Trong nước

Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam có nên làm chủ đầu tư dự án nhà ở xã hội?

Bên cạnh nhiều Đại biểu Quốc hội tán thành quy định Tổng LĐLĐ Việt Nam là cơ quan chủ quản đầu tư dự án nhà ở xã hội, nhà lưu trú công nhân thì vẫn còn không ít ý kiến chưa đồng tình.

Đây là một trong những nội dung trong dự án Luật Nhà ở (sửa đổi) nhận được nhiều ý kiến thảo luận tại Hội nghị đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách lần thứ 4, ngày 29/8.

Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng

Báo cáo một số vấn đề lớn tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Nhà ở (sửa đổi), Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng cho biết, về quy định Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam (TLĐLĐVN) là chủ đầu tư nhà ở xã hội, nhà lưu trú công nhân vẫn còn 2 loại ý kiến.

Loại ý kiến thứ nhất tán thành quy định TLĐLĐVN là cơ quan chủ quản đầu tư dự án nhà ở xã hội để cho công nhân thuê.

Loại ý kiến thứ hai đề nghị không quy định TLĐLĐVN là chủ đầu tư dự án nhà ở xã hội, nhà lưu trú công nhân trong luật này và đề nghị xây dựng đề án báo cáo Quốc hội xem xét cho thực hiện thí điểm trong một thời hạn nhất định, nếu phát huy hiệu quả mới quy định trong luật.

Quy định là có cơ sở

Nêu ý kiến, Đại biểu Trần Văn Tuấn - Phó Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Bắc Giang cho rằng có cơ sở để đưa ra quy định TLĐLĐVN làm chủ đầu tư nhà ở xã hội, nhà lưu trú công nhân, để đảm bảo giải quyết hiệu quả vấn đề nhà ở, nâng cao đời sống cho người lao động.

Theo đại biểu, việc quy định điều này phù hợp với chức năng, nhiệm vụ, đồng thời nâng cao vị trí, vai trò của công đoàn trong việc chăm lo, bảo vệ quyền, lợi ích chính đáng của người lao động.

Đại biểu Trần Văn Tuấn

Một trong những vấn đề hàng đầu được công nhân, người lao động quan tâm hiện nay là vấn đề nhà ở. Nhà ở vẫn là mong ước của rất nhiều người lao động. Nếu giải quyết tốt, sẽ tạo an tâm cho người lao động để họ gắn bó hơn với công việc. Trong điều kiện cần huy động nguồn lực cho lĩnh vực này, không nên bỏ qua một chủ thể như TLĐLĐVN.

Đại biểu Phạm Trọng Nghĩa - Ủy viên chuyên trách Ủy ban Xã hội của Quốc hội phân tích, ở nước ta, công đoàn là chủ thể đặc biệt vừa là tổ chức đại diện người lao động, vừa là tổ chức chính trị - xã hội. Công đoàn đang đứng trước thách thức và cạnh tranh lớn, nhất là trong bối cảnh phải thực hiện các cam kết về lao động trong các FTA thế hệ mới cũng như chuẩn bị cho việc tham gia các mô hình hội nhập, hợp tác mới.

Do đó, ông đề nghị giữ quy định TLĐLĐVN là một trong các chủ thể đầu tư xây dựng nhà lưu trú cho công nhân và coi đây là trách nhiệm của công đoàn. Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam có thể thành lập pháp nhân phi lợi nhuận để đầu tư, quản lý hệ thống nhà lưu trú công nhân.

Đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga - Phó trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Hải Dương cho rằng, việc trao quyền cho TLĐLĐVN làm chủ đầu tư nhà ở xã hội, nhà lưu trú công nhân là quy định có mục đích nhân văn, góp phần tháo gỡ thực trạng việc phát triển nhà ở xã hội chưa thực sự hiệu quả, chưa thu hút được các nguồn đầu tư, chưa đáp ứng nhu cầu của người dân trong giai đoạn hiện nay.

Đối tượng thụ hưởng của các chính sách về nhà ở xã hội, nhà lưu trú công nhân là người lao động có thu nhập thấp, nên với chức năng chăm lo, bảo vệ quyền lợi hợp pháp của người lao động, việc TLĐLĐVN làm chủ đầu tư là tương đối phù hợp.

Mặt khác, TLĐLĐVN có lợi thế trong việc điều tra, khảo sát, nắm bắt nhu cầu về nhà ở xã hội, nhà lưu trú cho công nhân, do có hệ thống công đoàn từ trung ương xuống cơ sở, giúp ích trong việc đầu tư đúng trọng tâm, trọng điểm, nâng cao hiệu quả đầu tư.

Nữ đại biểu cho rằng, đây là nội dung lớn, hoàn toàn mới, vì vậy cần được đánh giá tác động kỹ lưỡng, đặc biệt là tính khả thi của nguồn lực thực hiện để tránh lãng phí. Bà đề nghị nghiên cứu, xem xét thực hiện thí điểm một thời gian để đánh giá tính hiệu quả trước khi quy định rõ trong luật.

Khó khả thi

Liên quan vấn đề này, Đại biểu Huỳnh Thị Phúc - Phó Trưởng Đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đề nghị, trước hết cần tách riêng nội dung về xây dựng nhà ở xã hội và nội dung xây dựng nhà lưu trú cho công nhân thành hai điều riêng. Bởi hai nội dung này hoàn toàn khác nhau, không nên gộp chung như hiện tại.

Nêu quan điểm của mình, đại biểu Huỳnh Thị Phúc cho rằng, việc quy định TLĐLĐVN là chủ đầu tư nhà ở xã hội, nhà lưu trú công nhân là rất khó khả thi. Mặc dù Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam là cơ quan bảo vệ quyền lợi cho người lao động, nhưng không nhất thiết phải quy là chủ đầu tư. Chức năng cơ bản của công đoàn không có chức năng kinh doanh, nên quy định sẽ không phù hợp và có thể gây ra những quan ngại.

Đại biểu Huỳnh Thị Phúc

Đại biểu Phạm Văn Hòa - Phó Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Đồng Tháp cũng thiên về việc không nên giao cho TLĐLĐVN được tham gia đầu tư xây dựng nhà ở xã hội cho đoàn viên công đoàn thuê, vì tổ chức này không có chức năng kinh doanh. TLĐLĐVN có nhiều cách khác nhau để chăm lo cho đời sống của công nhân, còn việc đầu tư xây dựng nhà ở xã hội cho đoàn viên công đoàn nên giao cho các đơn vị chức năng khác.

Ở góc độ khác, Đại biểu Nguyễn Thị Lệ Thủy - Phó Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội đề nghị làm rõ thêm lý do tại sao chỉ giới hạn cho công nhân trong khu công nghiệp mà không cho công nhân ở khu chế xuất, khu kinh tế, khu công nghệ cao, công nhân ngoài khu công nghiệp được thuê nhà lưu trú công nhân.

Bà cũng băn khoăn nhà lưu trú công nhân có được xem là nhà ở hay không, và nếu không, thì cần xem xét lại vì có thể nội dung này nằm ngoài phạm vi điều chỉnh của Luật Nhà ở.

Nhà lưu trú công nhân chỉ bố trí cho công nhân làm việc tại khu công nghiệp thuê, có nghĩa là khi còn làm việc thì còn được thuê. Hơn nữa, vì không khẳng định là nhà ở, nên nhà lưu trú công nhân không phục vụ sinh hoạt cho hộ gia đình, con cái không được ở cùng, do đó có đạt được mục tiêu xã hội của chính sách hay không?

“Cần hạn chế đến mức tối đa tình trạng người mua nhà ở xã hội sau thời gian mua 5 năm thì bán với giá trị tăng 2 đến 3 lần so với lúc mua. Quy định chỉ chuyển nhượng lại cho chủ đầu tư ban đầu hoặc đối tượng thuộc diện mua nhà ở xã hội với nguyên giá mua ban đầu nếu không có nhu cầu về ở và mở rộng đối với thời gian là sau 5 năm kể từ khi mua. Chúng ta phải xác định rõ là nhà nước có chính sách hỗ trợ để người có thu nhập thấp có chỗ ở, không phải để tạo ra thu nhập cao trong tương lai cho người mua nhà ở xã hội” – ĐBQH Lê Thanh Hoàn (đoàn Thanh Hóa)

Tác giả: Ngọc Thành

Nguồn tin: vov.vn

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP