Nhân ái

Vợ ung thư giai đoạn cuối nuôi chồng nhiễm chất độc, con bị Down

Số phận quá nghiệt ngã đối với chị Nguyễn Thị Hòa, xóm 9, xã Nhân Sơn huyện Đô Lương (Nghệ An).

Trong túp lều xiêu vẹo của chị Hòa, dường như chẳng ai dám lui tới vì có thể sập bất cứ lúc nào. Bốn phía được dựng lên bằng những tấm bạt cũ, rách nát, tài sản có giá trị nhất của gia đình chị có lẽ là chiếc giường nhỏ sắp gãy. Trên chiếc giường ấy, anh Nguyễn Sỹ Tiệp (SN 1975, chồng chị Hòa) và bé Nguyễn Sỹ Tú (SN 2015) chốc chốc lại rên hừ hừ, nói không nên lời. Ngoài trời đổ mưa, những đợt gió lạnh len qua những tấm bạt rách nát khiến túp lèo trở nên tuềnh toàng, hẩm hiu.

"Túp lều" tuềnh toàng này là chỗ ở của gia đình chị Hòa mấy chục năm nay

Mang khuôn mặt khắc khổ, nén tiếng thở dài, chị Hòa kể cho chúng tôi nghe về cuộc đời cơ khổ của mình.

Chị sinh ra trong một gia đình đông anh chị em, bố mẹ mất sớm, là chị cả nên phải nghỉ học sớm để gồng gánh chăm lo cho các em ăn học. Đến khi ngoảnh lại thì tuổi thanh xuân đã trôi qua. Như một cái duyên định sẵn, làng bên có Anh Nguyễn Sỹ Tiệp cùng cảnh ngộ với chị. Do ảnh hưởng chất độc màu da cam từ người cha của mình nên anh Tiệp bị tàn tật từ nhỏ, sức khỏe yếu, đi lại khó khăn. Thế nhưng bản chất anh lại là người hiền lành, chịu thương chịu khó. Như một cái duyên định sẵn, chị Hòa và anh Tiệp bén duyên với nhau, về chung sống một nhà bằng những điều giản đơn như vậy.

"Tôi không còn hơi thở nữa thì ai sẽ chăm sóc chồng tôi và mẹ già, những đứa con bất hạnh của tôi sẽ ra sao?", chị Hòa trăn trở về những ngày sắp tới...

Sau một thời gian quả ngọt đến với gia đình nhỏ bé khi con gái đầu là Nguyễn Thị Thìn (SN 2001), cháu trai thứ 2 Nguyễn Sỹ Núi (SN 2003) đều khỏe mạnh. Cuộc sống dù khó khăn vất vả, dù phải chăm chồng và nuôi hai con ăn học, nhưng chị Hòa vẫn vui vẻ chấp nhận và cố gắng, cuộc sống gia đình nhỏ cứ thế êm đềm trôi qua.

Năm 2015, gia đình chị Hòa đón thêm thành viên mới là cháu Nguyễn Sỹ Tú. Sau tiếng khóc chào đời, tưởng chừng như niềm vui đã trọn vẹn, thế nhưng cuộc đời chẳng cho gia đình chị một niềm vui trọn vẹn. Cháu Tú sinh ra đã bị bệnh down và tim bẩm sinh, cơ cực đã vậy, thế nhưng chị vẫn vui vẻ chấp nhận và cố gắng nhận thêm ruộng, làm thêm đủ nghề để bươn chải lo cho gia đình 5 miệng ăn.

Dù bị ung thư giai đoạn cuối nhưng hàng ngày chị Hòa vẫn phải chạy vạy từng bữa cơm và chăm sốc người chồng tàn tật và đứa con gần 4 tuổi bị bệnh down, bệnh tim bẩm sinh

Năm nay, Tú đã 4 tuổi nhưng em không biết gì, lâu lâu cứ cười rồi lại khóc, khóc rồi lại ngồi thẫn thờ. Anh Tiệp cũng chẳng khá hơn tý nào, không thể giúp vợ được bất kỳ việc gì, dù là việc nhẹ, việc đi lại cũng trở nên khó khăn, nói năng chẳng thể thoát lời. Riêng em Nguyễn Thị Thìn rất ham học, có học lực khá trong lớp, 12 năm liền em đều đạt học sinh tiên tiến. Tuy nhiên, trước hoàn cảnh khó khăn của gia đình, Thìn phải dừng lại việc học, khép lại ước mơ trở thành cô giáo dạy học để vào miền nam làm công nhân kiếm tiền gửi về cho bố mẹ chữa bệnh.

Nghĩ đến những đứa con chị lấy đó làm động lực làm việc, mong mỏi một ngày nào đó không xa con cái sẽ khôn lớn, trưởng thành. Tuy nhiên, gánh nặng công việc cùng với hoàn cảnh gia đình khó khăn đã khiến khuôn mặt của chị thêm phần già hơn so với tuổi tác. Ngoài việc phải chăm con bị ốm bệnh, chồng tật nguyền, chị Hòa còn phải chăm sóc mẹ già năm nay đã gần 90 tuổi.

4 bức tường được dựng lên bằng những tấm bạt rách nát để chen chắn mưa nắng của thời gian

Cách đây một thời gian, chị Hòa thấy đau tức, khó thở, đi khám thì bác sỹ kết luận bị ung thư đại tràng giai đoạn cuối. Nỗi đau của căn bệnh hiểm nghèo, chồng tàn tật, con nhỏ chẳng được lành lặn, kèm thêm mẹ già 90 tuổi khiến chị Hòa quá sức chịu đựng, không biết phải đối mặt với cuộc sống thế nào. Mỗi lần có ai hỏi về gia đình, chị lại tuôn trào nước mắt, nghĩ về tương lai mù mịt của những đứa con thơ.

Chị Hòa nghẹn ngào kể: “Nhận kết quả xét nghiệm, bác sỹ kết luận tôi bị ung thư đại tràng. Lúc đó, bên tai tôi như có sét đánh. Bác sỹ bảo phải điều trị xạ trị và truyền hóa chất mới có cơ hội kéo dài sự sống, nhưng... có một bữa cơm tử tế hàng ngày còn khó khăn với tôi thì lấy tiền đâu ra mà xạ trị”.

Năm 2017, khi đến bệnh viện thăm khám, chị được chẩn đoán ung thư đại tràng. Đến nay, căn bệnh chị đã vào giai đoạn cuối

Người đàn bà khốn khổ lâm vào tình cảnh bế tắc, đầy bất lực khi một tháng chị lại lủi thủi trên những chuyến xe tận 4 lần để đến bệnh viện kiểm tra sức khỏe. Chỉ với một hy vọng, hơi thở đều hơn, tim còn đập để thêm được một ngày còn sức khỏe để chăm chồng chăm con.

“Không biết ngày mai, ngày kia,.. khi sức tôi ngày càng yếu bởi căn bệnh hiểm nghèo, rồi một ngày gần đến, tôi không còn hơi thở nữa, thì ai sẽ chăm sóc chồng tôi và mẹ già, những đứa con bất hạnh của tôi sẽ ra sao!?”, chị Hòa khóc òa trong nỗi tuyệt vọng.

Trao đổi với chúng tôi, Chủ tịch UBND xã Nhân Sơn, huyện Đô Lương, cho biết: “Trường hợp của gia đình chị Nguyễn Thị Hòa là hết sức đặc biệt khó khăn, chồng bị nhiễm chất độc da cam, con út bị đa bệnh tật, đến chị Hòa là lao động chính cũng mang trong mình căn bệnh ung thư giai đoạn cuối. Địa phương và người dân xung quanh cũng nhiều lần đến thăm hỏi, động viên tinh thần gia đình. Rất cần sự quan tâm giúp đỡ của các nhà hảo tâm để gia đình vượt qua nghịch cảnh”.

Mọi sự giúp đỡ xin gửi về địa chỉ gia đình Chị Nguyễn Thị Hòa và Nguyễn Sỹ Tiệp, xóm 9, xã Nhân Sơn, huyện Đô Lương, số điện thoại 0396737004

Tác giả: Đình Nguyên

Nguồn tin: Báo Phụ nữ Việt Nam

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP