Theo Business Insider ngày 22/11, khi dạo quanh sân chơi ở trường học Nhật Bản, bạn có thể nghĩ mình đang ở trường đào tạo chú hề. Giữa sự náo nhiệt của nhóm trẻ em chơi trò đuổi bắt và nhảy ếch, những chiếc xe đạp một bánh sẽ lướt qua bạn bất cứ lúc nào.
Ý tưởng xe đạp một bánh nghe có vẻ ngớ ngẩn, tuy nhiên Bộ Giáo dục Nhật Bản tin rằng một thứ đồ chơi không cố định sẽ rèn luyện tính độc lập và can đảm ở trẻ em. Đồ chơi phải là thứ giúp xây dựng các giá trị cốt lõi. Do đó, bên cạnh cà kheo và vòng lắc eo, hầu hết trường tiểu học đều trang bị số lượng lớn xe đạp một bánh.
Học sinh Nhật Bản yêu thích xe đạp một bánh. Ảnh: educationinjapan
Thực tế, xe đạp một bánh đã được đưa vào trường học từ hơn hai thập kỷ trước, năm 1989. Không chỉ trẻ em mà người lớn cũng yêu thích bộ môn này và bắt đầu cạnh tranh trong chặng đua xe đạp một bánh. Ngày nay, nhiều vận động viên xe đạp một bánh hàng đầu thế giới là người Nhật Bản.
Matthew Thibeault, giáo viên người Mỹ làm việc ở xứ sở mặt trời mọc nói với tờ Times: "Tôi nhìn thấy những đứa trẻ bị thách thức và được khuyến khích làm những điều tôi chưa từng thấy ở trẻ em Mỹ". Tại Mỹ, an toàn của trẻ vẫn được xem là mối quan tâm hàng đầu.
Trẻ em Nhật Bản cũng học được về trách nhiệm khi tự chăm sóc xe đạp của mình, đảm bảo lốp xe được bơm căng và xe được cất gọn gàng sau khi sử dụng. Ở một quốc gia không có lao công ở trường, học sinh dễ dàng học cách tự giác.
Các kỹ năng này trở nên có ích trong việc học tập, do đó không có gì ngạc nhiên khi hệ thống giáo dục Nhật Bản luôn được xếp hạng trong nhóm đầu thế giới.
Nhà tâm lý học Angela Duckworth ở Đại học Pennsylvania đã chỉ ra phẩm chất quan trọng nhất quyết định thành công của một con người là mức độ chịu đựng. Phẩm chất này được cô giải thích kỹ hơn là khả năng bước tiếp khi gặp nhiều khó khăn.
Khi một đứa trẻ bị ngã khỏi xe đạp khoảng 20 lần trước khi giữ được thăng bằng, nó sẽ hiểu không có thành công nào dễ dàng. Ngã trở thành một bài học ý nghĩa phục vụ cuộc sống sau này của trẻ, theo nghiên cứu của Duckworth.
Các quốc gia khác có lẽ cũng sẽ nhìn thấy kết quả giáo dục tương tự nếu học cách pha trộn niềm vui và trách nhiệm trong trường học Nhật Bản.
Tác giả bài viết: Phiêu Linh
Nguồn tin: