Nhân ái

Mẹ mất, bố tâm thần bỏ đi, bé gái 12 tuổi chăm bà bệnh nặng bật khóc: "Em sợ bà chết đi, em không biết sống với ai nữa"

Bố tâm thầm bỏ đi biệt tích hàng chục năm. Mẹ lại qua đời vì bệnh nặng. Mới 12 tuổi nhưng Phụng phải bươn chải làm việc để chăm lo cho bà ngoại già yếu và để không phải bỏ học giữa chừng.

Mẹ mất bố cũng bỏ đi biệt tích

Trưa hè nóng bức, em Nguyễn Thị Phụng (12 tuổi, ngụ thôn 6, xã Quỳnh Tân, huyện Quỳnh Lưu, tỉnh Nghệ An) vẫn oằn lưng mang bao tải rảo bước khắp làng trên xóm dưới nhặt phế liệu.

Đảo đôi mắt nhìn xung quanh, khuôn mặt em tỏ ra phấn khởi khi thấy vỏ lon, bìa cứng, chai nhựa bị người ta vứt bỏ hai bên đường, nơi đống rác thải. Đến cuối buổi, Phụng lại trở về nhà chuẩn bị cơm trưa cho hai bà cháu.

Nhìn đống phế liệu vừa nhặt được, Phụng vui vẻ kể: "Sáng nay em nhặt được nhiều, bán đi cũng được khoảng 30 nghìn đồng. Ngoài mua thức ăn, em còn đủ tiền mua cho bà ngoại một hộp sữa tươi. Mấy hôm nay bệnh phổi của bà trở nặng, chẳng ăn uống được gì".

Mới 12 tuổi, Phụng đã mồ côi cả cha lẫn mẹ.

Nghe Phụng nói, bà Hồ Thị Mận (73 tuổi, bà ngoại của Phụng) chỉ biết thở dài nhìn lên bàn thờ của con gái xấu số, thương cho đứa cháu ngoại mồ côi cả cha lẫn mẹ, bơ vơ giữa cõi đời.

"Khi Phụng vừa 8 tháng thì con rể tôi bị tai nạn giao thông, chấn thương đầu nặng rồi phát bệnh tâm thần. Những lúc lên cơn, nó thường la hét, đập phá đồ đạc, đánh cả vợ con. Phụng được hơn 2 tuổi thì con rể bỏ đi biệt tích, đến nay cũng chẳng ai biết nó ở đâu, còn sống hay chết nữa", bà Mận kể.

Từ ngày mẹ mất, Phụng sống thui thủi bên bà ngoại già yếu.

Tìm kiếm, mỏi mòn chờ đợi nhưng tin tức chồng vẫn bặt vô âm tín, chị Nguyễn Thị Đào (mẹ của Phụng) đành gạt nước mắt, ôm con trở về quê hương nhờ mẹ già.

Vì hoàn cảnh khó khăn nên năm Phụng 3 tuổi, người mẹ vào miền Nam làm thuê. Cũng từ đó, Phụng lớn lên trong tình thương yêu, chăm sóc của bà ngoại. Vì điều kiện xa xôi, đặc trưng công việc nên một năm, hai mẹ con Phụng mới được đoàn tụ một vài lần.

Mớ phế liệu Phụng nhặt được hàng ngày, gom lại để bán kiếm tiền trang trải cuộc sống của hai bà cháu.

"Tết vừa rồi mẹ cũng về nhưng trông mẹ tiều tụy lắm. Em hỏi mới biết mẹ mắc bệnh phổi nặng. Ở với em được một thời gian thì mẹ mất. Em khóc thật nhiều, cầu xin thật nhiều nhưng cũng chẳng thể làm mẹ sống lại.

Bố bỏ đi khi em không kịp nhớ rõ mặt bố. Giờ mẹ cũng không còn nữa rồi. Mỗi lần nhớ mẹ em chỉ biết nhìn vào tấm ảnh này và hình dung mẹ vẫn đang ở bên cạnh mà thôi. Nhìn bạn bè có bố mẹ bên cạnh nhiều lúc em tủi thân lắm", cầm tấm ảnh chụp chung của hai mẹ con, Phụng khóc nghẹn.

Dù sức khỏe yếu nhưng bà Mận vẫn cố gắng ra đồng mò cua, bắt ốc cùng cháu ngoại.

Tương lai mịt mù

Bữa cơm trưa của hai bà cháu rất đạm bạc, chỉ một miếng cá nhỏ từ ngày hôm qua Phụng bắt được ngoài đồng, vài miếng khoai lang, bí đao luộc chấm mắm tôm cùng nửa gói mì tôm pha làm canh Phụng nhường cho bà ngoại.

Bữa cơm đạm bạc hàng ngày của hai bà cháu.

Những lúc nhớ mẹ, Phụng chỉ biết ngắm bức ảnh hai mẹ con chụp chung cho vơi nỗi nhớ.

"Bà nay già yếu lắm rồi, mỗi bữa chỉ ăn được nửa bát cơm. Vậy mà thương em, bà vẫn gắng gượng ra đồng mò cua, bắt ốc. Em không biết còn cơ hội ngồi chung mâm cơm với bà thêm bao lâu nữa. Cứ nghĩ đến điều này em lại lo sợ. Em đã mồ côi cha mẹ, chỉ còn bà là người thân duy nhất. Nếu bà đi theo mẹ, em chẳng biết sống thế nào?", Phụng buồn bã.

Phụng là một đứa trẻ chăm chỉ, nhanh nhẹn, mới 12 tuổi nhưng đảm nhận tất cả mọi công việc để giúp bà.

Mới 12 tuổi nhưng hiểu được hoàn cảnh mình, Phụng tỏ ra là một đứa trẻ ngoan, siêng năng và hết mực thương yêu, chăm sóc bà.

Hoàn cảnh của bà cháu Phụng thuộc hộ khó khăn triền miên của xã.

"Ngoài chăm bón một sào ruộng, hàng ngày, Phụng thường ra đồng mò cua bắt ốc, đi nhặt phế liệu bán để trang trải cuộc sống cho hai bà cháu và gom góp để mua sách vở, đóng tiền học cho năm sau. Mẹ tôi già yếu, căn bệnh viêm phổi hành hạ nhưng cũng không có tiền thuốc thang, chữa trị. Tôi là cậu nhưng hoàn cảnh cũng quá khó khăn. Dù thương mẹ, thương cháu nhưng cũng chỉ giúp được một phần nhỏ mà thôi", anh Nguyễn Xuân Thể (cậu ruột của Phụng) phân trần.

Bà Mận đau đớn nghĩ đến tương lai mịt mù của cháu ngoại bất hạnh.

Hết hè năm nay, Phụng sẽ lên lớp 7. Dù hoàn cảnh quá khó khăn, bà ngoại đau yếu nhưng em tự hứa sẽ cố gắng học để thực hiện tốt tâm nguyện của người mẹ trước khi nhắm mắt. Phụng ước học đến lớp 9 rồi đi làm, kiếm tiền phụng dưỡng bà. Thế nhưng, em lo sợ phải bỏ học giữa chừng.

Phụng ước học hết lớp 9 rồi đi làm kiếm tiền phụng dưỡng bà.

Thắp nén nhang lên bàn thờ con gái xấu số, hai dòng nước mắt bà Mận chảy đều trên gò má khô gầy khi nhắc đến tương lai mịt mù của đứa cháu bất hạnh.

"Ở những ngày tháng cuối cuộc đời, tôi chỉ hi vọng sống bên cháu thêm một thời gian nữa. Dù không làm được gì nhưng cũng là chỗ dựa tinh thần cho nó.

Tôi bươn chải cả cuộc đời vẫn chưa hết khổ, giờ thương cháu bà bất lực. Một mai tôi nằm xuống, chỉ mong nó được cộng đồng thương yêu, cưu mang. Có như vậy tôi với mẹ nó mới an lòng", bà Mận khóc nghẹn.

Mọi chia sẻ, giúp đỡ cho em Phụng xin vui lòng gửi về địa chỉ: Bà Hồ Thị Mận, xóm 6, xã Quỳnh Tân, huyện Quỳnh Lưu, tỉnh Nghệ An.

Hoặc STK của bà Hồ Thị Mận: 51510000424824, ngân hàng BIDV, chi nhánh Phủ Diễn. ĐT: 0376.552.759.

Trân trọng cảm ơn!

Tác giả: Nhã Hoàng

Nguồn tin: Báo Dân sinh

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP