Ngôi nhà nhỏ cấp bốn lụp sụp của mẹ con bà Phan Thị Hoài những ngày này trở nên ảm đạm, thê lương. Bà Phan Thị Hoài năm nay đã ngoài 60, cuộc sống khắc khổ dường như khiến ngoại hình của bà già hơn nhiều so với cái tuổi ngoại lục tuần. Sức khỏe yếu, hằng ngày bà không thể làm được việc gì ngoài quanh quẩn trong 4 bức tường và chăm đứa con trai đang phải đối diện với căn bệnh “quái ác”.
Vừa nắn tay chân, vừa vệ sinh cho đứa con trai tội nghiệp, bà kể về cuộc sống và cuộc đời bà như một cuộn phim, nhưng nghe mà xót xa, não nề. Bà cho biết, sinh ra không được may mắn, gia cảnh bố mẹ nghèo khổ không được ăn học đến nơi, đến chốn. Đến lúc trưởng thành, kết duyên với người con trai cùng làng, cuộc sống khó khăn cứ đẩy gia cảnh bà vào thế cùng cực.
Dẫu trong mình đang mang trọng bệnh khó chữa, nhưng hàng ngày bà Phan Thị Hoài vẫn gắng gượng, tạo động lực tinh thần để chăm đứa con trai không may mắn - đang ở cái tuổi sung sức của thanh niên thì lại mang trên mình căn bệnh suy thận mạn giai đoạn cuối.
Chồng đau ốm liên miên, sinh hạ được hai người con nhưng vì hoàn cảnh, cả hai đều phải bỏ học giữa chừng để tha phương lao động kiếm sống. Căn nhà cấp bốn hiện tại hai mẹ con bà đang ở là nhà tình thương, đùm bọc của bà con, làng xóm xúm tay làm cho từ năm 2001, nay cũng đã xuống cấp, nhiều chỗ thấy rõ được cả bầu trời. Trong ngôi nhà ấy, không một vật dụng đáng giá ngoài chiếc tủ gỗ cũ kỹ mà người con trai của bà dành dụm mà mua được.
Gạt dòng nước mắt lăn dài trên gương mặt khắc khổ, bà kể tiếp: Cuộc sống cơ cực nhưng dường như ông trời không đoái thương lại còn cướp mất người chồng, chỗ dựa tinh thần cho bà khi các con xa nhà. Không dừng lại ở đó, hơn 5 năm trước, bỗng dưng thấy người mỏi mệt, chân tay rũ rời, bà nghĩ là mình bị cảm nên chủ yếu tự ra tiệm mua thuốc về uống, chỉ khi đau đớn, bà con xóm giềng sang thăm mới đi khám, cầm kết quả và kết luận của bác sỹ bà bị tiểu đường mà mắt bà như tối sầm, bà nghĩ mình nghèo thế này sao lại bị căn bệnh “nhà giàu”, bà đã phải hỏi đi hỏi lại bác sỹ nhiều lần, cuối cùng chấp nhận với cú sốc quá lớn.
Trước hoàn cảnh éo le của mẹ con bà Phan Thị Hoài chị em phụ nữ xóm Liên Giang đã thường xuyên cắt cử đến thăm hỏi, động viên và giúp đỡ, phụ giúp mẹ con bà Hoài làm vườn, trồng rau sau đó mua lại để bà Hoài vừa có thêm thu nhập, vừa có thực phẩm cho gia đình.
Từ đó đến nay, cứ một tháng một lần bà lại phải đi bệnh viện khám, kiểm tra, rồi thuốc thang, bao nhiêu tiền con trai làm thuê gửi về cũng không đủ trang trải. Hiện gia đình bà đang gánh khoản nợ hơn 10 triệu đồng vay của bà con, làng xóm để chữa bệnh đã lâu nhưng vẫn chưa trả nổi.
Từ khi bị bệnh, bà không thể làm được việc gì, mảnh vườn nhỏ bà con làng xóm cũng sang giúp đỡ trồng rau để vừa bán, vừa có thêm thực phẩm. Hai mẹ con với hai sào ruộng khoán cũng không thể làm mà phải cho mướn, mỗi vụ lấy vài ba yến thóc.
Hoàn cảnh cùng cực đến ngôi nhà cấp 4 cũng phải nhờ bà con lối xóm giúp đỡ mới có được, nhưng nay cũng đã xuống cấp, tường nứt nẻ, mái nhà nhiều chỗ thấy cả bầu trời.
Nhắc đến hai đứa con, bà không kìm nổi nước mắt, bà thở dài, thằng anh lập gia đình đi làm ăn xa, hoàn cảnh cũng khó khăn lắm, mẹ ốm mà cũng không về được, điện thoại về hỏi thăm mấy anh em, mẹ con chỉ biết ngồi khóc.
Còn thằng thứ hai, Nguyễn Như Dương, từ khi anh lập gia đình ở xa, nó là trụ cột trong gia đình, nó thương mẹ lắm, làm thuê tận trong Nam, làm được bao nhiêu đều gửi ngay về cho mẹ chữa bệnh, nhưng ông trời đã không thương. Hơn hai tháng nay, kể từ khi phát hiện bị bệnh suy thận giai đoạn cuối, tinh thần nó bị suy sụp lắm, bà cũng chỉ biết động viên con thương mẹ, hoàn cảnh éo le mà cố gắng.
Đang nằm trên giường, nghe tiếng mẹ nghẹn ngào, Nguyễn Như Dương - con trai bà Hoài cố gượng thều thào với chúng tôi. “Em đi làm xa tận trong miền Nam, công việc chủ yếu là phụ làm mộc, hơn 2 tháng trước tự nhiên thấy trong người khác lạ, em đi khám thì bác sỹ cho biết em bị suy thận mạn giai đoạn cuối”.
Với căn bệnh suy thận mạn giai đoạn cuối, Nguyễn Như Dương phải một tuần 3 lần vào bệnh viện GTVT Nghệ An để chạy thận theo phương pháp điều trị: Lọc máu chu kỳ - Tăng hồng cầu - Nâng thể trạng. Mỗi lần như vậy chi phí hết gần một triệu đồng chưa kể tiền chi phí xe cộ, ăn uống nghỉ lại sau khi chạy thận.
“Em thương mẹ em lắm, đã bệnh tật nay lại phải chăm em, em đã trở thành gánh nặng của mẹ. Mấy tháng phát hiện bệnh, mẹ em phải chạy vạy khắp nơi để vay mượn có tiền cho em chữa bệnh. Vì em suy thận mạn đã giai đoạn cuối nên bây giờ, cứ một tuần em phải chạy thận 3 lần, mỗi lần hết gần 1 triệu đồng, chưa kể tiền xe đi lại, ăn nghỉ sau chạy thận.
Bác sỹ bảo bệnh này không chữa khỏi được mà chỉ chạy thận để duy trì sự sống thôi. Nhà nghèo, điều kiện lại quá khó khăn như thế này, không biết có thể duy trì đến bao lâu nữa”, Dương buồn rầu tâm sự.
Mọi người cũng giúp mẹ con bà Hoài làm vườn, trồng rau sau đó mua lại để bà Hoài vừa có thêm thu nhập, vừa có thực phẩm cho gia đình.
Năm nay 25 tuổi, nhưng nhìn Nguyễn Như Dương như già dặn hơn so với các bạn cùng trang lứa, lao động sớm và với những lo toan cuộc sống đã làm em trưởng thành và rắn rỏi hơn. Thế nhưng, chỉ mới qua hơn 2 tháng phát bệnh, giờ đây cơ thể Nguyễn Như Dương trở nên xanh xao, chân tay phù thũng vì đợt chạy thận kéo dài.
Em tâm sự: “Chạy thận kéo dài thời gian, có lúc từ chiều đến khuya. Nhiều lúc xong ra khỏi phòng là choáng váng, xây xẩm nhưng em cũng phải gượng, phải cố gắng. Đáng lẽ thanh niên trai tráng phải nuôi mẹ già, giờ lại trở thành gánh nặng, không biết đến tương lai”.
Chị Nguyễn Thị Linh - người dân xóm Liên Giang, xã Liên Thành cho biết: Hoàn cảnh mẹ con chị Hoài rất éo le, mẹ đã bệnh tật, nay con lại ốm nặng. Địa phương, bà con lối xóm cũng đã giúp đỡ nhưng không được nhiều vì bà con ai cũng nghèo cả. Mong rằng, bằng sự sẻ chia cộng đồng sẽ chung tay giúp đỡ, giảm bớt được gánh nặng cuộc đời trên vai người phụ nữ cơ cực và mẹ con chị Hoài sẽ có được những tháng ngày an nhàn ngắn ngủi.
Chia tay mẹ con bà Hoài và những người hàng xóm tốt bụng của xóm Liên Giang cũng là lúc trời xế chiều, cơn mưa bất chợt cùng với tiết trời chuyển mùa se lạnh, hình ảnh hai con người khốn khổ bệnh tật khuất dần trong ngôi nhà lụp sụp khiến ai nấy cũng phải xót xa, thương cảm.
Mọi đóng góp hảo tâm xin gửi về: Bà Phan Thị Hoài, xóm Liên Giang, xã Liên Thành, huyện Yên Thành. ĐT: 01688.664.428 – chị Linh hàng xóm
Tác giả bài viết: Nguyễn Duy
Nguồn tin: