Liên quan đến vụ một nữ sinh lớp 6 ở xã Tiền Phong, huyện Quế Phong, tỉnh Nghệ An bị ông P.H (SN 1952) là bảo vệ trường học xâm hại dẫn đến mang thai, theo thông tin mới nhất thì nghi phạm đã tử vong. Hiện Công an huyện Quế Phong (Nghệ An) tiếp tục điều tra, làm rõ cái chết bất thường của người này.
Trước đó, ngày 17/9, Công an huyện Quế Phong đã tạm giữ người đàn ông 70 tuổi này. Tại cơ quan điều tra, ông ta đã thú nhận hành vi của mình đối với bé gái.
Kết quả siêu âm cho thấy nạn nhân đã mang thai hơn một tháng (Ảnh: Gia đình cung cấp). |
Vậy nghi phạm này đã chết, thì vụ án có khép lại không? nữ sinh đang mang thai thì sau này khi sinh con, phía gia đình nghi phạm có phải cùng chịu trách nhiệm?
Giải đáp băn khoăn trên, Luật sư Trần Xuân Tiền, Trưởng văn phòng Luật sư Đồng Đội, Đoàn luật sư Thành phố Hà Nội cho biết, không ít các vụ việc xâm hại trẻ em mà đối tượng thực hiện hành vi là những người đã có tuổi, đáng tuổi ông, tuổi chú của nạn nhân. Như trong vụ việc này, một người bảo vệ 70 tuổi đã có hành vi xâm hại cháu bé 12 tuổi, gây ra nhiều bức xúc trong dư luận. Nhiều người bày tỏ quan điểm mong muốn cơ quan có thẩm quyền sẽ áp dụng bản án thật nặng đối với những người này.
Tuy nhiên, theo thông tin mới nhất, nghi phạm 70 tuổi này đã tử vong vào ngày 30/9, đồng thời người này cũng là hung thủ duy nhất của vụ án. Do đó, Luật sư cho biết, theo quy định tại khoản 7 Điều 157 Bộ luật Tố tụng Hình sự 2015, Viện kiểm sát không khởi tố vụ án hình sự đối với hành vi của nghi phạm này nữa. Bởi theo quy định trên thì trong trường hợp vụ việc chỉ có một người duy nhất là hung thủ và có kết luận là người này đã chết mà không cần tái thẩm đối với người khác thì Viện kiểm sát không khởi tố vụ án hình sự.
Nghi phạm đã tử vong, những người hưởng thừa kế sẽ phải chịu trách nhiệm bồi thường cho nữ sinh bị xâm hại!
Luật sư Tiền cho biết, với phân tích như trên thì trách nhiệm hình sự sẽ không đặt ra đối với ông P.H. Tuy nhiên, hậu quả mà hành vi phạm tội của ông H. để lại cho nạn nhân và gia đình nạn nhân là rõ ràng do đó gia đình của ông P.H phải có nghĩa vụ bồi thường cho người bị thiệt hại. Cụ thể:
Về nguyên tắc, ông H. phải chịu trách nhiệm hình sự và trách nhiệm bồi thường thiệt hại do sức khỏe, danh dự, nhân phẩm bị xâm phạm theo quy định tại Điều 584, Điều 590 và Điều 592 Bộ luật dân sự 2015. Theo đó, ông H. phải bồi thường các khoản gồm: Chi phí hợp lý cho việc cứu chữa, bồi dưỡng, phục hồi sức khỏe và chức năng bị mất, bị giảm sút của người bị thiệt hại; Chi phí hợp lý và phần thu nhập thực tế bị mất của người chăm sóc người bị thiệt hại trong thời gian điều trị; Chi phí hợp lý để hạn chế, khắc phục thiệt hại do danh dự nhân phẩm bị xâm phạm; và một khoản tiền để bù đắp tổn thất về tinh thần.
Mức bồi thường bù đắp tổn thất về tinh thần do các bên thỏa thuận; nếu không thỏa thuận được thì mức tối đa cho một người có sức khỏe bị xâm phạm không quá năm mươi lần mức lương cơ sở do Nhà nước quy định, còn mức tối đa cho một người có danh dự, nhân phẩm bị xâm phạm không quá mười lần mức lương cơ sở do Nhà nước quy định.
Tuy nhiên, trong trường hợp này, do ông H. đã chết nên theo quy định tại Điều 615 Bộ luật Dân sự 2015 quy định việc thực hiện nghĩa vụ tài sản do người chết để lại, thì những người hưởng thừa kế của ông H. phải có trách nhiệm bồi thường những khoản trên cho bé gái. Cụ thể như sau:
Nếu ông H. để lại di sản thì di sản này sẽ được dùng để thực hiện nghĩa vụ bồi thường cho người bị thiệt hại. Những người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan có trách nhiệm phối hợp giải quyết.
Nếu ông H. để lại di sản trong đó có phần của những người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan (như tài sản chung vợ chồng, tài sản chung với người khác) thì cơ quan tố tụng phải xác định phần tài sản của người chết là bao nhiêu thì phần đó là di sản và phải dùng để thực hiện nghĩa vụ của người chết đối với bị thiệt hại. Sau đó, nếu còn dư thì sẽ chia cho những người thuộc hàng thừa kế thứ nhất như cha mẹ, vợ con.
Trong trường hợp, ông H. đã chết không còn tài sản thì người bị thiệt hại không có căn cứ để yêu cầu bồi thường thiệt hại. Người thân của người này không có nghĩa vụ phải bồi thường thay, trừ khi họ tự nguyện bồi thường thay người đã chết.
Trong trường hợp đứa bé được sinh ra và còn sống, thì bên cạnh nghĩa vụ bồi thường như trên, gia đình của ông H. còn có nghĩa vụ cấp dưỡng cho đứa bé. Người giám hộ hoặc người đại diện của nữ sinh có thể tiến hành các thủ tục gửi đến Tòa án theo quy định khoản 2, Điều 101, Luật Hôn nhân và gia đình 2014 để xác định cha, con theo quy định tại khoản 1, Điều 90, Luật Hôn nhân và gia đình 2014 quy định con có quyền nhận cha, mẹ của mình, kể cả trong trường hợp cha, mẹ đã chết và được tòa án ra quyết định xác định đứa bé là con ruột của ông H.
Theo quy định tại Điều 107 Luật Hôn nhân và gia đình 2014: Nghĩa vụ cấp dưỡng được thực hiện giữa cha, mẹ và con; giữa anh, chị, em với nhau; giữa ông bà nội, ông bà ngoại và cháu; giữa cô, dì, chú, cậu, bác ruột và cháu ruột; giữa vợ và chồng theo quy định của Luật này.
Như vậy, trong trường hợp này người cha của đứa bé chết, mẹ không có khả năng lao động thì sẽ phát sinh trách nhiệm cấp dưỡng giữa anh chị em và ông bà với đứa bé.
Tác giả: Khả Vân
Nguồn tin: Báo Dân trí