Vừa qua, Ngô Hoàng Anh (22 tuổi) trở thành người trẻ nhất xuất hiện trong danh sách Forbes Under 30 năm 2022, vinh danh những cá nhân dưới 30 tuổi nổi bật của Việt Nam. Nhanh chóng, thông tin người này từng có hành vi quấy rối, gạ tình một số nữ sinh cũng được lan truyền trên mạng xã hội.
Cụ thể, Kim Anh (đã đổi tên) và khoảng 10 cô gái là học sinh/cựu học sinh trường Phổ thông Năng khiếu hoặc THPT Lương Thế Vinh (TP.HCM) tố cáo Ngô Hoàng Anh thường xuyên nhắn tin cho mình với từ ngữ khiếm nhã, nhạy cảm vào năm 2018. Thời điểm bị quấy rối, họ trong độ tuổi 15-19.
Chia sẻ với Zing, Kim Anh cho biết vào tháng 2/2020, cô đã công khai các tin nhắn, đồng thời gửi email cho Đại học École Polytechnique (Pháp), nơi Ngô Hoàng Anh theo học, về sự việc. Trường Phổ thông Năng khiếu, nơi cô và Ngô Hoàng Anh là cựu học sinh, cũng đã nắm được thông tin. Tuy nhiên thời điểm đó, sự việc được cho vẫn không nhận được sự xử lý thỏa đáng.
Tương tự Kim Anh và các nạn nhân, nhiều cô gái từng rơi vào tình huống bị quấy rối, gạ gẫm ngay cả ở trong môi trường học đường. Song, không phải ai cũng đủ kiến thức, lý trí để tìm được cách xử lý cũng như kêu gọi sự trợ giúp từ người khác.
Ngô Hoàng Anh bị nhiều nữ sinh tố có hành vi quấy rối tình dục bằng tin nhắn. |
Quấy rối trong môi trường học đường
Đầu tháng 2, 3 cựu sinh viên khoa Nhân chủng học của Đại học Harvard đã đâm đơn kiện trường này vì đã không bảo vệ sinh viên khỏi lạm dụng tình dục cũng như lời đe dọa của một giáo sư, CNBC đưa tin.
Các nguyên đơn là Margaret Czerwienski, Lilia Kilburn và Amulya Mandava cáo buộc rằng John Comaroff, giáo sư nghiên cứu về người Phi, người Mỹ gốc Phi và nhân chủng học, “đã sờ mó, hôn sinh viên mà không có sự đồng thuận, đồng thời đe dọa hủy hoại sự nghiệp của sinh viên nếu họ báo cáo sự việc”.
Các cáo buộc về hành vi quấy rối của ông Comaroff lần đầu tiên được công khai vào tháng 5/2020. Đơn kiện mới đây cho rằng Đại học Harvard đã ngó lơ cáo buộc và “thể hiện một chính sách thờ ơ của thể chế: Một hệ thống được thiết kế để bảo vệ danh tiếng của trường và đội ngũ giảng viên duy trì danh tiếng đó bằng cái giá mà sinh viên phải trả".
“Cách xử lý của Harvard đã cho thấy một thông điệp rất rõ ràng: Sinh viên nên im lặng. Đó là cái giá phải trả để nhận lấy bằng cấp”, Russell Kornblith của Sanford Heisler Sharp, công ty luật dành cho phụ nữ, cho biết.
Margaret Czerwienski, Lilia Kilburn và Amulya Mandava kiện Đại học Havard vì không xử lý báo cáo quấy rối nhằm vào giáo sư của trường. Ảnh: New York Times. |
Harvard từ chối bình luận về vụ kiện, nhưng cung cấp bản sao của một bức thư từ Claudine Gay, Trưởng khoa Khoa học và Nghệ thuật, nói rằng ông Comaroff đã bị cho thôi việc vào đầu năm 2022.
Quyết định được đưa ra sau khi các điều tra viên của trường phát hiện ra ông Comaroff đã có hành vi vi phạm chính sách chống quấy rối tình dục, phân biệt giới tính cũng như đạo đức nghề nghiệp của nhà trường.
Theo đánh giá của Văn phòng Tiêu chuẩn Giáo dục (Ofsted), cơ quan chịu trách nhiệm thanh tra các trường học ở Anh, quấy rối, lạm dụng tình dục trực tuyến và chia sẻ ảnh khỏa thân đang bị "bình thường hóa" trong môi trường học đường.
90% trẻ em gái và 50% trẻ em trai nói rằng việc bị gửi những bức ảnh hoặc video khiêu dâm không mong muốn đã xảy ra "thường xuyên" hoặc "đôi khi". Hơn 900 học sinh từ 32 ngôi trường trên khắp nước Anh nói rằng quấy rối tình dục xảy ra thường xuyên đến mức trở thành "chuyện thường".
Nhiều học sinh không dám đứng ra tố cáo khi bị quấy rối ở trường. Ảnh: The True Net. |
Amanda Spielman, người đứng đầu Ofsted, nói: "Thật đáng báo động khi nhiều trẻ em và thanh niên, đặc biệt là trẻ em gái, cảm thấy họ phải chấp nhận quấy rối tình dục như một phần của quá trình trưởng thành. Cho dù ở trường học hay trong cuộc sống xã hội, nhiều người chỉ đơn giản cảm thấy hành vi quấy rối không đáng để báo cáo”.
Việc “bình thường hóa” hành vi quấy rối được cho bắt nguồn từ thái độ thờ ơ của chính các trường học. “Trường học có vai trò then chốt. Học sinh đáng ra phải được học giới tính, tình dục, sức khỏe sinh sản, được trang bị thông tin, kiến thức cần thiết”.
Nan Stein, nhà khoa học tại Trung tâm Nghiên cứu về Phụ nữ thuộc Đại học Wellesley, người chuyên nghiên cứu về bạo lực giới, thanh thiếu niên, quấy rối tình dục, nói: “Nhiều ngôi trường thường bỏ qua quyền của học sinh, nhóm yếu thế nhất. Việc học sinh cảm thấy nhà trường không thay mặt và không xem xét khiếu nại của họ là một thực trạng phổ biến”.
Nói không, bỏ đi và kể lại
Trao đổi với Zing, Thạc sĩ Nguyễn Phương Linh, Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý phát triển bền vững (MSD), cho rằng khi bị quấy rối tình dục, các nữ sinh cần nhớ rõ các nguyên tắc xử lý để đảm bảo xác định đúng tính chất vấn đề và an toàn cho bản thân.
"Thứ nhất, nếu với những lời gạ gẫm, tán tỉnh hay hành vi hàm chứa tình dục khiến các em khó chịu hay cảm thấy bất an, đó chính xác là hành vi quấy rối chứ không bị nhầm lẫn, ngụy tạo bởi những lý do nào khác, ví dụ như hành vi thể hiện sự ngưỡng mộ hay tình yêu.
Thứ hai, khi nhận được những lời nói, hành vi như vậy, các em đang là nạn nhân của quấy rối tình dục, và các em không có lỗi. Đừng tự đổ lỗi cho mình, không có lý do hay bất kỳ ngụy biện nào khiến em 'đáng' bị đối xử như vậy. Và cũng đừng để kẻ quấy rối cho rằng em 'đáng' hay 'được' quấy rối, hoặc giả định 'em muốn bị quấy rối'", bà nhận định.
Thạc sĩ Nguyễn Phương Linh nhận định các nữ sinh cần nhớ rõ các nguyên tắc xử lý để đảm bảo xác định đúng tính chất vấn đề và an toàn cho bản thân. Ảnh: NVCC. |
Bà Linh nhấn mạnh 3 nguyên tắc các bạn trẻ cần nhớ khi bị quấy rối đó là nói "không", bỏ đi và kể lại.
Theo đó, nữ sinh khi bị quấy rối, dù dưới bất kỳ hình thức nào, cần lên tiếng phản đối hành vi đó. Điều này khẳng định rằng, các em đang nhận định đây là hành vi quấy rối tình dục và dứt khoát mong muốn hành vi này cần phải dừng lại và chấm dứt.
Nếu như đối tượng quấy rối dừng lại thì các hoạt động tiếp theo chỉ đơn giản là nhắc nhở và không mong muốn tái diễn lần nữa.
"Tuy nhiên nếu như tình trạng này tiếp tục diễn ra, hãy cảnh báo họ rằng bạn sẽ thông báo cho thầy cô và gia đình. Sau khi tỏ thái độ không đồng ý với đối phương, bạn nên bỏ đi khỏi hiện trường để không tiếp tục nhận được những hành vi đó nữa, đồng thời không cho đối phương cơ hội quấy rối bạn ở thời điểm đó.
Sau đó, hãy kể lại với người thân, bạn bè, thầy cô hoặc người lớn mà bạn tin tưởng để được giúp đỡ, và cũng để mọi người biết được về hành vi đó để có thể đối phó", bà khuyên.
Cũng theo bà Linh, trong các trường hợp quấy rối tình dục, điều quan trọng cần làm là lưu trữ bằng chứng, ví dụ như các tin nhắn. Đây sẽ là bằng chứng hỗ trợ trong quá trình xác minh và xử lý vi phạm. Hãy chụp lại màn hình hoặc quay màn hình để đảm bảo rằng các tin nhắn quấy rối không bị mất đi hay không đọc được do bị thu hồi.
Ngoài ra, cần chú ý rằng, sự an toàn của các em có thể bị đe dọa nếu như cá nhân có hành vi quấy rối kia đe dọa dùng vũ lực hay uy hiếp tới tính mạng của các em. Trong trường hợp này các em và gia đình cần thông báo cho cơ quan chức năng có thẩm quyền để đảm bảo an toàn cho bản thân.
"Tuy nhiên, trên thực tế các tin nhắn quấy rối, gạ gẫm thường xuất hiện trong các bối cảnh khác nhau, ví dụ như tin nhắn yêu đương, thể hiện tình cảm… và các em ít khi dám công khai các tin nhắn này vì lo lắng bị đánh giá bản thân. Lúc này, các nguyên tắc đảm bảo an toàn thông tin và bảo mật thông tin cần được thiết lập giữa gia đình - nhà trường và các đơn vị chức năng có liên quan (nếu có)", bà lưu ý.
Vai trò của gia đình, nhà trường, xã hội
Thạc sĩ Nguyễn Phương Linh nhận định vẫn còn các khoảng trống về chính sách, quy định, thực hành tại nhà trường khiến học sinh, đặc biệt là nữ sinh dễ trở thành nạn nhân của quấy rối.
Ngoài các nguyên nhân chung về nhận thức của chính các em học sinh, nhận thức của thầy cô giáo, nhà trường về vấn đề quấy rối tình dục học đường, đặc biệt về cách nhận diện, phòng tránh, xử lý đều hạn chế. Trường học cũng thiếu các quy định hay thực hành xây dựng trường học, giảng đường an toàn, nói không với quấy rối, bạo lực tình dục.
Vai trò của gia đình, nhà trường và xã hội rất quan trọng trong việc ngăn chặn nạn quấy rối tình dục. Ảnh: Getty Images. |
Chính vì vậy, việc phòng ngừa, nâng cao nhận thức và hành động để chấm dứt hành vi quấy rối tình dục, chống tội phạm xâm hại tình dục trong môi trường học đường là rất quan trọng. Bà Linh gợi ý một số giải pháp căn bản:
Đối với trẻ em/học sinh/sinh viên: Nâng cao nhận thức của các em để tự bảo vệ bản thân khỏi quấy rối, bạo lực xâm hại tình dục, sẵn sàng lên tiếng để chấm dứt các hành vi trên, tuyệt đối không tham gia quấy rối, xâm hại tình dục; biết kêu gọi sự hỗ trợ khi cần thiết.
Đối với nhà trường: Ban giám hiệu nhà trường cần xây dựng các chương trình, kế hoạch giáo dục về kỹ năng sống, kỹ năng an toàn cho học sinh, phát triển các chương trình xây dựng văn hóa về Trường học an toàn/Giảng đường an toàn nói không với xâm hại, quấy rối tình dục.
Bên cạnh đó, cần tập huấn kiến thức cho các thầy cô và những cán bộ trong trường để nhận diện hành vi quấy rối, cũng như có thể kịp thời quan sát, phát hiện và hỗ trợ các em có biểu hiện, có nguy cơ hoặc là nạn nhân của quấy rối, xâm hại tình dục trong nhà trường. Không thờ ơ trước những biểu hiện hay hành vi quấy rối, và theo đuổi đến cùng để hỗ trợ các nạn nhân, liên hệ và kêu gọi sự hỗ trợ của các cơ quan chức năng khi cần thiết.
Một số đường dây, đơn vị hỗ trợ nạn nhân bị quấy rối, xâm hại tình dục: Đối với trẻ em dưới 18 tuổi: Tổng đài quốc gia bảo vệ trẻ em – đường dây nóng miễn phí 111 Ngôi nhà Bình Yên (Hội Liên Hiệp Phụ nữ Việt Nam): Tổng đài 1900 9696 80 Tổ chức Hagar Quốc tế tại Việt Nam: Hotline (24/7) 0943 111 967 Trung tâm Nghiên cứu và Ứng dụng Khoa học về Giới - Gia đình - Phụ nữ và Vị thành niên (CSAGA) - Yêu thương và tự do: Hotline: 0941 409 119 Ngôi nhà Ánh Dương: Tổng đài tư vấn miễn phí: 1800 1769 Đường dây nóng Bộ Công An 113 Sở lao động thương binh và xã hội và các Trung tâm công tác xã hội các tỉnh thành |
Tác giả: Lê An - Mai Vy
Nguồn tin: zingnews.vn