Học sinh Trường tiểu học Trần Bình Trọng (Q.5, TP.HCM) đập heo đất lấy tiền từ phong trào nhỏ, gây quỹ từ thiện giúp học sinh có hoàn cảnh khó khăn - Ảnh: N.HÙNG |
Liền lúc đó, tôi hỏi lại con mình, kế hoạch nhỏ là thế nào và con biết đóng tiền để làm gì không, con vô tư trả lời: "Cô giáo bảo về xin tiền đóng, chứ con không biết để làm gì hết. Mà cũng lần đầu tiên con nghe đến kế hoạch nhỏ".
Từ rất lâu, phong trào "Kế hoạch nhỏ" được triển khai rộng rãi ở các trường nhằm giáo dục học sinh tiết kiệm, bảo vệ môi trường, tái chế sử dụng các vật liệu phế thải.
Thu kế hoạch nhỏ bằng nhiều hình thức như nuôi heo đất, thu gom ve chai, tiết kiệm giấy vụn... để tạo nguồn quỹ tặng nhiều công trình măng non cho các bạn học sinh có hoàn cảnh khó khăn, hay là thực hiện nhiều công trình ý nghĩa của Đội.
Mới đây, trong nhóm phụ huynh có con học tiểu học, không ít người lên tiếng về hình thức đóng góp "Kế hoạch nhỏ". Có người cảm thấy đó là một gánh nặng, nhất là những phụ huynh khó khăn thời hậu COVID-19; người thì lo lắng liệu con mình có biết được ý nghĩa của phong trào này; thậm chí có phụ huynh bức xúc thốt lên một cách hoài nghi: "Kế hoạch nhỏ của con, kế hoạch to của trường".
Những bức xúc, không đồng tình này cho thấy chuyện kế hoạch nhỏ trong mắt phụ huynh là không hề nhỏ chút nào. 50.000 đồng hay 70.000 đồng, hay con số lớn hơn để tạo quỹ là cách làm có vẻ tiện cho nhà trường nhưng dường như không phản ánh đúng tinh thần của phong trào. Quỹ phải được hình thành từ việc tiết kiệm làm "Kế hoạch nhỏ". Đặc biệt, phong trào cần giáo dục tinh thần tiết kiệm, dạy cho học sinh biết tích cóp sử dụng vật liệu phế phẩm, tái chế.
Cần để "Kế hoạch nhỏ" trở về đúng mục đích ban đầu và tồn tại trong mỗi nhà trường như là một việc làm trực tiếp, cụ thể, có ý nghĩa. Hãy để những hình thức dù có "lỉnh kỉnh" những ve chai, sách báo cũ... nhưng những cách giản dị bình thường ấy lại giáo dục các con đức tính tiết kiệm, tấm lòng bao dung, thương người, sẻ chia.
Tác giả: THẢO THƯƠNG
Nguồn tin: Báo Tuổi trẻ