Xã hội

Tiết lộ sốc của người đàn ông chôn sống em bé ở nghĩa trang Bình Hưng Hòa

Đưa tay chỉ về phần mộ nhỏ, đắp đất, không có bảng tên, bà Non nói, đó là “nhà” của em bé sơ sinh qua đời gần 30 năm trước.

4 giờ chiều, nắng nóng ở TP.HCM vẫn chưa giảm nhiệt. Bên trong nghĩa trang Bình Hưng Hòa (quận Bình Tân, TP.HCM), bà Trương Thị Non (57 tuổi, TP.HCM) đang phát cỏ, lau chùi rồi thắp hương cho từng ngôi mộ mà mình đang quản lý.

Bà Non cho biết, đến nay, bà đã có hơn 30 năm làm nghề chăm sóc mồ mả. Ngoài 800 ngôi mộ được thân nhân người đã khuất thuê quản lý giúp, bà còn thường xuyên hương khói cho những phần mộ vô danh nằm gần bên.

Đưa tay chỉ về phần mộ nhỏ, đắp đất, không có bảng tên, bà Non nói, đó là “nhà” của em bé sơ sinh qua đời gần 30 năm trước. Khi đó, bà Non mới bỏ công việc ở Ủy ban phường đi làm nghề này.

Đến nay, bà Trương Thị Non đã có hơn 30 năm làm nghề chăm sóc mồ mả.

Trong trí nhớ của bà Non, người đàn ông mang một túi bóng màu đen đến nghĩa trang đào đất chôn. Lúc đó, thành phố vào mùa nắng nóng. Bà Non đang dọn dẹp một ngôi mộ thì nghe tiếng khóc của trẻ con.

Càng đến gần, tiếng khóc càng lớn hơn. Nghi có chuyện chẳng lành, bà gọi thêm mấy người nữa đến yêu cầu người đàn ông mở túi nilon ra xem thì phát hiện một bé trai vẫn còn dây rốn, chân tay quẫy đạp, da đỏ ửng, khóc không ngớt.

Ngay lập tức, bà gọi công an đến lập biên bản. Người đàn ông cho biết, được trả 30 ngàn đồng để đi chôn bé. Khi nhận, người ta nói em đã chết.

Do trời nóng và bị bọc trong túi nilon lâu, em bé đã không qua khỏi. “Chúng tôi làm đủ cách mà không cứu được con. Tội nghiệp con, vừa sinh ra, không biết được bú giọt sữa mẹ nào không mà đã tạm biệt cuộc sống. Người đàn ông sau đó bị mời về cơ quan công an và chịu phạt”, bà Non nói.

Đến nay, phần mộ của em đang nằm trong khu mộ vô danh ở nghĩa trang. Hằng ngày, bà vẫn đến hương khói, dọn dẹp mộ cho bé.

Bà Non cho biết, những ngày mới hình thành, nghĩa trang Bình Hưng Hòa có rất nhiều người đã khuất được chôn cất tại đây. “Người ta cứ mang người chết đến chôn đại trà. Bây giờ, có rất nhiều ngôi mộ chẳng biết là của ai”, người phụ nữ năm nay 57 tuổi nói.

Bà còn nhớ câu chuyện của người mẹ lớn tuổi, mang con gái qua đời do băng huyết khi mới sinh đến chôn ở nghĩa trang. Đang đào đất chôn con thì trời đổ mưa. Phải đứng dưới mưa lâu, quần áo ướp nhẹp, bà vừa lấp đất cho con vừa run.

“Bà ấy ở dưới miền Tây, không thường xuyên đến hương khói cho con được nên nhờ tôi làm giúp. Lúc ra về, bà gửi 50 ngàn, nói phụ tôi tiền công. Tôi không lấy mà cho thêm bà 100 ngàn để đi xe về quê. Tôi chỉ bỏ chút thời gian để dọn mộ cho con cô ấy, chứ có mất chi phí nào đâu”, bà Non kể và cho biết, tận 17 năm sau, khi cháu ngoại lớn, có của ăn của để, người mẹ ấy mới đưa cháu ngoại lên gặp bà để tạ ơn.

Nghĩa trang Bình Hưng Hòa đang trong giai đoạn giải tỏa. Ảnh: NLĐ

Theo bà Non, ở nghĩa trang có hàng ngàn ngôi mộ vô danh, không ai hương khói, cỏ mọc um tùm. Có những phần mộ lấp bằng đất, lâu ngày trời mưa, trâu bò giẫm đạp… nên bị san phẳng.

“Thời gian tới, nghĩa trang giải tỏa, không biết các phần mộ đó sẽ ra sao”, bà Non lo lắng. Hằng ngày, làm xong các phần mộ mình quản lý, bà lại đi thắp hương, dọn dẹp, đắp thêm đất cho những phần mộ vô danh kia. Hay những dịp lễ Tết, bà mua ít bánh kẹo, trái cây ra thắp hương cho người quá cố.

Ông Nguyễn Minh Nhựt, Phó chủ tịch UBND quận Bình Tân cho biết, hiện việc giải tỏa, di dời các phần mộ ở nghĩa trang đang trong giai đoạn 2. Tuy nhiên, dự án đang gặp khó khăn khi có đến 2.322 ngôi mộ chưa có thân nhân kê khai. Trong đó 1.082 ngôi mộ không có người nhà đến thăm nom. Sau này, nếu không có người thân đến nhận, chính quyền sẽ gửi tro cốt của các mộ này vào chùa Di Lặc, bên trong khuôn viên nghĩa trang Bình Hưng Hoà.

Tác giả: Tú Anh - Hoài Nam

Nguồn tin: Báo VietNamNet

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP