Vụ chìm phà Sewol tại Hàn Quốc tháng 4/2014 đã để lại những ký ức đau buồn cho thân nhân của hơn 300 người thiệt mạng. Họ vẫn đang phải vật lộn để vượt qua nỗi ám ảnh không nguôi.
Bà Lee Geun Hee lặng lẽ đứng nhìn về địa điểm trục vớt phà Sewol từ cách xa một cây số. Bà Lee là mẹ em Cho Eun Hwa, học sinh trường trung học Danwon, người có mặt trên chuyến phà định mệnh ngày 16/4/2014. Thi thể Eun Hwa vẫn chưa được tìm thấy.
"Tôi chỉ là một người mẹ nhớ mong con. Xin hãy cầu nguyện để chúng tôi có thể về nhà cùng Eun Hwa", bà Lee nói trong nước mắt. "Nhìn những gì đang diễn ra ngoài kia, điều duy nhất tôi mong muốn là đưa con tôi về nhà".
'Nơi linh hồn con tôi nằm lại'
Theo Guardian, bà Lee là một trong số những người cha, mẹ đã đến ở trong những căn nhà dựng tạm tại Paengmok, cảng gần nhất với hiện trường, kể từ khi khi tai nạn xảy ra.
Bà không yêu cầu được lên hai chiếc sà lan của đội ngũ trục vớt vì bà không muốn cản trở công việc. "Có được tận mắt chứng kiến quá trình trục vớt hay không thực sự không quan trọng. Chúng tôi chẳng thể giúp gì được cả", người mẹ nói với đài KBS.
Hôm 22/3, nhiều người thân của các nạn nhân vụ chìm phà Sewol đã thể hiện sự lo lắng vì họ từng chứng kiến những nỗ lực trục vớt bất thành trước đây.
"Tôi đến đây hôm nay với suy nghĩ rằng tôi có thể được nhìn thấy chiếc phà nơi linh hồn con trai tôi nằm lại", CNN dẫn lời ông Lim Young Jae. Người cha có con trai thiệt mạng trong vụ tai nạn nói ông mong muốn việc trục vớt diễn ra thành công "để sự thật có thể được phơi bày".
Ông Kwon Oh Bok chưa bao giờ gặp lại người em trai từ ngày phà Sewol chìm trên biển tây nam Hàn Quốc. "Thật đau đớn khi nhìn về nơi chiếc phà chìm cả đêm qua. Tôi hy vọng việc trục vớt thành công và chúng tôi có thể đưa em ấy về từ cảng Mokpo", ông Kwon chia sẻ.
Cảng Mokpo, cách hiện trường khoảng 87 km, là địa điểm dự kiến xác phà Sewol được đưa đến nếu trục vớt thành công. Toàn bộ quá trình trục vớt và đưa phà lên tàu nửa nổi nửa chìm để tháo nước, vận chuyển về cảng Mokpo có thể mất 12-13 ngày.
Chờ đợi sự thật được phơi bày
Từ đảo Donggeocha ở gần hiện trường, nhiều gia đình nạn nhân vụ chìm phà Sewol đang theo dõi công tác trục vớt. Họ cắm trại trên đỉnh một ngọn đồi, nơi có thể nhìn toàn cảnh vùng biển cũng như hai sà lan lớn đang làm nhiệm vụ.
"Tim tôi đập liên hồi", người cha Jung Seong Wook nói về quyết định theo dõi trực tiếp vụ trục vớt. "Tôi không biết mình đang nghĩ gì nữa, không thể diễn tả thành lời. Tôi cũng có chút lo sợ nữa".
Ở một góc khác trên đỉnh đồi, một người cha tìm cách theo dõi công tác trục vớt qua ống nhòm. Trong khi đó, ông Jung cho biết khoảng 50 người thân nạn nhân quyết định đi thuyền ra biển theo dõi quá trình.
Những chiếc nơ vàng, biểu tượng của các nạn nhân vụ chìm phà, được treo lên các cây trên ngọn đồi. Màu vàng đã bạc đi theo thời gian.
Vụ chìm phà Sewol, thảm họa hàng hải tồi tệ nhất lịch sử Hàn Quốc, đã cướp đi sinh mạng của 304 người, đa số là học sinh trung học. 9 nạn nhân vẫn chưa được tìm thấy sau 3 năm. Do đó, việc đưa xác phà nguyên vẹn lên bờ trở thành niềm mong mỏi lớn nhất của nhiều gia đình nạn nhân.
Ông Huh Heung Hwan là cha của học sinh Da Yoon. Ông Huh hy vọng tàu vận chuyển xác phà Sewol về đích an toàn để ông có thể tìm thấy thi thể con gái mình.
"Về muộn một ngày cũng không sao cả. Tôi chỉ hy vọng tàu vận chuyển về đến nơi không gặp sự cố gì", ông nói.
Trong khi đó ông Park Yoon Su, người có con gái là một trong 172 người sống sót trong vụ tai nạn, cho biết ông chỉ tin chiếc phà được trục vớt thành công chừng nào tận mắt nhìn thấy.
"Mất rất nhiều thời gian để đưa nó lên bờ", ông Park nói. "Tôi lo lắng rằng nhiều chứng cứ sẽ bị hủy hoại hoặc biến mất và chúng ta sẽ không thể nào biết được sự thật".
Tác giả bài viết: Đông Phong
Nguồn tin: