Trong nước

Gỡ vướng trong sử dụng trang thiết bị y tế để tránh lãng phí

Nghị quyết số 30/NQ-CP ngày 04/3/2023 cho phép các cơ sở y tế sử dụng các trang thiết bị y tế được các cá nhân, tổ chức biếu, cho, tặng trong thời gian vừa qua nhưng chưa hoàn thành thủ tục xác lập sở hữu toàn dân nhằm tránh lãng phí các nguồn lực…

Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan cho biết điều này trong báo cáo gửi Quốc hội về kết quả thực hiện Nghị quyết số 41/2021/QH15 về hoạt động chất vấn tại kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa XV liên quan lĩnh vực y tế.

“Bộ Y tế đã chỉ đạo, điều hành và tổ chức triển khai quyết liệt các giải pháp, các cam kết đã đề ra tại phiên chất vấn về lĩnh vực y tế; đến nay, Bộ Y tế cơ bản hoàn thành tốt các nhiệm vụ được Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ giao trong Nghị quyết số 41” – báo cáo nhấn mạnh.

Tháo gỡ được nhiều vướng mắc

Một trong những nhiệm vụ đặt ra là hoàn thiện thể chế, cơ chế, chính sách huy động, phân bổ và sử dụng nguồn lực cho phòng, chống dịch; khắc phục những vấn đề chưa thống nhất, thiếu nhất quán trong chỉ đạo, điều hành, triển khai thực hiện; đẩy mạnh việc xã hội hóa, kết hợp công - tư trong công tác phòng, chống dịch, trong đó có cơ chế huy động hiệu quả các tổ chức y tế tư nhân tham gia cung cấp dịch vụ y tế trong phòng, chống dịch

Bộ trưởng Đào Hồng Lan cho biết, Bộ Y tế đã tham mưu xây dựng, báo cáo Chính phủ trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành Nghị quyết số 12/2021/UBTVQH15 ngày 30/12/2021 về việc cho phép thực hiện một số cơ chế, chính sách trong lĩnh vực y tế để phục vụ công tác phòng, chống dịch COVID-19.

Cùng với đó tham mưu trình Chính phủ ban hành các nghị định, nghị quyết quan trọng, như về một số cơ chế, chính sách trong phòng, chống dịch COVID-19; việc tiếp tục thực hiện các giải pháp để bảo đảm thuốc, trang thiết bị y tế tháo gỡ được một số vướng mắc cho cơ sở y tế.

Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan giải trình, làm rõ một số vấn đề đại biểu Quốc hội nêu về Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi) tại Kỳ họp bất thường lần 2, Quốc hội khóa XV

Để kịp thời khắc phục những vấn đề chưa thống nhất, thiếu nhất quán trong chỉ đạo, điều hành, Bộ Y tế có văn bản báo cáo Ủy ban thường vụ Quốc hội các vấn đề vướng mắc, bất cập về pháp lý trong công tác phòng chống dịch COVID-19, trong đó đề xuất sửa đổi 3 luật (Luật Phòng chống bệnh truyền nhiệm, Luật Khám bệnh, chữa bệnh, Luật Dược), 1 nghị định và xây dựng mới 1 nghị quyết.

Bộ cũng tham mưu Chính phủ trình Quốc hội thông qua Luật Khám bệnh, chữa bệnh số 15/2023/QH15 vào ngày 09/01/2023 và có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/01/2024; tiếp tục phối hợp đẩy nhanh tiến độ sửa đổi Luật Phòng chống bệnh truyền nhiễm, Luật Dược… để kịp thời điều chỉnh nội dung chưa thống nhất, thiếu nhất quán, bất cập khi triển khai thực hiện.

Về việc đẩy mạnh việc xã hội hóa, kết hợp công - tư trong công tác phòng, chống dịch, trong đó có cơ chế huy động hiệu quả các tổ chức y tế tư nhân tham gia cung cấp dịch vụ y tế trong phòng, chống dịch, bà Đào Hồng Lan cho biết, Nghị quyết số 12/2021/UBTVQH15 ngày 30/12/2021 có quy định việc thanh toán chi phí khám bệnh, chữa bệnh COVID-19 tại cơ sở y tế tư nhân do chính quyền địa phương cấp tỉnh giao nhiệm vụ tiếp nhận, quản lý, chăm sóc, điều trị được ngân sách nhà nước chi trả chi phí điều trị theo mức thanh toán của bệnh viện đa khoa tuyến tỉnh hạng cao nhất đóng trên địa bàn.

Bộ Y tế đã phối hợp xây dựng và trình Chính phủ ban hành Nghị quyết số 30/NQ-CP ngày 04/3/2023 cho phép các cơ sở y tế sử dụng các trang thiết bị y tế được các cá nhân, tổ chức biếu, cho, tặng trong thời gian vừa qua (bao gồm cả các trang thiết bị liên doanh, liên kết đã hết thời hạn hợp đồng) nhưng chưa hoàn thành thủ tục xác lập sở hữu toàn dân nhằm tránh lãng phí các nguồn lực và được Quỹ Bảo hiểm y tế thanh toán các dịch vụ kỹ thuật từ các trang thiết bị này.

Xử lý nghiêm hành vi tham nhũng, tiêu cực

Để tăng cường công tác quản lý nhà nước về giá, đấu thầu và mua sắm trong lĩnh vực y tế, Bộ Y tế đã báo cáo Chính phủ trình Quốc hội ban nghị quyết cho phép tiếp tục sử dụng giấy đăng ký lưu hành thuốc, nguyên liệu làm thuốc hết thời hạn hiệu lực. Chính phủ cũng có các nghị quyết, nghị định liên quan việc bảo đảm thuốc, trang thiết bị y tế và thanh toán chi phí khám bệnh, chữa bệnh bảo hiểm y tế; quản lý trang thiết bị y tế…

Trong thời gian qua, Bộ Y tế đã có các văn bản gửi các lãnh đạo Tỉnh uỷ, Uỷ ban nhân dân các tỉnh, thành phố; Sở Y tế các tỉnh, thành phố về việc phòng chống tham nhũng, tiêu cực, lợi ích nhóm trong thực hiện các biện pháp phòng chống dịch COVID-19; tăng cường kiểm tra việc nhập khẩu, kinh doanh, mua sắm các loại test kit xét nghiệm nhanh và xét nghiệm RT-PCR.

Bộ Y tế phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính ban hành các văn bản hướng dẫn các địa phương, đơn vị thực hiện đúng quy định về đấu thầu; thành lập nhiều đoàn kiểm tra một số tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương về mua sắm vật tư, trang thiết bị y tế, việc tiếp nhận, bảo quản, sử dụng vắc xin và tổ chức tiêm chủng vắc xin phòng COVID-19…

“Ngoài ra, Bộ Y tế đã chỉ đạo Sở Y tế các tỉnh/thành phố, các đơn vị thuộc và trực thuộc Bộ khẩn trương, nghiêm túc triển khai đúng các văn bản của Chính phủ; xử lý nghiêm các hành vi tham nhũng, tiêu cực, lợi ích nhóm trong mua sắm trang thiết bị, thuốc, hóa chất, sinh phẩm phòng, chống dịch” – báo cáo nhấn mạnh.

Cũng theo bà Đào Hồng Lan, hiện nay, Bộ Y tế đang tập trung hoàn thiện hồ sơ đề nghị xây dựng dự án Luật Phòng bệnh trên cơ sở tổng kết 15 năm thi hành Luật Phòng, chống bệnh truyền nhiễm (trong đó tập trung rà soát, tổng hợp các khó khăn, bất cập, đặc biệt là phòng chống dịch COVID-19 có liên quan đến quy định của pháp luật để xem xét, đề xuất, sửa đổi), các bài học kinh nghiệm và cơ sở triển khai thực tiễn công tác phòng, chống dịch COVID-19 thời gian qua, dự kiến trình Chính phủ vào tháng 1/2025 để xem xét, cho ý kiến trước khi trình Ủy ban thường vụ Quốc hội vào tháng 10/2025./.

Tác giả: Nam Sơn

Nguồn tin: vov.vn

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP