Trong tỉnh

Nghệ An: Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ số trong cuộc sống

Công nghệ số hay còn gọi là chuyển đổi số – là một quá trình thay đổi từ phương thức thủ công truyền thống sang áp dụng công nghệ với các trụ cột là big data, internet kết nối vạn vật, điện toán đám mây… Chuyển đổi số hiện đang là xu hướng tất yếu, là vấn đề sống còn đối với các quốc gia, tổ chức, doanh nghiệp và người tiêu dùng trên toàn thế giới. Chuyển đổi số chính là cách đi trong chặng đường phát triển thời Cách mạng công nghiệp 4.0 và là cơ hội vô giá để phát triển đất nước. Nghệ An là địa phương đã kịp thời ứng dụng công nghệ số và đạt nhiều kết quả tích cực.

Tại Nghệ An, thời gian qua, chuyển đổi số luôn được các sở, ban, ngành xác định là nhiệm vụ quan trọng, thường xuyên, liên tục; cả hệ thống chính trị vào cuộc đồng bộ, quyết tâm cao; triển khai thực hiện kiên trì, thực chất, hiệu quả, không dàn trải; qua đó nâng cao nhận thức, tạo sức lan toả trong Nhân dân. Ngày 05/08/2022, Tỉnh ủy Nghệ An đã ban hành Nghị quyết số 09-NQ/TU của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh về chuyển đổi số tỉnh Nghệ An đến năm 2025, định hướng đến năm 2030. Ngày 22/8/2022, UBND tỉnh Nghệ An ban hành Kế hoạch số 586/KH-UBND về chuyển đổi số tỉnh Nghệ An đến năm 2025. Sau 02 năm thực hiện Nghị quyết số 09 Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh và Kế hoạch số 586 của UBND tỉnh, kết quả đạt được trong công tác chuyển đổi số trên địa bàn toàn tỉnh có nhiều chuyển biến tích cực, đáng ghi nhận. Qua đó, UBND tỉnh đã kịp thời chỉ đạo giải quyết nhiều vấn đề phát sinh, tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc để triển khai công tác chuyển đổi số. Các sở, ban, ngành, UBND cấp huyện cũng đã chủ động, kịp thời xây dựng kế hoạch chuyển đổi số của ngành, địa phương mình.

Các sở, ban, ngành và các địa phương phải luôn xác định chuyển đổi số là nhiệm vụ quan trọng, trọng tâm, thường xuyên, liên tục, thực chất, hiệu quả, không dàn trải

Đến nay, các nền tảng số, phần mềm dùng chung của tỉnh đều được triển khai trên các nền tảng điện toán đám mây bảo đảm vận hành hiệu quả, an toàn thông tin. Các hạ tầng cơ bản, kho dữ liệu, nền tảng tích hợp chia sẻ dữ liệu… đang được quan tâm và từng bước triển khai. Tỉnh đã hoàn thành việc hợp nhất cổng dịch vụ công và hệ thống một cửa điện tử của tỉnh thành hệ thống giải quyết thủ tục hành chính và đưa vào vận hành Hệ thống thu thập, thẩm định và chia sẻ dữ liệu.

Về chính quyền số, hiện nay UBND tỉnh đã ban hành danh mục cơ sở dữ liệu dùng chung tỉnh Nghệ An; hoàn thành việc xây dựng “Quy chế quản lý, kết nối và chia sẻ dữ liệu số của các cơ quan nhà nước tỉnh Nghệ An” và số hóa, xây dựng cơ sở dữ liệu, hệ thống thông tin dùng chung, hệ thống thông tin do bộ, ngành triển khai. Các ngành, lĩnh vực đều tích cực triển khai hiệu quả các nền tảng, phần mềm dùng chung của các Bộ, ngành Trung ương liên thông đến cấp xã như: Công an, Y tế, Giáo dục và Đào tạo, Tài chính, Tư pháp, Lao động - Thương binh và Xã hội, Tài nguyên và Môi trường… Các doanh nghiệp và người dân đã quan tâm, hưởng ứng các hoạt động chuyển đổi số như: Sử dụng dịch vụ công trực tuyến, thanh toán không dùng tiền mặt, ứng dụng các nền tảng số. Hiện, đã triển khai Internet 5G tại thành phố Vinh; phấn đấu trước năm 2025, 100% thôn, bản được phủ sóng thông tin di động. Các cấp, các ngành đã tập trung triển khai nhiều hoạt động đào tạo, bồi dưỡng, tập huấn nhằm nâng cao kỹ năng chuyển đổi số cho cán bộ công chức, doanh nghiệp và người dân. Một số cơ quan, địa phương có kết quả chuyển đổi số tốt, đóng góp vào kết quả chung của tỉnh.

Công an Nghệ An triển khai có hiệu quả nhiều mô hình hay, những cách làm sáng tạo, những sáng kiến mang tính đột phá trong triển khai thực hiện Đề án 06, thúc đẩy chuyển đổi số sâu rộng, hiệu quả

Tuy nhiên, với đặc thù là tỉnh có diện tích rộng, dân số đông, điều kiện kinh tế - xã hội còn nhiều khó khăn nên việc phát triển hạ tầng số, cơ sở vật chất phục vụ ứng dụng công nghệ thông tin/chuyển đổi số một số nơi trên địa bàn còn gặp nhiều khó khăn. Vì vậy, trong thời gian tới, các sở, ban, ngành, địa phương tiếp tục xác định chuyển đổi số là nhiệm vụ quan trọng, trọng tâm, thường xuyên, liên tục và yêu cầu sự vào cuộc đồng bộ, quyết tâm cao của cả hệ thống chính trị; triển khai thực hiện kiên trì, thực chất, hiệu quả, không dàn trải. UBND tỉnh vừa ban hành Công văn số 6907/UBND-TH ngày 15/8/2024 về việc thúc đẩy hoạt động của Tổ công nghệ số cộng đồng trên toàn tỉnh. Hoạt động nhằm nâng cao năng lực quản lý Nhà nước và thực thi pháp luật về chuyển đổi số từ Trung ương đến địa phương.

Về thể chế số, tiếp tục bám sát các văn bản, chủ trương của Trung ương và của tỉnh, đặc biệt là Nghị quyết số 09 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh, Kế hoạch số 586 của UBND tỉnh để tiếp tục thực hiện bằng nhiều hình thức, có nhiều hình thức tuyên truyền, nâng cao nhận thức trước hết trong hệ thống chính trị, lan toả đến người dân về yêu cầu, nhiệm vụ, ý nghĩa, hiệu quả của công tác chuyển đổi số.

Về chính quyền số, từng bước số hóa tài liệu, hồ sơ, các quy trình nghiệp vụ; chứng thực hồ sơ điện tử, phát triển các hệ thống cơ sở dữ liệu số dùng chung phục vụ quản lý nhà nước và cung cấp dịch vụ công trực tuyến toàn trình. Ưu tiên tập trung chỉ đạo các ngành, lĩnh vực quan trọng, có đóng góp lớn cho phát triển kinh tế - xã hội nói chung và tăng trưởng kinh tế nói riêng như: Công thương, Nông nghiệp, Du lịch, Thông tin và Truyền thông.

Về hạ tầng số, đẩy mạnh phát triển hạ tầng số, đặc biệt là ở các huyện miền núi, vùng sâu, vùng xa. Về phát triển nhân lực chuyển đổi số, tiếp tục tập trung rà soát, bổ sung nhiệm vụ đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao nhận thức, kỹ năng, năng lực chuyển đổi số.

Về kinh tế số, xã hội số, thúc đẩy các hoạt động thanh toán không dùng tiền mặt; thúc đẩy sự tham gia của các doanh nghiệp vào hoạt động kinh tế số, từng bước hình thành xã hội số.

Về an toàn thông tin mạng, cần rà soát, kiện toàn các quy chế, quy trình về quản lý, bảo đảm an toàn thông tin mạng tại các cơ quan, đơn vị; tổ chức đánh giá và thực hiện các biện pháp bảo đảm an toàn, an ninh mạng theo mô hình 4 lớp.

Bộ Công an xác định năm 2024 là năm chuyển đổi số của lực lượng Công an nhân dân. Để xứng đáng hơn với danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân và là đơn vị 8 năm liên tục dẫn đầu ngành Công an về chỉ số cải cách hành chính, Công an tỉnh Nghệ An sẽ tiếp tục phát huy hơn nữa những kết quả đã đạt được, tham mưu đề xuất và triển khai có hiệu quả nhiều mô hình hay, những cách làm sáng tạo, những sáng kiến mang tính đột phá trong triển khai thực hiện Đề án 06 với phương châm “không nói không, không nói khó, chỉ bàn làm, không bàn lùi, tập trung xử lý dứt điểm các điểm nghẽn”, để Đề án ngày càng phát huy hiệu quả, đi vào thực tế đời sống của nhân dân, phục vụ nhu cầu thiết thực của người dân trong giải quyết thủ tục hành chính, góp phần thúc đẩy sự phát triển kinh tế – xã hội của địa phương…

Tác giả: Phạm Thủy

Nguồn tin: congan.nghean.gov.vn

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP