Tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công tỉnh Nghệ An đạt gần 42%
Theo Sở Kế hoạch và Đầu tư, tính đến ngày 20/7/2024, tổng kế hoạch đầu tư công đã giải ngân 3.800,891 tỷ đồng, đạt 41,88% (cao hơn so với cùng kỳ 36,43%); trong đó, vốn đầu tư công tập trung tỉnh quản lý đã giải ngân 1.850,891 tỷ đồng, đạt 39,99%.
Một số nguồn vốn đạt khá như: Chương trình Mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới (65,64%), vốn nước ngoài (73,74%), nguồn thu xổ số kiến thiết (61,66%).
Có 27 đơn vị chủ đầu tư có tỷ lệ giải ngân đạt trên 50%, bao gồm 11 huyện, thành, thị: Nghi Lộc (51,82%), Thanh Chương (52,1%), Nghĩa Đàn (52,95%), Đô Lương (54,31%), Quỳnh Lưu (57,75%), Nam Đàn (58,81%), Diễn Châu (59,21%), Tân Kỳ (63,81%), Yên Thành (67,11%), Hoàng Mai (67,51%), Vinh (75,62%).
16 đơn vị chủ đầu tư (ngoài huyện), bao gồm: Trường THPT Quỳ Hợp 3 (50,18%), Trường THPT Nghi Lộc 3 (55,72%), Trường THPT Thanh Chương 3 (59,15%), Chi cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng Nghệ An (68,56%), Sở Giáo dục và Đào tạo (69,73%), Huyện ủy Kỳ Sơn (69,74%), Trường THPT Mường Quạ (70,42%).
Công ty TNHH Thủy lợi Tân Kỳ (86,5%), Trường THPT Quỳnh Lưu 3 (88,31%), Trường THPT Đô Lương 3 (88,95%), Trường THPT Diễn Châu 4 (90,08%), Bệnh viện Ung bướu Nghệ An (92,31%), Bệnh viện Đa khoa huyện Yên Thành (100%), Bệnh viện Đa khoa huyện Đô Lương (100%), Đài Phát thanh và Truyền hình Nghệ An (100%), Trường trung học phổ thông Hà Huy Tập (100%).
Ảnh minh họa. Nguồn: IT |
Kỷ luật 20 cán bộ diện Trung ương quản lý và khởi tố mới 190 vụ án tham nhũng
Mới đây, Thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực (Ban Chỉ đạo) đã tổ chức Cuộc họp để thảo luận, cho ý kiến đối với kết quả chỉ đạo xử lý một số vụ án, vụ việc tham nhũng, tiêu cực từ đầu năm đến nay.
Về một số kết quả nổi bật, Thường trực Ban Chỉ đạo đánh giá, từ đầu năm 2024 đến nay, các cơ quan chức năng đã có nhiều nỗ lực, cố gắng, thực hiện nghiêm Kết luận của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Trưởng Ban Chỉ đạo và kết luận Phiên họp thứ 25 của Ban Chỉ đạo; tiến độ điều tra, xử lý các vụ án, vụ việc thuộc diện Ban Chỉ đạo theo dõi, chỉ đạo cơ bản hoàn thành theo kế hoạch của Ban Chỉ đạo, có việc vượt yêu cầu đề ra.
Công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực (PCTNTC) tiếp tục được đẩy mạnh, quyết liệt theo đúng tinh thần chỉ đạo của Tổng Bí thư là: “Không có vùng cấm, không có ngoại lệ”; kết hợp ngày càng chặt chẽ, hiệu quả giữa công tác phòng, chống tham nhũng với phòng, chống tiêu cực; giữa PCTNTC với công tác cán bộ, xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị; vừa xử lý nghiêm hành vi tham nhũng, vừa xử lý nghiêm vi phạm trách nhiệm nêu gương của lãnh đạo các cấp, góp phần xây dựng Đảng ta ngày càng trong sạch, vững mạnh, không phải là “đấu đá nội bộ”, “phe cánh”, “tranh giành quyền lực” như các đối tượng xấu, thế lực thù địch xuyên tạc.
Với những kết quả nổi bật là: Các cơ quan tiến hành tố tụng cả nước đã khởi tố, điều tra 2.100 vụ/4.211 bị can, truy tố 2.030 vụ/4.042 bị can, xét xử sơ thẩm 1.686vụ/3.198 bị cáo về các tội tham nhũng, kinh tế, chức vụ; trong đó đã khởi tố mới 285 vụ án, 646 bị can về tội tham nhũng.
Riêng các vụ án, vụ việc thuộc diện Ban Chỉ đạo theo dõi, chỉ đạo đã khởi tố mới 2 vụ án/8 bị can, khởi tố thêm 135 bị can trong 7 vụ án; kết luận điều tra 3 vụ án/318 bị can; kết luận điều tra bổ sung 2 vụ án/10 bị can; ban hành cáo trạng truy tố 2 vụ án/304 bị can; xét xử sơ thẩm 5 vụ án/140 bị cáo; xét xử phúc thẩm 2 vụ án/9 bị cáo.
Nhất là đã khởi tố, điều tra, kiên quyết xử lý nghiêm các vụ án tham nhũng, tiêu cực, phức tạp, xảy ra đã lâu, liên quan đến nhiều bộ, ngành, địa phương, như: Vụ án xảy ra tại tập đoàn Phúc Sơn; vụ án xảy ra tại tập đoàn Thuận An; hoàn thành kết luận điều tra, ban hành cáo trạng truy tố vụ án xảy ra tại Cục Đăng kiểm Việt Nam, các trung tâm đăng kiểm một số địa phương và vụ án xảy ra tại tập đoàn FLC; hoàn thành xét xử sơ thẩm 2 vụ án trọng điểm xảy ra tại tập đoàn Vạn Thịnh Phát, Ngân hàng SCB và tập đoàn Tân Hoàng Minh, với mức án rất nghiêm khắc, cũng rất nhân văn, trong đó, lần đầu tiên tuyên phạt tử hình đối với 1 bị cáo là chủ doanh nghiệp tư nhân về tội “tham ô tài sản”.
Công tác phát hiện và xử lý tham nhũng, tiêu cực ở địa phương tiếp tục được đẩy mạnh. Từ đầu năm đến nay, các cơ quan tiến hành tố tụng ở địa phương đã khởi tố mới 190 vụ án/463 bị can về tội tham nhũng. Nhiều địa phương đã khởi tố, điều tra xử lý nhiều vụ án tham nhũng, tiêu cực nghiêm trọng, phức tạp xảy ra từ nhiều năm trước; khởi tố cả cán bộ thuộc diện Tỉnh ủy, thành ủy quản lý, như: Bà Rịa - Vũng Tàu, Bình Định, Bắc Ninh, An Giang, Kiên Giang…
Về nhiệm vụ thời gian tới, Thường trực Ban Chỉ đạo yêu cầu các cấp ủy, tổ chức đảng, cơ quan chức năng tiếp tục đẩy mạnh hơn nữa công tác PCTNTC; tập trung xử lý dứt điểm những vụ án, vụ việc tham nhũng, tiêu cực nghiêm trọng, phức tạp, dư luận quan tâm.
Phấn đấu từ nay đến hết năm 2024 kết thúc điều tra, truy tố, xét xử 36 vụ án, 8 vụ việc; trong đó, phấn đấu đưa ra xét xử sơ thẩm đối với 6 vụ án trọng điểm theo kế hoạch của Ban Chỉ đạo.
Trước thực tiễn đó, thực hiện theo tôn chỉ mục đích của tòa soạn Tạp chí Doanh nghiệp và Đầu tư trong công tác tham gia nghiên cứu, tư vấn, phản biện xã hội; tham gia ý kiến, kiến nghị với cơ quan nhà nước có thẩm quyền cũng như triển khai, phối hợp về thông tin, truyền thông để thực hiện nhiệm vụ của Hiệp hội trong việc nghiên cứu, khảo sát số liệu, ghi nhận ý kiến, tháo gỡ những khó khăn vướng mắc của các cơ quan đơn vị, doanh nghiệp...
Trong quá trình khảo sát để lấy các số liệu, thông tin làm minh chứng thực hiện nghiên cứu theo chuyên đề “Nâng cao hiệu quả quản lý các dự án đầu tư xây dựng về quản lý sử dụng nguồn vốn Nhà nước phục vụ phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn”, chúng tôi đã nhận được những thông tin liên quan đến các dự án, gói thầu do Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng huyện Diễn Châu làm chủ đầu tư và việc trúng thầu của Công ty TNHH Hợp Tiến (Công ty Hợp Tiến) tại đây.
Ông Tăng Văn Luyện – Chủ tịch UBND huyện Diễn Châu ký quyết định phê duyệt cho công ty Hợp Tiến trúng gói thầu với giá dự toán hơn 82 tỷ đồng |
Ngày 17/10/2023, Ông Tăng Văn Luyện – Chủ tịch UBND huyện Diễn Châu ký quyết định số 3489/QĐ-UBND phê duyệt cho công ty Hợp Tiến trúng gói thầu số 03: Thi công xây dựng và đảm bảo an toàn giao thông công trình Cải tạo, nâng cấp đường giao thông nối từ QL1A đến QL7A (tuyến đi qua các xã Diễn An, Diễn Lộc, Diễn Phú, Diễn Lợi và Minh Châu, huyện Diễn Châu) với giá dự toán 82.195.865.000 VND; Giá trúng thầu 82.045.067.000 VND. Sau đấu thầu chỉ tiết kiệm cho ngân sách 0,18%. Thời gian thực hiện hợp đồng là 30 tháng. Tuy nhiên, gói thầu đưa ra tiêu chí về hợp đồng tương tự với nhiều dấu hiệu “bất thường”.
Tại gói thầu đưa ra tiêu chí: “…Từ ngày 01 tháng 01 năm 2018 đến thời điểm đóng thầu, nhà thầu đã hoàn thành tối thiểu: - 1 hạng mục có tính chất tương tự với hạng mục đường giao thông, mặt đường láng nhựa cấp IV, có giá trị là: 31.475.000.000 VND với tư cách là nhà thầu chính (độc lập hoặc thành viên liên danh), nhà thầu quản lý hoặc nhà thầu phụ.- 1 hạng mục có tính chất tương tự với hạng mục Công trình cầu bê tông cốt thép và bê tông cốt thép dự ứng lực, chiều dài nhịp tối thiểu 24m, cấp IV, có giá trị là: 4.010.000.000 VND với tư cách là nhà thầu chính (độc lập hoặc thành viên liên danh), nhà thầu quản lý hoặc nhà thầu phụ”.
Theo nhiều nhà thầu, Giá trị của hợp đồng tương tự được Thông tư 08/TT-BKHĐT quy định thông thường khoảng 50% giá trị công việc xây lắp/ từng công trình, hạng mục tương ứng của gói thầu đang xét (trước đây là 70%). Đối với các công việc đặc thù hoặc ở các địa phương mà năng lực của nhà thầu trên địa bàn còn hạn chế, có thể yêu cầu giá trị V trong khoảng 40%.
Nhìn vào yêu cầu Hợp đồng tương tự của gói thầu kể trên với giá gói thầu 76.741.404.000 VND yêu cầu hợp đồng tương tự là 31.475.000.000 và 4.010.000.000 VND chỉ vào khoảng hơn 40% giá gói thầu.
Việc đưa ra yêu cầu về hợp đồng tương tự chưa đến 50% giá gói thầu liệu có hợp lý, trong khi đó, theo dư luận thì gói thầu kể trên không quá đặc thù, vị trí địa lý và nhiều điều kiện liên quan tại địa phương được xem là thuận lợi để thực hiện dự án; cũng như trên địa bàn tỉnh Nghệ An nói riêng, cả nước nói chung không thiếu những nhà thầu có năng lực và kinh nghiệm tốt, nên việc thu hẹp yêu cầu về hợp đồng tương tự như trên liệu có dấu hiệu “bất thường”(?).
Cùng với đó, nhiều thông tin về việc, nếu yêu cầu hợp đồng tương tự vào khoảng 50% giá gói thầu như thông thường, năng lực của công ty Hợp Tiến có nhiều dấu hiệu chưa đáp ứng. Bởi, trước đó, công ty Hợp Tiến từng tham gia và trúng khoảng 14 gói thầu, trong đó phần lớn các gói thầu có giá trị từ vài tỷ tới dưới 20 tỷ đồng, chỉ có 1 gói thầu lớn nhất có giá trị hơn 33 tỷ đồng và cũng trúng thầu tại Ban Quản lý đầu tư xây dựng huyện Diễn Châu (trúng năm 2022).
Ông Tăng Văn Luyện – Chủ tịch UBND huyện Diễn Châu ký quyết định phê duyệt cho công ty Hợp Tiến trúng gói thầu với giá dự toán hơn 43 tỷ đồng |
Sau gói thầu kể trên, ngày 15/12/2023, ông Tăng Văn Luyện – Chủ tịch UBND huyện Diễn Châu tiếp tục ký quyết định số 4176/QĐ- UBND phê duyệt cho công ty Hợp Tiến trúng gói thầu Cải tạo, nâng cấp tuyến kênh tiêu chính xã Diễn Thịnh, Diễn Trung, Diễn An và các tuyến kênh tưới, tiêu phục vụ sản xuất nông nghiệp, các khu dân cư xóm 5, 6 và 7 xã Diễn Nguyên, huyện Diễn Châu với giá dự toán 43.517.971.000 VND; Giá trúng thầu: 43.475.411.332 VND. Sau đấu thầu chỉ tiết kiệm cho ngân sách 42.559.668 đồng, bằng 0,09%. Gói thầu cũng chỉ có công ty Hợp Tiến tham gia và trúng thầu.
Ngoài ra, hiện nay, công ty Hợp Tiến đang cùng lúc thi công nhiều gói thầu khác với tổng giá trị lên đến khoảng hơn 163 tỷ đồng.
Luật sư Nguyễn Văn Cân (Đoàn luật sư Hà Nội) cho rằng “một nhà thầu huy động nhân lực, tài chính, máy móc cho nhiều gói thầu với tổng giá trị lên đến hơn 163 tỷ đồng cùng trong một thời điểm phải là nhà thầu có năng lực rất tốt. Đặc biệt, trong các HSDT của nhà thầu sẽ có các nhân sự chủ chốt đáp ứng được yêu cầu trong các gói thầu là vấn đề quan trọng, có thể ảnh hưởng trực tiếp tới quá trình thi công cũng như chất lượng của công trình. Nên việc rà soát HSDT của nhà thầu của nhà thầu để biết có xảy ra tình trạng trùng lặp nhân sự chủ chốt? Nhân sự trực tiếp thi công tại công trình của nhà thầu có đúng với nhân sự đã đăng ký trong HSDT? Công ty có thực hiện đóng bảo hiểm đầy đủ cho người lao động theo quy định hiện hành? …thiết nghĩ là việc cần thiết. Việc trùng lặp nhân sự của nhà thầu có thể phần nào phản ánh năng lực của nhà thầu có nhiều dấu hiệu bất thường, và đang chưa đúng quy định liên quan, có thể bị cấm thầu từ 3 năm đến 5 năm. Việc các cơ quan chức năng tăng cường thanh kiểm tra, phát hiện sai phạm, cũng như xử lý theo đúng quy định là việc làm cần thiết, nhằm đảm bảo công tác đấu thầu được minh bạch hơn, tránh thất thoát ngân sách, cũng như tạo sức răn đe với các đơn vị khác đang thực hiện trên địa bàn”.
Thực tế, qua nghiên cứu một số hồ sơ của công ty Hợp Tiến những năm trước đó, việc nhà thầu sử dụng một nhân sự kê khai cho nhiều gói thầu đã từng xảy ra. Điển hình như trong 2022, trong gói thầu công ty Hợp Tiến từng trúng tại Ban quản lý dự án Đầu tư xây dựng huyện Diễn Châu cũng xảy ra tình trạng trùng lặp nhân sự chủ chốt với một số các gói thầu trúng ở các chủ đầu tư khác trên địa bàn có cùng thời điểm thi công.
Mà theo quy định tại nghị định 63/2014/NĐ-CP cũng như luật đấu thầu mới nhất:
Trong mọi trường hợp, nếu nhà thầu kê khai nhân sự, thiết bị không trung thực thì nhà thầu không được thay thế nhân sự, thiết bị khác, hồ sơ dự thầu E-HSDT của nhà thầu sẽ bị loại và nhà thầu sẽ bị coi là gian lận theo quy định tại khoản 4 Điều 89 Luật Đấu thầu 2013 (từ ngày 01/01/2024 nội dung này được thay thế tại khoản 4 Điều 16 Luật Đấu thầu 2023) và bị xử lý theo quy định tại khoản 1 Điều 122 Nghị định 63/2014/NĐ-CP, cụ thể:
Hình thức cấm tham gia quá trình lựa chọn nhà thầu. Tùy theo mức độ vi phạm mà áp dụng hình thức cấm tham gia hoạt động đấu thầu đối với tổ chức, cá nhân, cụ thể: Cấm tham gia hoạt động đấu thầu từ 03 năm đến 05 năm đối với một trong các hành vi vi phạm các Khoản 1, 2, 3, 4 và 5 Điều 89 của Luật Đấu thầu;”
Về công ty Hợp Tiến: Nhà thầu có địa chỉ tại huyện Diễn Châu (Nghệ An); Người đại diện pháp luật: Ông Nguyễn Ngọc Tiến - GĐ; Công ty Hợp Tiến từng tham gia và trúng khoảng 24 gói thầu, trong đó 15/24 gói thầu trúng tại huyện Diễn Châu, trong đó có 6 gói thầu trúng tại Ban Quản lý dự án Đầu tư xây dựng huyện Diễn Châu với tổng giá trị trúng thầu lên đến hơn 213 tỷ đồng. Điểm chung trong các gói thầu trúng tại huyện Diễn Châu là hầu hết công ty Hợp Tiến tham gia “một mình một sân”, xuất hiện nhiều tiêu chí có dấu hiệu chưa phù hợp, tỷ lệ tiết kiệm thấp, gói thầu có giá trị lớn,…Đặc biệt, trong gói thầu từng trúng vào năm 2022 tại Ban Quản lý dự án Đầu tư xây dựng huyện Diễn Châu có nhân sự chủ chốt “trùng lặp” với một số gói thầu khác có cùng thời điểm thi công.
Vừa qua, Cơ quan CSĐT Bộ Công an (C03) khởi tố hàng loạt vụ án, bị can, Lệnh bắt bị can để tạm giam, Lệnh khám xét để điều tra vụ án "Đưa, nhận hối lộ; Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng; Vi phạm quy định về kế toán gây hậu quả nghiêm trọng... Lợi dụng ảnh hưởng đối với người có chức vụ, quyền hạn để trục lợi", xảy ra tại Công ty Cổ phần Tập đoàn Thuận An; Tập đoàn Phúc Sơn và CTCP Tập đoàn Tuấn Ân (Tập đoàn Tuấn Ân), Công ty Điện lực tỉnh Bình Thuận (EVN Bình Thuận) và các đơn vị, tổ chức có liên quan…. Trước đó năm 2023, hàng loạt vụ án đã bị khởi tố và đưa ra xét xử như vụ án “vi phạm quy định về đấụ thầu gây hậu quả nghiêm trọng” xảy ra tại Sở Y tế TP. Cần Thơ, gây thiệt hại cho Nhà nước hơn 32,6 tỷ đồng; vụ án tại Bệnh viện Tim Hà Nội, tại Sở Giáo dục và Đào tạo Thanh Hóa, Sở Giáo dục và Đào tạo Quảng Ninh, gần đây là Giáo dục và Đào tạo Hà Giang… Các cáo trạng đều thể hiện hành vi thông thầu giữa các nhà thầu dự thầu, hầu như các hồ sơ dự thầu được 1 nhà thầu xây dựng, “lót đường” cho đơn vị trúng thầu. Những hành vi này được hợp thức hóa thông qua sự làm ngơ của các đơn vị tư vấn, chủ đầu tư. Thông thầu là một trong những điều cấm được hình thành rất sớm trong Luật Đấu thầu các giai đoạn trước cũng như định hình rõ nét trong Luật Đấu thầu 2023. Tuy nhiên, thực tế, không ít chủ đầu tư, nhà thầu vẫn xem nhẹ và cố tình vi phạm, dẫn tới giảm hiệu quả công tác đấu thầu, các đối tượng liên quan vướng lao lý. Tại phiên thảo luận ở hội trường về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự án Luật Đấu thầu (sửa đổi) ngày 24/5/2023, Đại biểu Phạm Văn Hòa (đoàn Đồng Tháp) cho rằng, “Nếu muốn nhà thầu quen thân trúng thầu thì đã có những phương pháp rất cụ thể, rành mạch. Chỉ cần một chiêu trò, chi tiết nhỏ thôi là loại hồ sơ của nhà thầu khác ra, lấy nhà thầu thân quen. Theo tôi biết một số đơn vị, địa phương mỗi lần nhà thầu này tham gia đều trúng mà giá trị gói thầu rất thấp” – ông Phạm Văn Hoà nói và đề nghị xem lại quy trình, thủ tục, việc đăng ký, tổ chức đấu thầu như thế nào cho hiệu quả. |
Tác giả: Phú Hồng
Nguồn tin: doanhnghiepvadautu.info.vn