Trong nước

Trình Quốc hội cho Hà Nội lập 2 thành phố trực thuộc

Chính phủ trình Quốc hội sửa luật Thủ đô 2012, trong đó đề xuất cho Hà Nội lập thêm 2 thành phố thuộc thành phố về logistics và giáo dục đào tạo.

Thêm hai thành phố trực thuộc Hà Nội

Chiều 10/11, tiếp tục Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long thay mặt Chính phủ trình Quốc hội dự án Luật Thủ đô (sửa đổi) với nhiều chính sách mới cho TP Hà Nội.

Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long thay mặt Chính phủ trình Quốc hội dự án luật Thủ đô (sửa đổi). Ảnh: QH.

Dự thảo luật gồm 7 chương, 59 điều (tăng 3 chương, 32 điều so với luật Thủ đô 2012, trong đó giữ nguyên 3 điều; sửa đổi, bổ sung 18 điều; quy định mới 38 điều).

Về chính quyền thủ đô, Chính phủ đề xuất thực hiện mô hình không tổ chức HĐND phường ở Hà Nội; tăng số lượng đại biểu HĐND thành phố từ 95 lên 125, tỷ lệ đại biểu chuyên trách từ 20% lên 25%.

Số lượng phó chủ tịch HĐND cũng tăng từ 2 lên tối đa 3; mở rộng thành phần thường trực HĐND so với luật Tổ chức chính quyền địa phương nhằm nâng cao năng lực và tăng tính chuyên nghiệp của cơ quan này.

Chính phủ đề xuất, sẽ có thêm 2 thành phố trực thuộc Hà Nội được thành lập. Đó là thành phố logistics, dịch vụ ở khu vực phía bắc, gồm vùng Đông Anh, Mê Linh, Sóc Sơn, và thành phố về giáo dục, đào tạo, khoa học ở khu vực phía tây, gồm vùng Hòa Lạc, Xuân Mai.

Hai thành phố được đề xuất thành lập bổ sung sẽ có đặc thù khác so với chính quyền quận, huyện, thị xã là tăng số lượng phó chủ tịch HĐND, UBND, đại biểu HĐND chuyên trách, bổ sung Ban Đô thị…

Đãi ngộ nhân tài, tuyển dụng không qua thi tuyển

Về chế độ công vụ; cơ chế thu hút, trọng dụng nhân tài; chế độ tiền lương, thu nhập của cán bộ, công chức, viên chức Thủ đô, dự thảo luật quy định cán bộ được quản lý thống nhất từ cấp xã đến thành phố; áp dụng tiêu chuẩn chung cho cán bộ, công chức ở các cấp chính quyền.

Quy định đối tượng thu hút, chế độ đãi ngộ nhân tài như tuyển dụng không qua thi tuyển, bổ nhiệm chức vụ lãnh đạo; được đảm nhiệm chức vụ quản lý, điều hành tại đơn vị sự nghiệp công lập...

Tương tự cơ chế áp dụng cho TP HCM, dự thảo Luật quy định chi thu nhập tăng thêm cho cán bộ, công chức, viên chức thuộc các cơ quan, đơn vị Thủ đô, một số cơ quan ngành dọc trung ương đóng trên địa bàn để thực hiện nhiệm vụ chính trị tại địa phương, với tổng mức chi không vượt quá 0,8 lần quỹ lương cơ bản của cán bộ, công chức, viên chức.

Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long cho biết, về quy hoạch; quản lý không gian, kiến trúc, cảnh quan đô thị, dự thảo luật quy định phân quyền từ Thủ tướng Chính phủ cho UBND TP Hà Nội được điều chỉnh cục bộ quy hoạch chung xây dựng khu chức năng, quy hoạch chung đô thị, quy hoạch chuyên ngành hạ tầng kỹ thuật (tương tự như đang thực hiện tại TP HCM).

Về phát triển văn hoá, giáo dục và an sinh xã hội Thủ đô, xây dựng Trung tâm công nghiệp văn hóa trong theo quy hoạch; giao Hội đồng nhân dân Thành phố quy định nội dung, mức hỗ trợ cao hơn quy định hiện hành đối với nghệ nhân, người thực hành di sản văn hóa phi vật thể; việc truyền dạy, thực hành, phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể…

Về chính sách xã hội, quy định Hội đồng nhân dân thành phố Hà Nội quyết định bố trí ngân sách để hỗ trợ giảm nghèo, giải quyết việc làm, vay mua nhà ở xã hội; hỗ trợ công nhân, người lao động trong các khu công nghiệp vay mua nhà ở xã hội... Về chính sách an sinh, phúc lợi xã hội, quy định hỗ trợ mức đóng bảo hiểm xã hội; hỗ trợ khám sức khỏe miễn phí hằng năm cho người cao tuổi thường trú trên địa bàn Thủ đô.

Dự thảo luật quy định một số ưu đãi cho khoa học, công nghệ khác với pháp luật hiện hành, trong đó có mở rộng đối tượng áp dụng hình thức khoán kinh phí so với Luật Khoa học và công nghệ. Quy định định hướng phát triển các khu công nghệ cao ở Thủ đô và một số vấn đề chung về Khu Công nghệ cao Hòa Lạc, Ban Quản lý Khu Công nghệ cao TP Hà Nội …

Bổ sung 3 lĩnh vực được phạt tiền cao hơn mức chung

Về bảo đảm trật tự, an toàn xã hội Thủ đô, bổ sung 03 lĩnh vực mà Hà Nội được quy định mức phạt tiền cao hơn nhưng không quá 02 lần mức tiền phạt chung do Chính phủ quy định, gồm phòng cháy, chữa cháy, vệ sinh an toàn thực phẩm, quảng cáo. Quy định biện pháp ngăn chặn và bảo đảm xử lý vi phạm hành chính là ngừng cung cấp dịch vụ điện, nước tại địa điểm vi phạm đối với công trình, cơ sở sản xuất, kinh doanh vi phạm trong lĩnh vực đất đai, xây dựng, nhà ở, phòng cháy, chữa cháy.

Các đại biểu nghe Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long thay mặt Chính phủ trình Quốc hội dự án Luật Thủ đô (sửa đổi). Ảnh: QH.

Đối với chính sách tài chính, ngân sách và đầu tư, Hà Nội được vay thông qua phát hành trái phiếu chính quyền địa phương, vay từ tổ chức tài chính, tổ chức khác trong nước và từ nguồn trái phiếu Chính phủ phát hành không phụ thuộc vào hạn mức trần. Ngân sách Thành phố giữ lại tối đa các khoản thu tiền sử dụng đất, tiền thuê đất thuộc thẩm quyền quản lý của Thành phố để tạo nguồn lực đầu tư các công trình, dự án trọng điểm, dự án PPP, giao thông công cộng, hỗ trợ di dời cơ sở, đơn vị thuộc danh mục phải di dời; tỷ lệ điều tiết cụ thể sẽ do Thủ tướng Chính phủ quyết định hằng năm phù hợp với mục tiêu sử dụng nguồn thu này.

Bộ trưởng Bộ Tư pháp xin ý kiến Quốc hội về một số vấn đề liên quan đến quy định về biên chế cán bộ, công chức, số lượng viên chức của TP Hà Nội (điểm b khoản 1 Điều 9). Theo đó, đề nghị tiếp tục xin ý kiến. Cụ thể như sau:

Căn cứ yêu cầu của thực tiễn của Thủ đô, dự thảo Luật quy định trên tổng số biên chế cán bộ, công chức, viên chức được cơ quan có thẩm quyền giao, TP Hà Nội được tăng thêm biên chế từ nguồn biên chế dự phòng căn cứ vào khung danh mục vị trí việc làm, quy mô dân số, thực trạng khối lượng công việc, mức độ hiện đại hóa trang thiết bị, phương tiện làm việc, đặc điểm an ninh, chính trị, an toàn xã hội trên địa bàn và khả năng cân đối ngân sách của TP Hà Nội để bảo đảm các chi phí cho biên chế tăng thêm. Hội đồng nhân dân TP Hà Nội đề xuất cơ quan có thẩm quyền quyết định cụ thể về số lượng biên chế tăng thêm.

Tác giả: Mai Loan

Nguồn tin: kienthuc.net.vn

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP