Hiện nay, toàn tỉnh Nghệ An có 2 hệ thông thuỷ nông lớn (hệ thống thuỷ nông Bắc và hệ thống thuỷ nông Nam). Có hơn 625 hồ chứa, 427 đập dâng, 701 trạm bơm điện, 15 tuyến tiêu lớn, hàng trăm cống tưới, tiêu lớn nhỏ. Trong đó có các hồ chứa có dung tích vừa và lớn như hồ Vực mấu, Sông Sào, Vệ Vừng, Khe Đá... Các công đầu mối tưới, tiêu lớn: Mụ Bà, Diễn Thành, Diễn Thuỷ, Nam Đàn, Bến Thuỷ, Nghi Quang; hơn 6.000 km kênh mương.
Đập Hố Môn (xã Thịnh Thành, huyện Yên Thành) bị xuống cấp |
Hàng năm các công trình thủy lợi đã cấp nước tưới cho hơn 250 nghìn ha, giải quyết tiêu cho 52.000 ha, cung cấp nước cho các ngành kinh tế và sinh hoạt của nhân dân góp phần quan trọng vào sự nghiệp phát triển kinh tế- xã hội của tỉnh.
Được biết, số hồ có dung tích trữ từ 10 triệu m3 trở lên gồm 6 hồ (Vực Mấu, Vệ Vừng, Khe Đá, Sông Sào, Xuân Dương và Bàu Gia); Số hồ có dung tích trữ từ 5 đến dưới 10 triệu m3 là 6 hồ; Số hồ có dung tích trữ từ 1 đến dưới 5 triệu m3 là 48 hồ; Hồ có dung tích trữ từ 0.2 đến dưới 1 triệu m3 là 207 hồ và hồ dung tích trữ dưới 0.2 triệu m3 là 358 hồ.
Nhiều hộ dân ở sát đập Chăm Bảy (xã Tiền Phong, huyện Quế Phong) có nguy cơ bị ngập nước khi lũ lên |
Hiện, có nhiều đập không an toàn, mất nguy cơ an toàn. Đập đất không đủ mặt cắt theo tiêu chuẩn, chất lượng thi công đập kém là nguyên nhân gây ra thấm mạnh hoặc sủi nước trong phạm vị thân đập; Rò thấm hai bên vai đập; Hình thành tổ mối trong thân đập gây sạt lở; Sạt, trượt mái đập, xói lở mái đập, nứt nẻ trong thân đập; Đập thấp không đảm bảo chiều cao an toàn.
Hiện, các hồ có dung tích trữ 10 triệu m3 trở lên có thể đảm bảo an toàn ở mức tần suất 0.5 - 1.0%; Các hồ có dung tích trữ trên 1 đến 10 triệu m3 trở lên có thể đảm bảo an toàn ở mức tần suất 1.0 - 2.0 %; Các hồ nhỏ dưới 1 triệu m3 chỉ đảm bảo ở mức tần suất lũ 5 - 10% và một số hồ còn thấp hơn nữa (chủ yếu do nhân dân xây dựng và quản lý). Gặp mưa lũ lớn có thể nước tràn qua mặt đập làm vỡ đập.
Đang cải tạo, nâng cấp đập Vũng Trắng (xã Nghi Văn, huyện Nghi Lộc) |
Theo Chi cục Thủy lợi Nghệ An, hiện nay mới chỉ có Hồ Vực Mẫu đáp ứng được theo tiêu chí của WB về tần suất lũ kiểm tra 0.01% (nhưng cống lấy nước hồ Vực Mấu chưa được sửa chữa). Tất cả các hồ còn lại không đáp ứng.
Theo số liệu báo cáo tại Hội nghị quản lý an toàn hồ chứa thủy lợi và tình hình thực hiện dự án sửa chữa nâng cao an toàn đập, diễn ra ngày 14/6 tại Nghệ An, tính đến thời điểm này, toàn tỉnh Nghệ An mới sửa chữa được 107 hồ chứa. Số hồ chứa còn lại trên 500 hồ là hồ vừa và nhỏ, có nhiều nguy cơ xảy ra sự cố khi mùa mưa bão xảy ra. Mặc dù tỉnh có nhiều giải pháp nâng cấp sửa chữa nhưng do kinh phí hạn chế nên công tác khắc phục sửa chữa hồ chứa còn nhiều khó khăn.
Trước mùa mưa bão, UBND tỉnh Nghệ An đã chỉ đạo các biện pháp bảo đảm an toàn và xử lý sự cô công trình thủy lợi; Thực hiện quy trình vận hành hệ thống công trình thủy lợi. Đôn đốc các địa phương, đơn vị thực hiện nghiêm túc công tác kiểm tra công trình trước mùa mưa lũ, đánh giá hiện trạng công trình thủy lợi trên địa bàn, nhất là các hồ chứa, các đầu mối tưới, tiêu lớn.... kiểm tra các bộ phận xung yếu của công trình như tràn xả lũ, công dưới đập, cửa van, máy đóng mở, xích cáp, thấm lậu, tổ mối của đập đất, rò nước qua mang cống... và các công trình mới được sửa chữa hoặc xây dựng mới chưa qua thử thách trong bão lụt.
Xây dựng cơ chế phối hợp cụ thể giữa chính quyền địa phương với từng chủ hồ chứa thủy lợi, thủy điện, quy định rõ trách nhiệm trong thông tin, vận hành, giám sát điều tiết, xả lũ phù hợp với các quy định pháp luật về quy trình vận hành, đảm bảo thông tin xả lũ kịp thời tới người dân. Kiên quyết xử lý đối với các chủ hồ chứa nước, các cá nhân vi phạm các quy định về quản lý an toàn đập, quy trình vận hành xả lũ dẫn tới thiệt hại về người và tài sản của nhân dân và nhà nước.
Việc giám sát công tác vận hành, điều tiết, xả lũ các hồ đập thủy lợi, thủy điện phù hợp là rất cần thiết |
Tổ chức kiểm tra, đánh giá chất lượng hồ chứa, công trình giao thông, thông tin liên lạc, hành lang thoát lũ... xác định trọng điểm, xây dựng phương án bảo vệ trọng điểm trước mùa mưa lũ. Có biện pháp xử lý các công trình gây cản trở thoát lũ.
Đôn đốc kiểm tra các địa phương, đơn vị tập trung tu sửa các hạng mục công trình ách yếu trước mùa mưa bão. Tăng cường công tác dự báo, cảnh báo và công tác truyền thông cho toàn dân hiểu được tình hình bất thường của thời tiết để chủ động ứng phó và có kế hoạch sản xuất phù hợp; Tăng cường chỉ đạo, kiểm tra để thực hiên tốt phương châm “bốn tại chỗ.
Được biết, Chi cục Thủy lợi tỉnh Nghệ An cũng đã kiến nghị việc bố trí hỗ trợ nguồn vốn đề sửa chữa, nâng cấp các hồ chứa xung yếu dự kiến từ năm 2018 đến năm 2020 cho 57 hồ chứa với tông kinh phí 537 tỷ đồng, gồm nhóm ưu tiên 1 có 07 công trình với tổng kinh phí là 107 tỷ đồng; Nhóm ưu tiên 2 gồm 50 công trình với tổng kinh phí là 430 tỷ đồng.
Theo báo cáo của Bộ NN và PTNT, đến thời điểm này, cả nước đã đầu tư xây dựng được 6.648 hồ chứa thủy lợi, trong đó có 702 hồ chứa lớn. Tuy nhiên, phần lớn các đập tạo hồ chứa thủy lợi đều là đập đất, xây dựng từ những năm 70-80 của thế kỷ trước. Do hạn chế về kỹ thuật và vốn đầu tư, tuổi đời đã quá lâu nên đã xảy ra hoặc tiềm ẩn nguy cơ xảy ra sự cố. Hiện cả nước có khoảng 1.200 hồ chứa bị hư hỏng xuống cấp. |
Tác giả: Đình Tiệp
Nguồn tin: Báo Tài nguyên & Môi trường