Năm 2011, tôi tốt nghiệp và bắt đầu công việc giảng dạy tại một trường cấp II ở TP HCM. Thời gian đầu, tôi không gặp nhiều khó khăn nên rất bình thản làm nghề. Mãi cho đến năm 2017, một biến cố rất lớn xảy ra khiến tôi dằn vặt, đau đớn suốt thời gian dài. Câu chuyện bắt đầu từ lớp dạy thêm môn Văn cho vài học sinh trong lớp tôi đang giảng dạy.
Do được phân công giảng dạy lớp 9- lớp cuối cấp, tôi đặc biệt chú trọng đến việc bồi dưỡng kiến thức cho các em. Sau khi nhận được nhiều đề nghị của phụ huynh, tôi quyết định mở lớp dạy thêm môn văn, nhằm hỗ trợ cho việc ôn tập và rèn luyện năng lực cảm thụ văn chương học sinh. Vào thời điểm đó, do xuất phát từ mục đích đơn thuần ấy, tôi chỉ nhận dạy 5 em, tạo thành một nhóm nhỏ để học.
Dù đồng lương nhà giáo quả thật rất ít ỏi nhưng tôi chưa bao giờ có ý định dạy thêm để kiếm tiền hoặc lợi dụng học sinh để "trục lợi". Hơn bất kỳ ai, tôi hiểu việc tổ chức lớp dạy thêm với học sinh mà mình đang trực tiếp giảng dạy sẽ gây nhiều hiểu lầm cho các em và phụ huynh.
Tôi đã từng chứng kiến đồng nghiệp rơi vào cảnh "tình ngay lý gian" vì mở lớp học thêm. Phụ huynh đa phần thắc mắc về điểm số, cho rằng giáo viên thiên vị học sinh có tham gia học thêm; thầy cô lợi dụng việc dạy thêm để kiếm tiền, lơ là chuyện giảng dạy trong lớp...
Tuy nhiên, thực tế hầu hết thầy cô tham gia giảng dạy tại các lớp học thêm ngoài giờ đều rất tận tình giảng dạy, chăm chút cho học sinh và xứng đáng với khoản "thù lao" do công sức họ bỏ ra. Những tiết học thêm, nhìn nhận ở một khía cạnh tích cực, là cơ hội để học sinh bồi dưỡng tri thức, hỗ trợ các em thực hành các kỹ năng cần thiết cho môn học và các kỳ thi cam go phía trước.
Câu chuyện đau lòng của tôi bắt nguồn từ một lá đơn phản ánh lên Ban giám hiệu nhà trường. Một vài phụ huynh cho rằng tôi thiên vị trong vấn đề điểm số. Dù tôi đã làm việc và trao đổi với các vị phụ huynh này về các bài kiểm tra được phát ra cùng thang điểm được quy định. Thêm vào đó, lớp học thêm của tôi chỉ có vỏn vẹn vài em...
Nhưng họ vẫn không đồng ý, thậm chí còn dùng nhiều lời lẽ nặng nề dành cho tôi, bảo tôi không đủ tư cách đứng lớp, yêu cầu nhà trường dừng việc giảng dạy của tôi...
Tôi đau lòng và bất lực, không biết giải thích ra sao cho bản thân trong tình huống "tình ngay lý gian" này. Dù vụ việc sau đó được sáng tỏ nhưng tổn thương đan xen thất vọng, tôi quyết định làm đơn xin nghỉ việc.
Ngày rời trường cũ, tôi nhận được rất nhiều lời động viên từ quý thầy cô, anh chị em đồng nghiệp. Tôi ấn tượng mãi với một câu nói từ thầy giáo cũ: "Việc dạy thêm không xấu cũng chẳng có gì gọi là tiêu cực. Dù sau này có tiếp tục công việc giảng dạy hay ở bất kỳ cương vị nào, thầy vẫn mong em nhớ rằng: "Cây ngay không sợ chết đứng". Hãy giảng dạy và làm việc bằng tất cả sự tận tâm và nhiệt tình với nghề, như em đã từng".
Sau một thời gian ổn định tâm lý, chú tâm vào việc học lên nghiên cứu sinh, tôi đã tìm được công việc giảng dạy mới tại trường cao đẳng. Tôi vẫn tiếp tục nhận lời mời thỉnh giảng từ các trường khác và tổ chức một lớp dạy thêm ngoài giờ tại nhà nhằm ôn luyện kỹ năng viết văn và cảm thụ văn học dành cho học sinh cuối cấp.
Lần thứ hai quay lại với công việc dạy thêm, tôi tự tin hơn bởi hiểu rằng việc dạy thêm không phải là một hiện tượng xấu hay tiêu cực, nếu bản thân người trong cuộc hoàn toàn tự nguyện và mong muốn kết nối với nhau vì một mục tiêu chung là hệ thống tri thức và kết quả học tập xứng đáng dành cho học sinh.
Bản thân người dạy cũng phải luôn tỉnh táo, dành thời gian để đầu tư chỉn chu bài giảng cùng hệ thống tri thức để giảng dạy cho học sinh, giúp người học cảm thấy hứng thú và hài lòng với khoản học phí họ đã bỏ ra.
Tác giả: Nguyễn Thị Yến Anh
Nguồn tin: Báo Người Lao Động