Giáo dục

Trang thiết bị trường nghề nhiều năm không dùng vẫn không thể xử lý ở Thanh Hoá

Tình trạng các cơ sở GDNN tuyển sinh khó, nhiều máy móc không sử dụng thường xuyên, tuy nhiên không thể cho là dôi dư để xử lý ở Thanh Hoá.

Giám đốc Sở Tài chính trả lời chất vấn tại Kỳ họp thứ 20, HĐND tỉnh Thanh Hóa khóa XVIII.

Chiều 9/7, Kỳ họp thứ 20, HĐND tỉnh Thanh Hóa khóa XVIII tiếp tục với chất vấn và trả lời chất vấn.

Tại Kỳ họp này, liên quan việc quản lý, sử dụng, phát huy hiệu quả tài sản công dôi dư, đại biểu cho rằng tại báo cáo, Sở Tài chính chỉ đưa vào 2 cơ sở có tài sản dôi dư không sử dụng, đó là Trung tâm GDNN-GDTX TP Thanh Hóa có 3 thiết bị dôi dư; Trung tâm GDNN - GDTX huyện Thường Xuân có 57 thiết bị không sử dụng, đã bị hư hỏng, xuống cấp.

Tuy nhiên, theo đại biểu, trên thực tế hiện nay tình trạng các cơ sở GDNN tuyển sinh rất khó khăn, không đạt chỉ tiêu khá phổ biến, máy móc thiết bị tại các cơ sở này có công suất khai thác sử dụng thấp nhưng không được liệt vào là tài sản dôi dư, để đề xuất xử lý.

Phản hồi ý kiến, Giám đốc Sở Tài chính Nguyễn Văn Tứ cho biết, thiết bị dạy nghề được các Dự án của Trung ương và các nhà tài trợ đưa vào trong các trường nghề. Tuy nhiên, trên địa bàn toàn tỉnh, các trường phân bố không đều, quá trình tuyển sinh cũng không đều, đặc biệt các trường vùng sâu vùng xa.

Bà Vũ Thị Hương, Giám đốc Sở LĐTB&XH trả lời chất vấn.

Giám đốc Sở Tài chính cũng xác nhận việc các thiết bị này, 2-3 năm mới sử dụng, thế nhưng không thể đưa vào danh sách dư thừa.

“Năm nay tuyển được, năm sau lại không tuyển sinh được dẫn đến tình trạng thiết bị có năm sử dụng có năm không nên không thể đưa vào tình trạng dư thừa được”, Giám đốc Nguyễn Văn Tứ thông tin.

Giám đốc Sở LĐTB&XH Vũ Thị Hương, cũng cho biết thêm, hiện nay trên địa bàn tỉnh có 24 trung tâm GDNN-GDTX, 24 trung tâm này thì thực hiện 3 chức năng là chức năng giáo dục nghề nghiệp, giáo dục thường xuyên và hướng nghiệp.

Các trung tâm này chịu sự quản lý của 3 cơ quan đó là UBND cấp huyện, Sở LĐTB&XH, Sở GD&ĐT.

Đối với cơ sở vật chất, hiện nay các trung tâm cũng đã được đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị cơ bản là đáp ứng với yêu cầu dạy và học của các học sinh trong đào tạo nghề ngắn hạn và đào tạo văn hoá.

Thời điểm trước khi sáp nhập, đã có 12 đơn vị được hỗ trợ từ nguồn 30a để mua sắm trang thiết bị trước sáp nhập, thời điểm 2012.

Trong đó, huyện Thường Xuân được hỗ trợ 4 tỷ đồng và còn 33 tỷ đồng là cho 11 huyện còn lại.

Sau khi sáp nhập, năm 2019 có 3 trung tâm ở huyện Như Thanh, Hoằng Hóa và Như Xuân được hỗ trợ mua sắm trang thiết bị từ nguồn Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới.

Trong quá trình thực hiện, từ 2012 đến nay, các trang thiết bị cũng đã xuống cấp và hư hỏng. Một số nghề cũng có tuyển sinh và có dạy, tuy nhiên năm có học viên, có năm không đào tạo được. Đặc biệt mấy năm dịch Covid-19, việc đào tạo nghề cũng hạn chế.

Giám đốc Sở LĐTB&XH đề nghị các huyện, rà soát, sắp xếp lại. Trang thiết bị nào không đảm bảo và đã hết hạn sử dụng, không sử dụng nữa thì cũng đề xuất với các cơ quan chức năng để sắp xếp cho hợp lý.

Tại Kỳ họp, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Đỗ Trọng Hưng đề nghị UBND tỉnh, Ban Chỉ đạo sắp xếp tài sản công của tỉnh, Sở Tài chính, các ngành liên quan và UBND các huyện, thị xã, thành phố nghiên cứu, tiếp thu đầy đủ ý kiến của đại biểu HĐND tỉnh, triển khai có hiệu quả các giải pháp trước mắt và lâu dài nhằm khắc phục những hạn chế, bất cập, đẩy nhanh việc thực hiện sắp xếp lại, xử lý, quản lý tài sản công dôi dư hiện nay.

Liên quan tình trạng trang thiết bị các cơ sở giáo dục nghề nghiệp xuống cấp, Bí thư Tỉnh uỷ, Chủ tịch HĐND tỉnh yêu cầu Sở LĐTB&XH phối hợp với UBND các huyện, thị xã, thành phố chỉ đạo các cơ sở giáo dục nghề nghiệp rà soát máy móc, thiết bị và tài sản dôi dư; xác định nhu cầu sử dụng, đề xuất phương án xử lý theo quy định.

Tác giả: Nguyễn Thuỳ

Nguồn tin: giaoducthoidai.vn

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP