Tại hiện trường, 2 máy hút cát công suất lớn được đơn vị trụ vớt đưa đến để tiến hành hút cát 2 bên con tàu, tạo lạch để một tàu khác cập mạn, hút 200 tấn clinker (vật liệu sản xuất xi măng) ra khỏi tàu để tàu nổi lên. Sau đó tàu Bình Dương 288 sẽ được một tàu khác kéo ra, đưa lên đà để sửa chữa.
Ông Nguyễn Thanh Hùng, Giám đốc doanh nghiệp tư nhân Nguyễn Thanh Hùng (Sơn Trà, TP Đà Nẵng) cho biết: tàu Hải Dương 288 của cty TNHH Hoàng Ngân (Ninh Bình) bị gió đánh mắc cạn khi đang trả 900 tấn clinker vào tháng 9/2016. Thời điểm tàu bị đánh dạt vào bờ đã bốc dỡ được 700 tấn, còn 200 tấn hàng clinker trên tàu. Sau khi mắc cạn, con tàu được Cty Hoàng Ngân bán lại cho ông Hùng với giá 700 triệu đồng.
Ông Hùng cho biết: tàu Bình Dương 288 có tải trọng 1000 tấn, dài hơn 70 m, giá trị con tàu khi chưa gặp nạn khoảng 10 tỷ đồng. Sau khi lên đà, sửa chữa lại, tàu sẽ được tái sử dụng vì tàu này cũng mới đóng và sử dụng chưa được bao lâu thì gặp sự cố. Tàu bị lủng ở đáy nhưng đã được hàn bịt lỗ. Tàu có 2 đáy nên clinker không chảy ra ngoài được. Việc trục vớt chi phí tốn khoảng gần 1 tỷ đồng. Sau khi hút cát, kéo tàu ra, lên đà sửa chữa, chi phí tốn khoảng 3 – 5 tỷ đồng.
“Clinker thực chất là bột đá nên không nguy hiểm. Dầu trên tàu đã không còn nên không lo ô nhiễm. Việc chậm trễ trục vớt là do thời gian qua thời tiết không thuận lợi.”- ông Hùng cho biết.
Theo kế hoạch, khoảng 5 ngày sau hút cát tạo lạch, để tàu khác cập mạn vận chuyển 200 tấn clinker đi xử lý tàu sẽ nổi lên và được kéo ra.
Tác giả bài viết: Nguyễn Thành
Nguồn tin: