về tầm quan trọng của công tác tuyên truyền, quảng bá, xúc tiến du lịch, hiện nay truyền thông đa phương tiện, số hóa, công nghệ 4.0 phát triển rất mạnh mẽ, song theo Chủ tịch UBND tỉnh cần phải xây dựng câu chuyện về du lịch Nghệ An như câu chuyện về món ăn, câu chuyện về điểm đến, câu chuyện danh lam, thắng cảnh... một cách hấp dẫn. Trong quảng bá, xúc tiến sản phẩm du lịch phải có tính liên kết các địa phương trong tỉnh, liên kết giữa Nghệ An với các tỉnh, thành trong khu vực, cả nước. Để làm được điều đó, phải có sự phối hợp của các cấp, các ngành.

“Muốn phát triển du lịch, nguồn nhân lực hết sức quan trọng, cả nhân lực trong quản lý nhà nước và trong hoạt động kinh doanh du lịch đều cần đến năng lực, phẩm chất và tình yêu nghề; phải đào tạo được đội ngũ nhân lực chuyên nghiệp, có tinh thần, ý thức, trách nhiệm và yêu nghề” – Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Đức Trung nhấn mạnh.

Ngành cũng cần quan tâm thực hiện có hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước. Cùng với cách làm chung của tỉnh, trước hết là đổi mới phương thức quản lý nhà nước, thực hiện chuyển đổi số trong quản lý hoạt động du lịch, lựa chọn những vấn đề ưu tiên để tập trung thực hiện. Thời gian qua, Sở Du lịch là đơn vị tiên phong trong công tác cải cách thủ tục hành chính nên cần được phát huy.

Tác giả: Phan Quỳnh

Nguồn tin: nghean.gov.vn

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP