Bà Hợp bị ung thư đại tràng vẫn phải chăm chồng ung thư phổi tại Bệnh viện. Ảnh: P.T |
Vợ chồng cùng mắc bệnh ung thư
Đó là hoàn cảnh của gia đình bà Lương Thị Nhất, SN 1967 ở Khu 4, xã Bảo Thanh, huyện Phù Ninh, tỉnh Phú Thọ. Nhắc tới hoàn cảnh của gia đình bà, mọi người ở Khoa Xạ trị 5 (Bệnh viện K3 Tân Triều) cùng các cán bộ Phòng Công tác xã hội không khỏi xót xa bởi cảnh hai vợ chồng cùng mắc bệnh ung thư.
“Gia cảnh nhà bà Nhất rất khó khăn, vợ mới mổ đại tràng chưa lâu, giờ chồng cũng đang mang trên mình “án tử” vì căn bệnh ung thư phổi. Cả gia đình chỉ có vài sào ruộng, hai con đã lập gia đình nhưng công việc không ổn định nên thu nhập rất bấp bênh. Ông Hợp đã qua nhiều lần hóa xạ trị, chi phí điều trị rất tốn kém. Thương hoàn cảnh gia đình rất khó khăn, chúng tôi rất thông cảm và cố gắng vận động giúp gia đình được lúc nào hay lúc đó”, cán bộ Phòng Công tác xã hội của Bệnh viện cho biết.
Tháng 5/2015, bà Nhất thấy râm râm đau bụng, đi ngoài mới đến phòng khám tư khám nhưng không phát hiện bệnh. Ít thời gian sau, bà Nhất đau bụng nhiều hơn, đi ngoài ra máu mới vào bệnh viện tỉnh khám. Sau khi thăm khám, nội soi các bác sĩ phát hiện bà có u đại tràng nhưng lúc đó chưa xác định là ung thư. Ngay sau đấy, gia đình chuyển tuyến về Bệnh viện K để phẫu thuật, làm kết quả sinh thiết. Kết quả khiến bà sốc nặng, rơi vào trầm cảm khi biết đó là khối u ác tính.
“Trong hồ sơ, tôi thấy bác sĩ ghi cắt 1/4 đại tràng trái cộng với nạo vét hạch. Sau khi phẫu thuật, tôi điều trị hóa chất mất 8 lần. Để đỡ chi phí đi lại, từ năm 2017 tôi chuyển về điều trị ở tỉnh và lấy thuốc đều đặn”, bà Nhất chia sẻ.
Những ngày bà Nhất nằm viện, ông Nguyễn Văn Hợp, SN 1961 ra sức động viên, chăm sóc vợ. Suốt quá trình xạ trị, ông làm chỗ dựa cả về tinh thần lẫn thể chất cho vợ. Cũng nhờ vậy mà tinh thần của bà Nhất ổn định, điều trị có hiệu quả hơn.
Niềm vui khi bệnh tình của bà Nhất tiến triển tốt chưa được bao lâu, cả nhà lại đau buồn khi tai họa bất ngờ ập đến với gia đình bà. Vào tháng 3/2017, ông Hợi phát hiện thấy cơ thể mình có biểu hiện lạ khi cổ có hạch. Bà Nhất khuyên chồng đi khám, nếu không có bệnh thì tốt còn lỡ có thì cũng biết mà điều trị sớm. Ban đầu đi khám, ông được kết luận bị viêm cơ cổ. Lần đưa bà xuống tái khám ở Bệnh viện K, ông đi khám bác sĩ chụp chiếu bảo ung thư giai đoạn 3 đã có di căn. Nhận được kết quả mắc ung thư ác tính, hai vợ chồng cùng khóc bởi biết lấy gì mà chữa bệnh.
Khó khăn chồng chất
Từ khi ông Hợp nằm viện vì ung thư phổi, bà Nhất trở thành lao động chính trong nhà. Dù cơ thể không được khỏe mạnh sau những đợt hóa trị, bà vẫn phải cố gắng làm đủ việc để trang trải cuộc sống. Trước sau mỗi đợt xạ trị xong, vợ chồng bà lại xin về nhà nằm nghỉ để đỡ tốn viện phí. Thời gian gần đây, bệnh tình ông Hợp chuyển biến xấu, bà Nhất phải theo chồng xuống viện nằm điều trị.
Do phát hiện bệnh muộn, ông Hợp không phẫu thuật được. Ông đã được truyền 6 đợt hoá chất. Thời gian gần đây, bệnh của ông Hợp diễn biến xấu di căn lên não khiến thần kinh không ổn định. Theo những người nhà có người nằm cùng phòng ông Hợp, cũng bởi vậy mà khi có thể đi lại được ông Hợp hay đi linh tinh, bà Hợp lại phải chạy đôn chạy đáo đi tìm khắp viện. Có những lúc ông còn không nhận biết được người thân. Sau mỗi đợt hóa trị, sức khỏe của ông Hợp yếu, mọi sinh hoạt lại phải nhờ vào một tay bà Nhất.
Được biết gia đình bà Nhất nhiều năm liền thuộc diện khó khăn của địa phương. Không chỉ cùng mắc bệnh hiểm nghèo, vợ chồng bà còn nuôi mẹ già ngoài 80 tuổi tàn tật nhiều năm nằm một chỗ. Đợt này ông Hợp đi viện nằm dài ngày, cụ được các con gái đưa về chăm để đỡ đần cho vợ chồng ông.
Vợ chồng ông bà có hai người con đều đã lập gia đình. Các con có cuộc sống riêng, có con nhỏ kinh tế lại không dư dả nên việc giúp ông bà cũng chỉ mang tính chất động viên. Mỗi đợt điều trị lại là một lần bà mất ăn mất ngủ vì lo lắng, dù có BHYT nhưng có nhiều loại thuốc ngoài danh mục bảo hiểm chi trả, gia đình phải tự thân lo liệu.
Theo bà Nhất chia sẻ, năm bà đi mổ đại tràng không có bảo hiểm nên chi phí hết 200 triệu đồng. Khi đó ở vào thế bí không có tiền để chữa bệnh cho bà, ông Hợp đã buộc phải cầm cố tài sản vay ngân hàng chính sách và ngân hàng nông nghiệp. Đến mảnh đất giúp gia đình có thu nhập đảm bảo cuộc sống trong nhiều năm qua họ cũng phải cầm cố.
Quá trình điều trị cho bà đã lâu, giờ thêm ông bị bệnh nên cơ hội trả là rất khó. Thậm chí việc chữa bệnh cho ông Hợp cũng đang gặp khó khăn. Hiện giờ mỗi tháng vợ chồng bà phải trả lãi 2 triệu đồng cho Ngân hàng NN&PTNT và 400 cho ngân hàng chính sách.
Có lúc bà cũng muốn buông bỏ lắm, nhưng khi nghĩ cảnh chồng về nhà vật vã với những cơn đau mà không có sự trợ giúp của bác sĩ, hỗ trợ của máy móc, bà lại xót xa mà tự cổ vũ mình cố gắng.
Cuộc trò chuyện liên tục bị ngắt quãng vì ông Hợp thở gấp. Bản thân bà Nhất do tác dụng của những đợt điều trị hóa chất cũng hay mệt mỏi. Nhiều lần bà phải đi cấp cứu vì đau nhưng chồng bị bệnh vẫn phải đi chăm vì nhà neo người. Ông Hợp bảo: “Vợ chồng tôi vào đường cùng rồi. Lúc tôi chưa phát bệnh còn là chỗ dựa cho vợ. Giờ có lúc hai vợ chồng cùng chữa bệnh ở bệnh viện lớn thì làm gì còn tiền còn bạc. Nhà cửa đất đai đã cầm có, vay mượn cũng có giới hạn. Hoàn cảnh nhà tôi như vậy ai dám cho vay. Con cái thì cũng lớn nhưng mỗi đứa mỗi hoàn cảnh như vậy thì làm sao trách chúng được. Miếng ăn hằng ngày thì được hội từ thiện cho, chỉ lo không có tiền thuốc”
Hoàn cảnh của gia đình bà Nhất hiện đang rất khó khăn, rất mong sự chung tay giúp sức của các nhà hảo tâm. Mọi đóng góp có thể gửi về bà Lương Thị Nhất, SN 1967 ở Khu 4, xã Bảo Thanh, huyện Phù Ninh, tỉnh Phú Thọ; SĐT: 0979618867. |
Tác giả: Phương Thuận
Nguồn tin: Báo Gia đình & Xã hội