Trong tỉnh

Bắt mỏ đã qua đấu giá phải xin chủ trương đầu tư: "Con gà hóa quả trứng"

Từ tài sản hiện hữu có thể “cầm nắm” được, bỗng vì thiếu một tờ giấy nó trở thành thứ vô định, chẳng khác gì chuyện “con gà hóa quả trứng”.

Nhiều mỏ đất, đá kể cả mỏ phục vụ dự án cao tốc ở Nghệ An đã qua đấu giá đang chưa thể khai thác vì thiếu Quyết định chủ trương đầu tư (Ảnh: Một mỏ khai thác đất ở Hưng Nguyên, Nghệ An).

Đấu giá xong chưa có chủ trương đầu tư

Sau hàng loạt thủ tục từ khảo sát, lấy ý kiến, đưa ra Tỉnh ủy, UBND tỉnh, Hội đồng nhân dân bàn thảo rồi đấu giá, nhà đầu tư mới được cấp quyền thăm dò mỏ. Tuy nhiên, để được khai thác mỏ, nhà đầu tư phải xin lại một “giấy phép con” gọi là Chủ trương đầu tư. Đây là nghịch lý đang diễn ra tại tỉnh Nghệ An, khiến nhiều nhà đầu tư bỗng dưng rơi vào cảnh "dở khóc dở cười" khi nhìn khối tài sản khổng lồ mình đã bỏ ra để sở hữu, giờ không thể khai thác.

Từ nhiều tháng nay, anh Lê Xuân Nam - Phó Giám đốc Công ty TNHH Thao Đô (Hưng Nguyên, Nghệ An) như ngồi trên đống lửa. Chuyện là vào tháng 7/2020, sau thời gian dài nghiên cứu, tìm hiểu, Công ty anh quyết định bỏ ra 3,9 tỷ đồng đầu tư làm mỏ và đấu giá quyền khai thác mỏ đất rộng 6,4 ha ở xóm Nghi Văn, xã Thanh Lâm, huyện Thanh Chương, Nghệ An. Tưởng như sau khi trúng đấu giá, nộp cọc đầy đủ, nhà đầu tư sẽ được tiến hành khai thác để dần thu về số tiền đã bỏ ra. Tuy nhiên, đến thời điểm này, thứ mà anh Nam nhận được vẫn là văn bản Sở KH&ĐT Nghệ An xin ý kiến sở ngành để xem xét cấp Chủ trương đầu tư.

Anh Nam cho biết: Chúng tôi trúng đấu giá vào 16/7/2020, nhưng đến nay vẫn chưa được cấp phép khai thác. Khi đi lên Sở hỏi thì mới biết vì còn thiếu Giấy chứng nhận đầu tư. Cách đây 2 ngày thì tôi nhận được văn bản hỏi ý kiến chủ đầu tư và các sở ngành địa phương để làm cơ sở cấp giấy này.

“Quá trình khi tìm hiểu khu đất, làm hồ sơ, chúng tôi đã có ý kiến của tất cả các sở ban ngành, địa phương trả lời bằng công văn, tỉnh ủy, UBND tỉnh cùng đồng ý. Giờ xong hết rồi, đấu giá rồi thì lại yêu cầu quay lại làm Chủ trương đầu tư. Mà cái công văn để hỏi thì nội dung lại trùng lặp với những cái ban đầu. Thử hỏi trong trường hợp có cấp nào đó không đồng ý nữa thì chúng tôi không được khai thác nữa à?”- anh Nam bức xúc đặt câu hỏi.

Vì khan hiếm vật liệu làm cao tốc Bắc Nam mà Chính phủ đã ban hành cơ chế đặc thù cấp phép mỏ, tạo điều kiện cho nhà đầu tư và doanh nghiệp mỏ.

Câu chuyện tương tự cũng xảy ra đối với hàng chục mỏ khoáng sản vừa qua đấu giá ở Nghệ An. Ông Phạm Đình Hạnh - Giám đốc Công ty TNHH Hòa Hiệp, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Nghệ An, cho biết: Bây giờ thủ tục cấp mỏ quá nhiều, quá lằng nhằng, chống chéo, đôi khi phải làm tới 2 năm chưa xong thủ tục mỏ. Như ở Nghệ An, chúng tôi từng xin cấp phép mỏ Ba Vàng gần QL48, phải qua tới 49 con dấu. Còn hiện giờ, với mỏ cao tốc chúng tôi đang làm nhà đầu tư, cũng đã phải chuẩn bị trước vài năm, giờ mới khoan thăm dò.

“Nghệ An yêu cầu làm đúng, mà thủ tục làm đúng theo quy định thì lâu. Giờ muốn nhanh phải đốt cháy giai đoạn, có cơ chế đặc thù mà chính quyền thì sợ trách nhiệm. Ngay cả Nghị quyết 60 của Chính phủ mới ban hành để gỡ khó về mỏ vật liệu cao tốc, tôi có mang lên hỏi tỉnh thì tỉnh cũng nói là mới có chủ trương vậy chứ đã có hướng dẫn gì đâu mà làm!”, ông Hạnh chia sẻ thêm.

Có luật nhưng mỗi tỉnh thực hiện một kiểu

Theo một cán bộ thuộc Sở TN&MT tỉnh Nghệ An, nguyên nhân của việc này xuất phát từ việc Nghị định 158/2016 của Chính phủ, quy định chi tiết một số điều của Luật khoáng sản, trong đó ở điểm b khoản 1 điều 51 yêu cầu hồ sơ cấp phép khai thác khoáng sản yêu cầu phải có “Quyết định chủ trương đầu tư” mà không nêu đối với mỏ đấu giá hay không đấu giá. Đặc biệt, các nghị định trước đây thì không nêu yêu cầu này. Trong khi theo Luật Đầu tư 2014, đối với đất qua đấu giá, đất dự án qua đấu thầu thì nhà đầu tư không phải thực hiện thủ tục quyết định chủ trương đầu tư. Tuy nhiên, Luật Đầu tư chỉ ghi là “đất và đất dự án” chứ không ghi rõ “đất làm mỏ” nên Sở KH&ĐT vẫn yêu cầu các doanh nghiệp phải có tờ giấy này.

“Mà để làm được nó thì qua rất nhiều khâu, mất nhiều thời gian. Thời gian trả lời của các sở ngành ghi là 7 ngày, địa phương 15 ngày, nhưng thực tế có thể kéo dài hơn do vướng mắc về thủ tục. Đó là chưa kể, giờ bắt doanh nghiệp đi xin lại chủ trương đầu tư, chỉ cần một cấp chính quyền, nhỏ nhất như cấp xã không đồng ý nữa thì tỉnh cũng không thể cấp chủ trương đầu tư”, vị cán bộ này giải thích.

Trong khi Thanh Hóa, Hà Tĩnh đều thực hiện theo Luật Đầu tư 2014 và không yêu cầu doanh nghiệp phải thêm Quyết định chủ trương đầu tư thì Nghệ An vẫn đang "gây khó" cho doanh nghiệp?

Theo tìm hiểu của PV, hiện nay các tỉnh như Thanh Hóa, Hà Tĩnh đều không yêu cầu thủ tục này theo đúng tinh thần của Luật Đầu tư năm 2014 (văn bản số 560 ngày 10/02/2020 của Sở KH&ĐT Thanh Hóa; Văn bản số 1233 ngày 25/5/2020 của Sở KH&ĐT Hà Tĩnh). Và từ tháng 12/2020, Phó Giám đốc Sở TN&MT tỉnh Nghệ An - Võ Văn Ngọc đã có văn bản đề nghị tỉnh xem xét nội dung này, tuy nhiên đến nay tỉnh vẫn chưa có câu trả lời chính thức.

Trao đổi với PV về việc vì sao Sở KH&ĐT Nghệ An lại yêu cầu doanh nghiệp phải có chủ trương đầu tư, ông Nguyễn Hữu Mão - Phó Giám đốc Sở giải thích rằng: Các doanh nghiệp trúng đấu giá mỏ mới là đấu giá quyền khai thác khoáng sản, còn về đất thì doanh nghiệp phải thuê hoặc được giao đất để thực hiện dự án, khi đó vẫn phải có Quyết định chủ trương đầu tư.

Về việc 2 tỉnh lân cận không yêu cầu làm lại Chủ trương đầu tư, ông Mão cho rằng: “Tùy theo từng dự án, từng địa phương triển khai khác nhau. Có thể địa phương khác, họ vừa làm đấu giá khai thác khoáng sản, vừa làm đấu thầu chọn nhà đầu tư luôn”.

Tác giả: Văn Thanh

Nguồn tin: Báo Giao Thông

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP