Thế giới

Tổng thống 93 tuổi nắm quyền 37 năm của Zimbabwe

Ông Robert Mugabe từng được ví như anh hùng dân tộc giúp giải phóng Zimbabwe nhưng cũng bị cáo buộc là người đẩy đất nước rơi vào khủng hoảng.

Tổng thống Zimbabwe Robert Mugabe. Ảnh: Reuters.

Căng thẳng chính trị đang gia tăng ở Zimbabwe sau khi Tổng thống Robert Mugabe bị quân đội nước này quản thúc. Tổng thống 93 tuổi khẳng định ông vẫn là người cai trị hợp pháp duy nhất của đất nước và không chấp nhận từ chức. Tình thế đối đầu giữa Tổng thống Mugabe và quân đội làm dấy lên nỗi lo sợ về một cuộc binh biến có thể đẩy đất nước vốn đã tụt hậu lún sâu thêm vào khủng hoảng, theo Aljazeera.

Quân đội Zimbabwe đã chiếm trụ sở đài truyền hình quốc gia ZBC ở thủ đô Harare và phong tỏa nhiều văn phòng chính phủ hôm 15/11. Một người phát ngôn quân đội khẳng định Tổng thống Mugabe vẫn an toàn và họ không có ý định đảo chính mà chỉ muốn nhắm vào "những tên tội phạm xung quanh tổng thống", buộc những kẻ "thực hiện hành vi tội ác gây tổn thất về kinh tế và xã hội cho đất nước phải bị đưa ra ánh sáng".

Ông Mugabe lên nắm quyền kể từ khi Zimbabwe giành độc lập năm 1980. Trong 37 năm trên cương vị người đứng đầu quốc gia, Tổng thống Mugabe đã phải hứng chịu không ít chỉ trích vì các cáo buộc đàn áp những người bất đồng chính kiến, can thiệp bầu cử và khiến nền kinh tế đất nước lao dốc.

Đấu tranh giành độc lập

Ông Mugabe sinh ngày 21/2/1924 tại Kutama, đông bắc Salisbury (nay là thành phố Harare, thủ đô Zimbabwe), Rhodesia (nay là Zimbabwe).

Ông từng theo học tại nhiều trường đại học khác nhau, trong đó có Đại học Fort Hare, Đại học London và Đại học Nam Phi.

Xuất phát điểm là một giáo viên với 7 tấm bằng đại học, cái tên Robert Mugabe trở nên nổi tiếng vào thập niên 1960 khi ông giữ vai trò lãnh đạo Liên minh Quốc gia châu Phi Zimbabwe (ZANU) trong cuộc chiến tranh du kích đòi độc lập từ Anh (1964 - 1979).

Năm 1964, ông bị tống giam và phải ngồi tù 10 năm vì "một bài phát biểu mang tính chất kích động lật đổ". Không lâu sau khi được trao trả tự do vào năm 1974, Mugabe đã tạo nên một cơn địa chấn trên chính trường. Ông tiếp tục là người dẫn đầu làn sóng đấu tranh chống lại những người cai trị thuộc địa da trắng phân biệt chủng tộc.

Năm 1980, Rhodesia giành được độc lập và đổi tên thành Zimbabwe một năm sau đó. Ông Mugabe giữ chức thủ tướng Zimbabwe từ năm 1980 đến 1987. Ngày 31/12/1987, ông chính thức trở thành tổng thống Zimbabwe. Vì những đóng góp cho phong trào đấu tranh giành độc lập, ông từng được người dân tôn sùng như một anh hùng dân tộc.

Tranh cãi

Trong những năm đầu lãnh đạo đất nước, ông Mugabe được ca ngợi vì nỗ lực mở rộng các dịch vụ xã hội, đầu tư xây dựng mới nhiều bệnh viện và trường học cho người dân.

Tuy nhiên, càng về sau, những tiếng nói chỉ trích Tổng thống Mugabe xuất hiện ngày càng nhiều.

Trong gần 4 thập kỷ ông Mugabe làm lãnh đạo, Zimbabwe đã đi từ một trong những đất nước giàu có nhất châu Phi trở thành nước nghèo nhất thế giới với tỷ lệ lạm phát cao kỷ lục.

GDP bình quân đầu người năm 2016 của Zimbabwe là 978 USD. Nước này từng trải qua giai đoạn siêu lạm phát năm 2007 - 2009, với biểu hiện rõ nhất là việc Ngân hàng Trung ương liên tục phát hành tiền mệnh giá rất cao như 20 triệu hay 100 tỷ đô la Zimbabwe. Năm 2008, tỷ lệ lạm phát cao kỷ lục lên đến 231 triệu %.

Chính sách cải tổ "thần tốc", phân phối lại đất đai mà Tổng thống Mugabe ban hành năm 2000, theo một số người, là thành tựu lớn nhất của ông, nhưng đối với nhiều người khác, nó chính là nguồn cơn khiến Zimbabwe trượt dài, rơi vào khủng hoảng.

Ông Mugabe chủ trương cưỡng đoạt trang trại, đồn điền trong tay người da trắng để trao cho người da đen, với rất ít kinh nghiệm canh tác, quản lý. Hệ quả là nông nghiệp sa sút nghiêm trọng, ảnh hưởng tới toàn bộ nền kinh tế. Nông nghiệp lúc bấy giờ được đánh giá là xương sống đối với kinh tế Zimbabwe.

Ở tuổi 93, khi sức khỏe đã giảm sút rõ rệt, ông Mugabe vẫn nỗ lực tìm kiếm quyền lực, theo BBC.

Trước cuộc bầu cử năm 2008, ông Mugabe nói: "Nếu bạn thua trong cuộc bầu cử và bị người dân chối từ, đó là lúc bạn nên rời bỏ chính trường". Nhưng khi về sau đối thủ là ông Morgan Tsvangirai, lãnh đạo đảng Phong trào Thay đổi Dân chủ (MDC), ông Mugabe đã cho thấy một thái độ bất mãn, tuyên bố rằng "chỉ Chúa" mới có thể khiến ông rời ghế tổng thống.

Các cuộc đàn áp bạo lực bắt đầu nổ ra. Để bảo vệ những người ủng hộ mình, ông Tsvangirai đã rút lui khỏi vòng hai cuộc bầu cử tổng thống năm 2008.

Trong giai đoạn nền kinh tế Zimbabwe chao đảo với bóng ma siêu lạm phát bao phủ, ông Mugabe đã khẳng định rằng một quốc gia không bao giờ bị phá sản.

Tổng thống Mugabe tuyên bố đấu tranh nhân danh những người dân nông thôn nghèo đói nhưng phần lớn đất đai được ông phân bổ lại trong cuộc cải tổ hồi năm 2000 lại rơi vào tay những đồng minh thân cận với ông.

Những người chỉ trích cho rằng Tổng thống Mugabe không có bất kỳ hiểu biết nào về cách mà nền kinh tế hiện đại hoạt động. Theo họ, ông Mugabe dường như chỉ tập trung vào câu hỏi làm thế nào để chia sẻ "miếng bánh" lợi ích chứ không phải làm thế nào để khiến nó lớn hơn.

Người vợ tham vọng

Đệ nhất phu nhân Zimbabwe Grace Mugabe. Ảnh: AFP.

Người vợ đầu tiên của Tổng thống Mugabe là bà Sally Hayfron. Bà Sally kết hôn với ông Mugabe năm 1987 nhưng đã qua đời vào năm 1992 vì bạo bệnh. Đến năm 1996, Tổng thống Mugabe kết hôn lần hai với bà Grace Marufu, kém ông 41 tuổi, người được cho là tâm điểm trong cuộc khủng hoảng chính trị hiện nay ở Zimbabwe.

Grace Marufu sinh ra tại Benoni, thị trấn ở miền bắc Nam Phi, năm 1965 và đến Zimbabwe sống lúc 5 tuổi. Trước khi lấy ông Mugabe, bà Grace đã lập gia đình với một phi công không quân.

Đệ nhất phu nhân Grace nổi tiếng với thói quen mua sắm xa xỉ. Bà từng tiêu ít nhất 100.000 USD trong một lần mua sắm ở Paris, và kể từ đây, bà gắn liền với biệt danh "Gucci Grace".

Dù đất nước lâm vào cảnh nghèo đói, trì trệ, nhà Mugabe được cho là sở hữu khối tài sản trị giá hàng tỷ USD trên khắp thế giới, bao gồm ở Malaysia và Hong Kong, cũng như các vùng đất nông nghiệp sinh lợi ở Zimbabwe, theo LA Times.

Bà Grace và cựu phó tổng thống Zimbabwe Emmerson Mnangagwa là những đối thủ cạnh tranh để trở thành người kế nhiệm ông Mugabe. Cuộc đối đấu giữa họ đã gây ra sự chia rẽ trong đảng cầm quyền Liên minh Quốc gia châu Phi Zimbabwe - Mặt trận Yêu nước (ZANU-PF).

Tuần trước, Tổng thống Mugabe sa thải ông Mnangagwa, người từng là bộ trưởng quốc phòng, sau khi bà Grace cáo buộc những người ủng hộ Mnangagwa lên kế hoạch đảo chính.

Giới phân tích đánh giá hành động của ông Mugabe dường như nhằm dọn đường cho bà Grace trở thành tổng thống Zimbabwe. Tuy nhiên, viễn cảnh trên giờ đây khó xảy ra bởi quân đội đã can thiệp tình hình. Hiện không rõ tung tích của bà Grace, có nguồn tin cho rằng bà đang ở nước ngoài.

Tác giả: Vũ Hoàng

Nguồn tin: Báo VnExpress

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP