Những ngày cuối tháng 6, trong hành trình tìm về miền đất Quảng Bình, nơi sản sinh ra nhiều VĐV tài năng cho thể thao nước nhà, chúng tôi tìm đến nhà Lâm Oanh. Một ngôi nhà khang trang nằm ở xã miền núi yên bình Quảng Sơn (thị xã Ba Đồn).
Gia đình Nguyệt Anh, Lâm Oanh, Kiều Trinh cùng những người bạn ở SEA Games 31. Ảnh: Nguyệt Ánh |
Bắt chuyện với chúng tôi là một phụ nữ trung niên với nụ cười tươi tắn. Đó là chị Đoàn Thị Thu (1977, mẹ của Lâm Oanh). Sau một hồi bắt chuyện, chị nhanh nhẩu: “Thật may khi hôm nay là ngày rảnh của tôi. Những ngày trước đó, tôi bận tối mặt”.
Bà Thu nức tiếng ở vùng Quảng Sơn về sự giỏi giang, khả năng chơi bóng chuyền tốt. Lúc còn con gái tuổi đôi mươi, bà gặp phải biến cố cuộc đời. Thu là người con gái có khuôn mặt khả ái, làm đắm say biết bao chàng trai trong làng.
Năm 1995, khi đi ô tô có việc, không may bị cháy, vùng mặt của Thu bị thương. Vụ tai nạn khiến gương mặt của Thu bị ảnh hưởng nhưng vẫn còn đó sự khả ái, nụ cười duyên. Là con gái thuần chất miền quê, Thu không nề hà bất cứ chuyện gì.
Mẹ Thu và ông ngoại là hai người có ảnh hưởng lớn đối với Lâm Oanh khi đến với bóng chuyền. Ảnh: Trần Khánh |
Cô tất tả mưu sinh ở chợ quê. “Tôi buôn cá, buôn mắm, tôm mực,… Hễ có gì ở quê đều buôn cả”, chị kể lại. Ngoài công việc mưu sinh, hằng ngày, người con gái dễ thương này đều chơi bóng chuyền với bà con trong thôn làng.
Cô gặp gỡ và kết duyên vợ chồng với chàng trai trong khu vực là anh Đoàn Dũng, hơn 5 tuổi. Mối duyên này đơm hoa kết trái với hai người con, Lâm Oanh là con đầu. Khi chồng đi làm xa và vừa mới hạ sinh Oanh, trong những năm đầu đời của con gái, hai mẹ con bám chặt sống qua ngày.
Tình yêu với bóng chuyền của chị Thu ngấm vào máu. Chị nói: “Tôi bị nghiện”. Chị kể lại: “Lúc Oanh còn nhỏ, đang đánh trong sân mà thấy con khóc, ra đưa cho con 2.000-3.000 đồng bào đi mua bánh kẹo, rồi tôi đánh tiếp. Mẹ ham chơi lắm”.
Gia đình Lâm Oanh. Ảnh: FBNV |
|
Nói xong, chị cười tươi rồi bảo: “Oanh đến với bóng chuyền có ảnh hưởng lớn từ mẹ”. Khi Oanh mới lên lớp 6, chính chị là người đến tận trường, nhờ thầy cô tập chuyền hai cho con gái. Đó là lúc, Oanh chưa đến với bóng chuyền chuyên nghiệp.
Cuộc sống khó khăn ở vùng quê, nơi có khí hậu khắc nghiệt không làm chùn bước ý chí, nghị lực của người dân nơi đây. Chị xác định, hướng con đến với đam mê, bằng khả năng của chính con. Chị là người thầy đầu tiên cũng là người dìu dắt Oanh đến với môn thể thao này.
Dần dần, khi cuộc sống thay đổi, vận động theo thời đại, chị chuyển đổi nghề nghiệp, sang làm “nhà hàng di động”. Hễ có bất cứ cuộc vui, liên hoan hay tiệc nào ở trong khu vực, chị đều tất tả xắn tay làm. “Dù cả trăm mâm hay vài ba măm, tôi đều làm cả”, chị bảo.
Đó cũng là cách chị dạy con gái. Sự tận tâm, chuyên nghiệp, phục vụ tốt bao giờ cũng mang lại giá trị cho bản thân. “Đặt hết cái tâm mình trong đó, họ sẽ thích", chị tâm niệm. Tiếng lành đồn xa, chị nhận đơn hàng từ rất nhiều địa phương, thậm chí tỉnh thành khác.
Bố mẹ Nguyệt Anh. Ảnh: Trần Khánh |
Và ở đó, chị sắm cho mình chiếc xe ô tô. Chính tay tự lái dọc đường vạn dặm. Đến nỗi, hình ảnh người phụ nữ trung niên cầm vô lăng trên xe bán tải thùng gây ấn tượng mạnh với các chiến sĩ cảnh sát giao thông trên đường.
Đó cũng là lúc, công việc tất bật. Chị bảo: “Tôi mà bận thì lăn lê cả người từ nhà ra ngoài đường. Có khi về, Oanh cũng bị bắt đi bưng cỗ”. May mắn thay, hôm chúng tôi đến, chị lại rảnh việc. Thời điểm đó, Oanh được nghỉ phép về sau chiến tích vô địch AVC Challenge Cup 2023 cùng đội tuyển Việt Nam.
Mỗi năm, Oanh chỉ về khoảng 2-3 lần. Nếu không phải dịp lễ thì cũng chỉ 5-7 ngày. Thời gian bên con cái rất ít. Và lúc đó, trong thâm tâm, chị nói vui: “Hy vọng đừng ai đặt mâm vào dịp này”. Dù bận rộn đến đâu, trong nếp nghĩ và sinh hoạt, chị vẫn luôn dành thời gian đồng hành cùng con.
Gia đình Nguyệt Anh. Ảnh: FBNV |
|
Chị tâm sự: “Con đi thi đấu ở đâu khăn gói đi đó. Có lần đánh ở Sài Gòn, tôi đi xem con đánh, mặt bịt khẩu trang, không cho con nhìn thấy, giấu luôn vì sợ con mất tập trung. Một lần ở Tam Kỳ, lòng tự nhủ chỉ xem nhưng vì mừng quá, bỗng ồ lên cổ vũ vang cả khán đài, khiến con bé phải nhìn lên”.
Oanh có người mẹ tên Thu và sau này, chuyền hai tài năng của bóng chuyền Việt Nam, cũng có một người hay gọi bằng mẹ khác, cũng tên Thu. Đó là bà Võ Thị Thu (1967, mẹ Nguyệt Anh). Nhà Nguyệt Anh ở thị trấn Nông trường Việt Trung (huyện Bố Trạch), cách nhà Lâm Oanh khoảng 50km.
Hai gia đình bắt đầu quen nhau khi Nguyệt Anh ra Hà Nội tuyển sinh vào Bộ Tư lệnh Thông tin. Nguyệt Anh cùng tuổi với Lâm Oanh nhưng năm 15 tuổi mới ra Hà Nội, muộn 2 năm so với đồng hương.
“Khi biết nhà Lâm Oanh cũng ở Quảng Bình, chúng tôi ra bắt chuyện làm quen”, chị Võ Thị Thu kể lại. Vốn bản tính chân chất ở quê, bà Thu xem nhà Lâm Oanh như nơi tin cậy để hỏi han khi gửi gắm con gái nơi phương xa.
Chị Đoàn Thị Thu bên hai cô con gái tài năng của bóng chuyền Việt Nam. Ảnh: FBNV |
“Mỗi khi hai đứa về nhà, vợ chồng tôi lại dẫn Nguyệt Anh ra nhà Lâm Oanh. Trước là để hai cháu kết thân, sau là hỏi tình hình, nhờ giúp đỡ vì Nguyệt Anh ra sau Lâm Oanh đến 2 năm”, chị tâm sự.
Thế là, dần dần, theo thời gian, hai gia đình kết thân. Chị Thu nhà Nguyệt Anh mang trong mình cách sống thuần nông. Chị làm nghề thợ may ở nhà, mở tiệm nhỏ, mưu sinh nuôi nấng hai cô con gái song sinh. Chồng làm công chức nhà nước ở Công ty cao su Việt Trung. Đến năm 2016, do đặc thù công việc khi đã có tuổi, chị nghỉ may để chuyển sang bán buôn tại nhà.
Cuộc sống lặng lẽ qua ngày trong niềm vui. Và khi Nguyệt Anh rời quê ra Hà Nội, chị sợ mọi thứ. Nhưng rồi, điểm tựa từ gia đình Lâm Oanh giúp chị yên tâm. Cả hai nhà tự nhủ, họ phải là hậu phương cho hai cô con gái. Cứ thế, Oanh và Anh như có thêm một mẹ mới.
Chị Võ Thị Thu nói vui rằng: “Chị coi Lâm Oanh như con gái, mẹ Thu Dũng cũng vậy, cũng coi Nguyệt Anh giống như mẹ của mình. Mỗi đứa có hai mẹ Thu”.
Đó đều là những người mẹ tên Thu hết sức đặc biệt của bóng chuyền Việt Nam. Sự lặng thầm, phương châm sống tích cực là điểm tựa giúp con gái có bước thăng tiến vững chắc.
Tác giả: Trần Khánh - Hà Thảo
Nguồn tin: webthethao.vn