Kinh tế

Nhiều doanh nghiệp không nhập đủ lượng xăng dầu được giao

Bộ Công Thương đã nêu tên một số thương nhân không thực hiện tổng nguồn tối thiểu được giao. Đây là một trong những nguyên nhân khiến nguồn cung xăng dầu thời gian qua có lúc thiếu cục bộ.

Doanh nghiệp xăng dầu dù khó khăn nhưng vẫn phải đảm bảo nguồn cung

Nhiều doanh nghiệp không nhập đủ xăng được phân giao

Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên vừa có cuộc họp với Hiệp hội Xăng dầu Việt Nam và 31 doanh nghiệp đầu mối kinh doanh xăng dầu nhằm nắm bắt, tháo gỡ khó khăn.

Tại cuộc họp, ông Trần Duy Đông – Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước - cho biết, tổng nguồn xăng dầu tối thiểu năm 2022 là hơn 20,72 triệu m3/tấn xăng dầu các loại. Lượng xăng dầu này được Bộ Công Thương giao cho 36 đầu mối kinh doanh xăng dầu.

Theo báo cáo tổng hợp từ các đầu mối kinh doanh xăng dầu, các doanh nghiệp đã thực hiện tổng nguồn xăng dầu mặt đất (xăng, diesel, dầu hỏa, dầu mazut) trong 9 tháng đầu năm 2022 đạt hơn 17,2 triệu m3/tấn.

Đối với mặt hàng chủ đạo là xăng và diesel, một số thương nhân thực hiện tổng nguồn gần đạt, thậm chí vượt so với tổng nguồn tối thiểu được giao như: Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex) đạt 99,6% đối với xăng; 95,9% đối với diesel. Tổng công ty Dầu Việt Nam - CTCP (PVOil) thực hiện đạt 100,3% đối với xăng; 83,4% đối với diesel. Công ty TNHH MTV Dầu khí TP.HCM (Saigon Petro) đạt 93,2% đối với xăng; 167,0% đối với diesel...

Tuy nhiên, theo ông Trần Duy Đông, vẫn có một số thương nhân không thực hiện tổng nguồn tối thiểu được giao là: Công ty TNHH sản xuất - thương mại Hưng Phát; Tổng công ty thương mại Sài Gòn - TNHH một thành viên; Công ty cổ phần nhiên liệu Phúc Lâm (mặt hàng diesel); Công ty TNHH xăng dầu Giang Nam; Công ty TNHH Trung Linh Phát (mặt hàng xăng); Công ty cổ phần Phúc Lộc Ninh.

Để đảm bảo nguồn cung xăng dầu trong quý IV-2022 phục vụ nhu cầu thị trường, Bộ Công Thương dự kiến phân giao tổng nguồn xăng dầu tối thiểu (bao gồm nhập khẩu, mua từ các nhà máy lọc dầu trong nước, tự sản xuất, pha chế) cho các thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu.

Cụ thể, lượng xăng là 2.248.066 m3; bình quân 749.355m3/tháng; Diesel: 3.133.149 m3; bình quân 1.044.383 m3/tháng; Ma-dút: 110.497 tấn; bình quân 36.832 tấn/tháng; Dầu hỏa: 8.287 m3; bình quân 2.762 m3/tháng. Tổng cộng lượng xăng dầu là 5.500.000 m3/tấn; bình quân 1.833.333 m3/tấn/tháng.

Việc phân giao được thực hiện căn cứ vào tỷ trọng tổng nguồn đã phân giao đầu năm 2022 cho các thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu và đã có danh sách với số lượng hạn mức cụ thể đến từng thương nhân đầu mối.

Doanh nghiệp phải đảm bảo nguồn cung

Theo ông Bùi Ngọc Bảo – Chủ tịch Hiệp hội Xăng dầu Việt Nam, hiện tại các doanh nghiệp xăng dầu vẫn đang rất khó khăn. Đối với khối lượng xăng dầu Bộ Công Thương giao, các doanh nghiệp chắc chắn phải nhập thêm. Trong khi với giá cả hiện tại trong quý IV, nhất là tháng 11, 12 thì premium đang ở mức trên dưới 10 USD, như vậy chi phí doanh nghiệp sẽ phải chịu lỗ hơn 1.000 đồng/lít khiến doanh nghiệp không thể thực hiện được.

Bên cạnh đó, phía ngân hàng cũng đang vận hành theo nguyên tắc phương án nhập khẩu có lợi nhuận thì mới cho vay, dù Bộ Công Thương đã có văn bản đề xuất ý kiến.

Do đó, ông Bùi Ngọc Bảo cho biết: “để bảo đảm được cho các doanh nghiệp có khả năng nhập đúng tiến độ, số lượng xăng dầu do Bộ đề xuất thì phải triệt tiêu chênh lệch giữa chi phí tạo nguồn nhập khẩu với trong nước theo cách thức: Lấy Quỹ bình ổn để bù trực tiếp vào chênh lệch của premium nhập khẩu để bằng với giá trong nước.

Bên cạnh đó, Hiệp hội cũng đề xuất Bộ Công Thương thống nhất với Bộ Tài chính rà soát các chi phí, thay vì 6 tháng thay đổi một lần thì 3 tháng thay một lần, để giảm đi chi phí nhập khẩu, cắt lỗ cho doanh nghiệp”- đại diện Hiệp hội Xăng dầu Việt Nam kiến nghị.

Đối với đề xuất của Chủ tịch Hiệp hội Xăng dầu đề xuất dùng Quỹ Bình ổn giá để bù cho premium, ông Trần Duy Đông khẳng định: “Phải xác định bản chất Quỹ Bình ổn giá là gì? Việc trích sử dụng Quỹ Bình ổn giá đã có 1 thông tư quy định trong nghị định và phải chi đúng mục đích. Do đó, việc kiến nghị dùng Quỹ Bình ổn giá để chi cho chi phí tạo nguồn thì Bộ Công Thương sẽ ghi nhận và trao đổi lại với Bộ Tài chính để thực thi đúng quy định”.

Đối với các ý kiến về tổng nguồn, Bộ Công Thương sẽ làm việc lại với doanh nghiệp để làm sao việc giao tổng nguồn khoa học và phù hợp nhất với điều kiện thực tế. Quan trọng nhất là đảm bảo đủ tổng nguồn phục vụ cho sản xuất và tiêu dùng trong quý IV.

Kết luận tại cuộc họp, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên nêu lên 6 nhiệm vụ của doanh nghiệp xăng dầu trong thời gian tới là: Các doanh nghiệp sản xuất và doanh nghiệp đầu mối, thương nhân phân phối cần bảo đảm nguồn cung xăng dầu cho cả nước trong mọi hoàn cảnh, phải thực hiện ít nhất bằng kế hoạch sản lượng đã cam kết và động viên các doanh nghiệp nâng công suất để đáp ứng nhu cầu nguồn cung tại các nhà máy sản xuất trong nước. Các doanh nghiệp sản xuất cần phải chuyên nghiệp và áp dụng kỷ luật khắt khe hơn với doanh nghiệp đầu mối để kế hoạch sản xuất và kế hoạch phân phối phải ăn khớp với nhau, tránh tình trạng "ký hợp đồng xong để đấy";

Bảo đảm cung ứng đầy đủ sản lượng được phân giao từ đầu năm, bổ sung điều chỉnh trong tháng 2 và kế hoạch điều chỉnh tháng 10;

Các doanh nghiệp đầu mối khẩn trương lên kế hoạch sản xuất, nhập khẩu, hợp đồng mua bán cụ thể, chi tiết cho từng tuần, từng tháng, hàng quý và cả năm theo kế hoạch phân giao của Bộ, nhất là thời điểm cuối năm.

Ngoài ra, các doanh nghiệp đầu mối, kể cả các thương nhân phân phối phải bảo đảm lượng dự trữ thương mại theo quy định, bảo đảm lượng nhưng phải bảo đảm đúng quy trình;

Các doanh nghiệp đầu mối và thương nhân phân phối sẽ phải triển khai ứng dụng phần mềm quản lý trong kinh doanh xăng dầu, kết nối từ Bộ Công Thương đến với các doanh nghiệp sản xuất, doanh nghiệp đầu mối, thương nhân phân phối nhằm minh bạch hóa thông tin, thuận lợi hóa trong quản lý lưu thông và bảo đảm công bằng giữa các doanh nghiệp với nhau. Thời gian thực hiện từ ngày 1-1-2023;

Các doanh nghiệp đầu mối, Hiệp hội Xăng dầu Việt Nam tiếp tục nghiên cứu, đề xuất sửa đổi cơ chế chính sách cho phù hợp với thực tiễn;

Bộ trưởng Bộ Công Thương cũng đề nghị các Hiệp hội, doanh nghiệp đầu mối và thương nhân phân phối hợp tác chặt chẽ với Bộ Công Thương và các Bộ, ngành có liên quan để làm rõ nguyên nhân, lý do tác động đến thị trường cung ứng xăng dầu của cả nước...

Tác giả: Hà Linh

Nguồn tin: anninhthudo.vn

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP