Kinh tế

Lộ diện 16 'ông chủ' chính của PGBank, cơ cấu sở hữu rất khác biệt

Bản công bố của PGBank mới đây cho thấy ngân hàng này có cơ cấu cổ phiếu rất cô đặc khi 16 cổ đông và người liên quan nắm giữ tới trên 97% vốn điều lệ.

Mỗi cổ phiếu của PGBank đang được giao dịch ở mức hơn 17.000 đồng - Ảnh: PGB

Ngân hàng TMCP Thịnh vượng và Phát triển (PGBank) mới đây đã công bố danh sách cổ đông sở hữu trên 1% vốn điều lệ của PGBank và người có liên quan.

Một danh sách dài cổ đông cá nhân nắm gần 5% vốn PGBank

Theo danh sách lần đầu tiên được công khai này, PGBank có 16 cổ đông, gồm 3 tổ chức và còn lại là các cá nhân sở hữu từ 1% vốn điều lệ trở lên.

Trong đó, 3 cổ đông tổ chức bao gồm Công ty CP Quốc tế Cường Phát với hơn 56,87 triệu cổ phần, tương ứng tỉ lệ sở hữu 13,54% vốn điều lệ của GPBank.

Tiếp đến là Công ty CP Thương mại Vũ Anh Đức sở hữu hơn 56,11 triệu cổ phần, tương ứng 13,36% vốn. Còn Công ty TNHH Xuất nhập khẩu và Phát triển thương mại Gia Linh nắm hơn 55 triệu cổ phiếu, chiếm 13,099%.

Ngoài 3 cổ đông chiến lược đã nắm 40% vốn điều lệ đã từng xuất hiện tại báo cáo quản trị của PGBank, bản công bố mới nhất này đã thể hiện danh tính 13 cổ đông "gần lớn" với tỉ lệ hầu hết ở mức gần 5%.

Nhiều cổ đông cá nhân nắm giữ gần 5% vốn điều lệ GPBank

Cụ thể, bà Nguyễn Thị Thu Hà nắm 4,944% vốn, bà Đỗ Thị Nụ (4,934%), ông Lê Quang Huy (4,917%), ông Trịnh Bình Long (4,884%), ông Bùi Việt Bảo (4,867%), ông Bùi Chính Hữu (4,861%), ông Trịnh Quang Nghĩa (4,854%), bà Trần Thị Thu Ngà (4,792%), ông Văn Lê Hằng (4,777%), bà Nguyễn Thị Thủy (4,637%), ông Tạ Văn Mạnh (4,536%), bà Vũ Thị An Ninh (3,388%) và ông Đinh Thành Nghiệp (1,025%).

Tổng cộng cả 16 cổ đông và người liên quan sở hữu tới hơn 97% vốn điều lệ của PGBank.

Đáng chú ý, các lãnh đạo cấp cao của nhà băng này như ông Phạm Mạnh Thắng - chủ tịch, hay ông Đào Phong Trúc Đại - phó chủ tịch, đều không có tên trong danh sách nêu trên.

Tương tự, ông Lê Văn Phú hay ông Nguyễn Trọng Chiến - phó tổng giám đốc - cũng không nắm vốn PGBank.

Trước đó, biên bản từ PGBank cũng cho thấy khác biệt với đa số các ngân hàng: một cơ cấu cổ phiếu rất cô đặc khi Đại hội đồng cổ đông năm nay chỉ có 20 cổ đông tham dự, đại diện cho hơn 288,4 triệu cổ phần có quyền biểu quyết, tương ứng với 68,67% tổng số cổ phần có quyền biểu quyết.

Nhiều nhà băng có cơ cấu cổ phiếu khá cô đặc

Theo quy định một cổ đông cá nhân không được sở hữu vượt quá 5% vốn điều lệ của một tổ chức tín dụng. Như danh sách cổ đông nêu trên của GPBank, hầu hết chỉ từ 4,6 - 4,9% vốn điều lệ.

Trước đây, khi nhà đầu tư muốn tìm hiểu về cơ cấu cổ đông của tổ chức niêm yết, bao gồm cả ngân hàng, thường sẽ phải tìm kiếm từ báo cáo thường niên hoặc báo cáo quản trị.

Song các báo cáo này thường chỉ công bố tỉ lệ sở hữu các cổ đông lớn nhất, tỉ lệ sở hữu của các thành viên hội đồng quản trị, ban điều hành và những người có liên quan tới lãnh đạo.

Những cổ đông cá nhân sở hữu dưới 5%, thậm chí 4,99% cũng không bắt buộc phải công khai.

Tuy nhiên theo Luật Các tổ chức tín dụng 2024 sửa đổi có hiệu lực từ ngày 1-7-2024, các ngân hàng phải công bố công khai thông tin cổ đông sở hữu từ 1% vốn điều lệ trở lên.

Tại các ngân hàng, danh sách cổ đông nhiều nơi cũng cho thấy tỉ lệ sở hữu cổ phiếu khá cô đặc.

Như OCB, 17 cá nhân, doanh nghiệp trong nước cũng nắm hơn 60% cổ phần ngân hàng tư nhân này.

Hay như tại VPBank, 13 cổ đông cá nhân và 4 cổ đông tổ chức sở hữu tổng cộng gần 5,1 tỉ cổ phiếu, tương đương 64,2% vốn điều lệ của VPBank.

Một điểm đáng chú ý khác trong Luật Các tổ chức tín dụng sửa đổi là việc giảm giới hạn tỉ lệ sở hữu cho cổ đông là tổ chức (gồm cổ phần cổ đông đó sở hữu gián tiếp) từ 15% xuống 10%; cổ đông và người có liên quan giảm từ 20% còn 15%.

Kể từ 1-7-2024, cổ đông và người có liên quan sở hữu cổ phần vượt trần theo quy định mới vẫn được duy trì nhưng không được phép tăng thêm, trừ trường hợp nhận cổ tức bằng cổ phiếu.

Trong danh sách công khai của một số ngân hàng, gồm cả PGBank, có 3 cổ đông tổ chức đều nắm giữ trên 10% vốn.

Tác giả: Bình Khánh

Nguồn tin: Báo Tuổi trẻ

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP