Nhân ái

Xót xa hoàn cảnh người đàn ông dân tộc H'Mông bán trâu tìm sự sống cho con

Sồng A Nênh bảo, nhà có 10 anh chị em nhưng chỉ có A Nênh là biết tiếng Kinh. Gia đình A Nênh có con trâu được Nhà nước hỗ trợ vay vốn "xóa đói giảm nghèo", A Nênh phải đem bán để lấy tiền cứu con.

Ngồi bên con trên giường bệnh của khoa Điều trị và Chăm sóc trẻ Bại não, Bệnh viện Châm cứu Trung ương, Sồng A Nênh, người đàn ông dân tộc H'Mông (29 tuổi, trú ở bản Pắc Bẹ A, xã Suối To, huyện Phù Yên, tỉnh Sơn La) nét mặt buồn rười rượi.

A Nênh tâm sự, bố mẹ A Nênh sinh được 10 người con thì 9 anh chị của A Nênh không được đi học, cũng không nói được tiếng Kinh. Chỉ có A Nênh là người duy nhất trong nhà được học đến lớp 9, rồi kết hôn sớm. 17 tuổi A Nênh đã có con đầu lòng, rồi vợ A Nênh sinh liền 2 đứa con nữa.

Bác sĩ Bệnh viện Châm cứu Trung ương đi tìm lại cảm giác cho bé gái 12 tuổi mắc Viêm não Nhật Bản và động kinh sau gần 3 tháng gắn liền với giường bệnh.

Trong những ngày Hà Nội thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 của Chính phủ, bởi đại dịch Covid-19, Bệnh viện Châm cứu Trung ương khá vắng vẻ. Những bệnh nhân còn "bám trụ" tại bệnh viện những ngày này chỉ còn bệnh nhân nặng.

Trên giường bệnh, Sồng Thị Xông, con gái đầu của A Nênh năm nay 12 tuổi đang nằm duỗi chân, hai tay buông thõng. Hàng chục cây kim châm cứu "giật giật" từng búi cơ trên các huyệt đạo đang được bác sĩ tìm lại cảm giác cho em.

A Nênh kể, con gái anh năm nay vào học lớp 7, hơn 3 tháng trước cháu đang khỏe mạnh thì bỗng nhiên lên cơn sốt cao li bì suốt mấy ngày không dứt. Anh đưa con gái xuống Bệnh viện huyện Phù Yên (Sơn La), bác sĩ nói, bệnh của con gái nặng quá rồi, phải chuyển xuống Hà Nội ngay mới cứu được.

Sồng A Nên tâm sự, gia đình có 10 anh em nhưng chỉ có A Nênh là người biết tiếng Kinh và cũng chỉ có duy nhất A Nênh được đi học và học hết lớp 9.

Nghe bác sĩ kết luận, người cha nghèo lầm lũi về nhà bán vội con trâu vừa được Nhà nước hỗ trợ vay vốn ngân hàng để "xóa đói giảm nghèo". A Nênh lận lưng chục triệu đồng, đưa con gái từ Sơn La về Bệnh viện Nhi Trung ương (Hà Nội). Sau khi thăm khám, bác sĩ cho biết, Xông mắc viêm não Nhật Bản và động kinh.

Sau gần một tháng điều trị liên tục tại Bệnh viện Nhi Trung ương, khi con gái đã qua cơn nguy kịch, A Nênh đưa con gái sang Bệnh viện Châm cứu Trung ương tiếp tục chữa trị, phục hồi chức năng.

Người đàn ông dân tộc, khuôn mặt buồn bã nói, ở quê còn 2 đứa con nhỏ và bố mẹ già yếu cũng không còn cái gì để ăn. Bởi không chỉ bán con trâu mà A Nênh vét sạch cả ngô, thóc… đem bán để có tiền đưa con xuống Hà Nội chữa trị suốt mấy tháng qua.

Hơn nửa tháng nay, những suất cơm từ thiện giúp bố con A Nênh cầm cự nơi bệnh viện.

Người đàn ông dân tộc H'Mông này cho biết, vợ chồng anh làm quần quật trên nương từ sáng sớm đến tối mịt nhưng vẫn không lo đủ cái ăn cho cả nhà. Bố mẹ A Nênh ở cùng với nhà người anh thì luôn đau ốm, tháng nào cũng phải dùng thuốc.

Sau hơn 1 tháng điều trị tại Bệnh viện Châm cứu Trung ương, bệnh tình của Xông đã có phần thuyên giảm, trước cô bé không đi lại, không nói, không nhận thức được, giờ cô bé đã có thể ngồi dậy, tập đi và nói được vài từ đơn giản.

Thế nhưng, đúng lúc này, thì số tiền bán trâu, bán ngô, lúa đem theo rồi tiền vợ vay mượn ở quê gửi xuống, A Nênh cũng đã dùng hết để chữa trị cho con. Nửa tháng nay, dù A Nênh liên tục gọi về thúc giục, nhưng ở nhà cũng không thể vay thêm được đồng nào nữa.

Hết tiền, 2 bố con A Nênh may mắn được phòng Công tác xã hội của Bệnh viện Châm cứu Trung ương hỗ trợ bằng những suất cơm từ thiện hàng ngày. Nhưng còn tiền thuốc, tiền dinh dưỡng bổ trợ thêm cho con gái, A Nênh không biết xoay xở ở đâu.

Tiền bán trâu, bán ngô, thóc… cũng đã hết, người bố nghèo khó này tính đưa con về nhà.

Bác sĩ Vũ Thị Vui, Trưởng khoa Điều trị và Chăm sóc trẻ Bại não - người đã từng điều trị cho nhiều bệnh nhân có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn cho biết, hoàn cảnh của 2 bố con A Nênh rất đáng thương. Hiện khoa đang phải ký quỹ lấy thuốc điều trị cho cháu bé từ nửa tháng nay, vì họ không còn đồng tiền nào trong người nữa.

Bác sĩ Vui cho biết thêm, Xông được xác định mắc di chứng sau viêm não Nhật Bản và động kinh, sau gần 2 tháng điều trị đã có tiến triển tích cực, đây là một tín hiệu rất đáng mừng cho cháu nên bác sĩ rất hy vọng cháu sẽ mau chóng hồi phục có cuộc sống như những đứa trẻ bình thường khác.

Bác sĩ giúp cô bé tập vật lý trị liệu để tìm lại cảm giác cho em. Nếu được tiếp tục chữa trị, Xông hoàn toàn có cơ hội trở về cuộc sống bình thường như trước kia, xin mọi người hãy giúp đỡ em.

Là người thường xuyên vận động trợ giúp các hoàn cảnh khó khăn tại bệnh viện, chị Nguyễn Thị Trang, cán bộ phòng Công tác xã hội ái ngại chia sẻ: Hoàn cảnh gia đình bố con cháu Xông ở xa, lại quá khó khăn, di chứng viêm não Nhật Bản và bệnh động kinh phải điều trị rất vất vả, lâu dài, nên khó khăn càng tăng lên gấp bội.

Ngoài khoản Bảo hiểm y tế chi trả, cháu phải sử dụng thêm thuốc và các chế phẩm dinh dưỡng ngoài bảo hiểm khá tốn kém. Nhiều lần A Nênh đòi đưa con về vì hết tiền, chúng tôi đã phải động viên anh ấy, để bé Xông được tiếp tục ở lại bệnh viện điều trị. Qua đây, chúng tôi rất mong bạn đọc Dân trí cùng các nhà hảo tâm chung tay giúp đỡ gia đình cháu.

Mọi đóng góp hảo tâm xin gửi về:

1. Mã số 4209: Anh Sồng A Nênh

Địa chỉ: Bản Pắc Bẹ A, xã Suối To, huyện Phù Yên, tỉnh Sơn La

Điện thoại: 0988049135

Hiện bé gái Sồng Thị Xông đang điều trị tại khoa Điều trị và Chăm sóc trẻ Bại não, Bệnh viện Châm cứu Trung ương.

Điện thoại: 0359517396 (Số phòng Công tác xã hội)

Tác giả: Hương Hồng

Nguồn tin: Báo Dân trí

  Từ khóa: xót xa ,nhân ái ,hoàn cảnh

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP