Thế giới

Nga-Mỹ đấu khẩu sau lệnh ngừng bắn 30 ngày ở Syria

Sau nhiều ngày đàm phán bí mật trong căng thẳng, Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc (HĐBA LHQ) nhất trí thông qua nghị quyết yêu cầu ngừng bắn 30 ngày ở Syria. Tuy nhiên, Mỹ và Nga không tìm được tiếng nói chung.

Theo RT, đại sứ Nga tại LHQ, ông Vassily Nebenzia nói rằng: “Thật ngây thơ khi nghĩ rằng các vấn đề nội bộ Syria có thể được giải quyết bằng một nghị quyết”. Ông Nebenzia thêm rằng Moscow đã “ủng hộ các mục đích” đằng sau nghị quyết này, song không có lệnh ngừng bắn nào có thể đạt được nếu không có sự nhất trí từ các bên tham chiến.

Đại sứ Nga chỉ trích “tham vọng chiếm đóng” của liên quân quốc tế chống khủng bố do Mỹ dẫn đầu. Theo ông Nebenzia, các nhóm vũ trang do nước ngoài hậu thuẫn phải chịu trách nhiệm cho khủng hoảng nhân đạo ở Syria mà nghị quyết có nêu.

Bệnh viện Arbin tan hoang sau trận không kích của chính phủ Syria ở Đông Ghouta hôm 21-2. Ảnh: GETTY

Ông cũng nhắc lại những cáo buộc trước đó rằng phương Tây đang tiến hành “chiến dịch tuyên truyền” chống lực lượng chính phủ Syria ở Đông Ghouta, ngoại ô Damascus. Nơi đây, bị lực lượng chính phủ Syria bao vây, chứng kiến trận chiến ác liệt diễn ra tuần qua.

Ông Nebenzia còn kêu gọi thế giới chú ý tới vấn đề nhân đạo ở các điểm nóng khác trên khắp Syria.

Trong khi đó, trong một bài phát biểu đối lập, đại sứ Mỹ tại LHQ, bà Nikky Haley chỉ trích Nga “cản trở việc bỏ phiếu” cho nghị quyết ngừng bắn của LHQ. Nghị quyết này được đệ trình hôm 20-2 và yêu cầu thực thi ngay lập tức.

“Người dân Syria không nên phải chờ chết khi chờ Nga ra chỉ đạo, hướng dẫn hay thảo luận với người Syria” – bà Haley nói.

Đặc phái viên Mỹ thêm rằng Washington “hết sức hoài nghi việc chính phủ ông Assad sẽ tuân thủ lệnh ngừng bắn” và chỉ ra rằng “sự tín nhiệm dành cho HĐBA LHQ đang bị đe dọa”.

LHQ ước tính, gần 400.000 người còn mắc kẹt ở Đông Ghouta. Đông Ghouta gồm cả khu vực thành thị và nông thôn, được chỉ định là vùng giảm căng thẳng mà Nga, Thổ Nhĩ Kỳ và Iran đã nhất trí tại đàm phán Astana năm ngoái.

Theo đó, người dân khu vực có thể tự do rời khỏi lãnh thổ và được hỗ trợ nhân đạo. Tuy nhiên, các nhóm Hồi giáo cực đoan đang kiểm soát khu vực như Jaysh al-Islam, Ahrar al-Sham và Faylaq al-Rahman (thuộc Quân đội Syria Tự do (FSA)) không chịu buôn vũ khí, vì thế xung đột lần nữa diễn ra cao trào không có điểm dừng.

Tác giả: NGỌC NHƯ

Nguồn tin: Báo Pháp luật TPHCM

  Từ khóa: Nga-Mỹ ,Syria

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP