Xã hội

Hà Tĩnh chủ động ứng phó từng cấp độ thiên tai trong bối cảnh dịch COVID-19

Để chủ động ứng phó với mùa mưa lũ, đồng thời nhận thức một cách đầy đủ về những khó khăn sẽ gặp phải khi thiên tai xảy ra trong bối cảnh dịch bệnh, Hà Tĩnh yêu cầu các địa phương, đơn vị phải hoàn thành và tổ chức thực hiện hiệu quả các phương án ứng phó với từng cấp độ rủi ro khi có thiên tai xảy ra trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19 đang có nhiều diễn biến phức tạp.

Đường đi của cơn bão số 7. (Ảnh: Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia)

Hà Tĩnh là một tỉnh thuộc khu vực Bắc Trung bộ, có địa hình đa dạng và phức tạp, thường xuyên chịu ảnh hưởng của nhiều loại hình thiên tai, trong đó bão, lũ là loại hình thiên tai mà Hà Tĩnh năm nào cũng gánh chịu. Nên Hà Tĩnh được coi là một vùng đất luôn gánh gồng nhiều bão lũ. Thiên tai hàng năm đã làm cho nhiều gia đình mất người thân, nhiều công trình hạ tầng, nhà cửa của Nhân dân bị hư hỏng mà phải mất nhiều năm sau mới có thể khôi phục được.

Với một tỉnh có điều kiện tự nhiên và khí hậu bất thuận, trong khi cơ sở hạ tầng cho phòng chống thiên tai, lũ, lụt còn hạn chế, vì vậy trong những năm qua, Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh Hà Tĩnh đặc biệt quan tâm đến công tác chủ động ứng phó, nhằm giảm thiểu thiệt hại khi có thiên tai xẩy ra và coi đây là một nhiệm vụ quan trọng trong đảm bảo chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.

Năm 2021, dự báo diễn biến thiên tai sẽ phức tạp, khó lường và cực đoan; để chủ động ứng phó với thiên tai, Hà Tĩnh chủ động với tinh thần “phòng là chính”. Ngay từ đầu năm 2021, UBND tỉnh đã ban hành Quyết định 490/QĐ-UBND ngày 04/02/2021 về việc thành lập Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn (PCTT và TKCN) cấp tỉnh năm 2021; tổ chức Hội nghị tổng kết, rút kinh nghiệm trong công tác chỉ đạo, điều hành PCTT và TKCN năm 2020, triển khai nhiệm vụ năm 2021; Ban hành Quyết định thành lập Ban Chỉ huy PCTT và TKCN các công trình trọng điểm, Quyết định thành lập 13 Đoàn công tác của tỉnh để kiểm tra, chỉ đạo công tác PCTT giai đoạn phòng ngừa tại các địa phương, Quyết định giao nhiệm vụ huy động nhân lực, vật tư, phương tiện; Chỉ đạo các địa phương cấp huyện củng cố, kiện toàn Ban Chỉ huy và Văn phòng Thường trực Ban Chỉ huy PCTT và TKCN cấp huyện, xã để sẵn sàng ứng phó với thiên tai theo đúng quy định của pháp luật hiện hành. Thành lập Hội đồng an toàn các hồ chứa nước cấp tỉnh để tổ chức rà soát, đánh giá an toàn của 41 hồ chứa nước có nguy cơ mất an toàn cao để quyết định việc tích nước trước mùa mưa, lũ.

Biển Đông có khả năng xuất hiện thêm 2 cơn bão trong những ngày tới. (Ảnh minh họa: M.Linh)

Được sự hỗ trợ của Đảng, Nhà nước, Chính phủ, Hà Tĩnh đã triển khai khá đồng bộ các giải pháp, trong đó chú trọng kết hợp giữa giải pháp công trình (đầu tư xây dựng các công trình phòng, chống thiên tai như: đê, đập, kè, cống, nhà tránh lũ…) và phi công trình (hoàn thiện thể chế, cơ chế chính sách, tổ chức, nâng cao nhận thức cộng đồng, phát triển khoa học công nghệ trong công tác phòng, chống thiên tai) nhằm chủ động ứng phó với thiên tai có hiệu quả. Điều quan trọng hơn là từ thực tiễn phòng, chống thiên tai, ý thức tự bảo vệ của mỗi người dân, mỗi gia đình, mỗi cộng đồng ở Hà Tĩnh đang được nâng lên một cách rõ rệt.

Trong những năm qua, Hà Tĩnh đã ưu tiên, tập trung đầu tư xây dựng mới và nâng cấp nhiều công trình, cơ sở hạ tầng phòng, chống thiên tai nhằm bảo vệ dân sinh, bảo vệ sản xuất. Cho đến nay, toàn tỉnh đã xây dựng được 316 km đê sông, đê biển, hàng trăm km kè chống sạt lở bảo vệ bờ sông, bờ biển; theo đó, đã nâng cấp tuyến đê La Giang (tuyến đê cấp II) dài 19,2 km đảm bảo chống lũ với tần suất 1%; nâng cấp được 65,5 km đê sông, 172 km đê biển và đê cửa sông xung yếu đảm bảo chống bão cấp 10 với tần suất triều P=5%. Xây dựng và đưa vào sử dụng 351 hồ chứa với tổng dung tích gần 1,6 tỷ m3 nước, trong đó công trình thủy lợi Ngàn Trươi - Cẩm Trang có tổng dung tích 775 triệu m3 đã hoàn thành và đưa vào sử dụng cuối năm 2018; các hồ chứa nước của Hà Tĩnh không chỉ đáp ứng đủ nguồn nước phục vụ cho sản xuất, dân sinh mà còn góp phần rất lớn trong việc làm chậm lũ và cắt lũ cho hạ du; lắp đặt 20 trạm đo mưa tự động, 213 cột mốc báo lũ; hoàn thành 4 khu tránh trú neo đậu tàu, thuyền cho ngư dân tránh bão.

Cùng với việc đầu tư xây dựng, củng cố hệ thống đê điều, hồ đập... bằng nhiều nguồn kinh phí khác nhau, tỉnh đã hỗ trợ xây dựng được gần 3.000 ngôi nhà tránh lũ cho các hộ dân và hàng chục nhà văn hóa cộng đồng kiên cố kết hợp tránh lũ tại nhiều địa phương. Trong đó, Chương trình xây dựng nhà văn hóa cộng đồng kết hợp tránh bão, lũ và nhà ở kiên cố cho đối tượng người có công, hộ nghèo, hộ bị ảnh hưởng do thiên tai theo Quyết định số 22-QĐ/TU, ngày 20/11/2020 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy được triển khai từ cuối năm 2020, đến nay đã có hơn 2.100 gia đình người có công, hộ nghèo, hộ bị ảnh hưởng do thiên tai được hỗ trợ xây dựng nhà kiên cố, kết hợp với phòng tránh bão lũ, với tổng kinh phí gần 150 tỷ đồng; đồng thời hỗ trợ xây dựng 30 nhà văn hóa cộng đồng kết hợp với phòng tránh bão lũ tại 12 huyện, thành phố, thị xã với tổng kinh phí thực hiện hơn 60 tỷ đồng; chương trình được thực hiện bằng 100% nguồn huy động xã hội hóa, với mức hỗ trợ đầu tư lớn nhất so với tất cả các Chương trình hỗ trợ xây dựng nhà ở cho các đối tượng chính sách, hộ nghèo được triển khai thực hiện từ trước đến nay. Hiện nay, hầu hết các công trình đã hoàn thành đưa vào sử dụng, góp phần quan trọng giúp các đối tượng và Nhân dân có cuộc sống ổn định, hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại do thiên tai gây ra.

Hệ thống Tràn xã lũ hồ Ngàn Trươi - Vũ Quang. (Ảnh: M.Linh)

Việc thực hiện phương châm “4 tại chỗ ” được cả hệ thống chính trị từ tỉnh đến cơ sở thực hiện nghiêm túc; tỉnh đã chỉ đạo các cấp tổ chức xây dựng, phê duyệt các phương án cụ thể: Phương án sơ tán dân phòng ngừa, ứng phó với bão mạnh, siêu bão; phương án sơ tán dân vùng thường xuyên bị ngập lụt, vùng trũng thấp, vùng có nguy cơ xảy ra lũ quét, sạt lở đất và phương án sơ tán dân vùng hạ du các hồ chứa thủy lợi, thủy điện. Trong các phương án xác định rất cụ thể các nội dung cần thiết như: vị trí, số hộ dân, số điện thoại, người chỉ huy điều hành… để chủ động liên lạc, thông tin cảnh báo và ứng cứu kịp thời; phân công rõ trách nhiệm cho tổ chức, cá nhân để đôn đốc, theo dõi, kiểm tra và chỉ đạo và người đứng đầu chịu trách nhiệm toàn diện trong chỉ đạo, điều hành từ khâu phòng ngừa, ứng phó và khắc phục hậu quả. Trước tình hình diễn biến phức tạp của dịch COVID-19, UBND tỉnh đã chỉ đạo các địa phương, đơn vị tổ chức rà soát, phê duyệt bổ sung phương án phòng chống thiên tai trong trường hợp bất lợi nhất “vừa ứng phó với thiên tai, vừa ứng phó với dịch COVID-19”.

Song song với các giải pháp phi công trình, năm 2021, UBND tỉnh đã phân bổ kinh phí để đầu tư sửa chữa, khôi phục 61 công trình bị hư hỏng do mưa, lũ năm 2020; đồng thời bố trí kinh phí để xây dựng 08 tuyến kè chống sạt bờ sông, nâng cấp 08 tuyến đê xung yếu, 10 cống tiêu thoát lũ, 17 hồ chứa nước có nguy cơ mất an toàn cao. Chỉ đạo các địa phương, đơn vị tổ chức rà soát, đánh giá thực trạng các hồ chứa nước trên địa bàn tỉnh, xây dựng phương án, kế hoạch cụ thể huy động các nguồn lực tu bổ, nâng cấp các hồ chứa xuống cấp, các hồ có nguy cơ mất an toàn cao trong mùa mưa, lũ.

Dù đã đạt được những kết quả đáng kể, nhưng hiện nay Hà Tĩnh đang phải đối mặt với rất nhiều thách thức do sự tác động ngày càng lớn của “Biến đổi khí hậu”, đặc biệt dịch COVID-19 đang diễn biến phức tạp, vì vậy, các cấp, các ngành, cộng đồng dân cư và cả hệ thống chính trị, mà trực tiếp nhất là chính quyền các địa phương cơ sở phải tiếp tục nỗ lực, chủ động xây dựng mọi phương án ứng phó phù hợp, hiệu quả trong bối cảnh “vừa ứng phó với thiên tai, vừa ứng phó với dịch COVID-19”, nhằm giảm tối đa thiệt hại khi có thiên tai, bão, lũ xẩy ra với phương châm “4 tại chỗ”, tất cả vì sự an toàn cho Nhân dân và sự phát triển bền vững của quê hương Hà Tĩnh.

Theo Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia cho biết, bão số 8 (KOMPASU) dự báo là một cơn bão mạnh khi ở trên biển, di chuyển nhanh và có khả năng ảnh hưởng đến các tỉnh phía Đông Bắc Bộ và phía Bắc của Trung Bộ.

Do ảnh hưởng của hoàn lưu bão số 7 kết hợp với không khí lạnh nên từ đêm 9/10, khu vực Hà Tĩnh đã có mưa, có nơi mưa to. Tổng lượng mưa tính từ 19h ngày 9/10 đến 1h ngày 10/10 các khu vực phổ biến dưới 10mm, riêng Hương Khê 35,6mm, Hương Trạch 37,1mm.

Dự báo, từ hôm nay (10/10) đến ngày 12/10 khu vực Hà Tĩnh có mưa vừa đến mưa to, có nơi mưa rất to. Tổng lượng mưa các khu vực phổ biến 70 - 150mm.

Ông Trần Đức Bá – Giám đốc Đài Khí tượng thủy văn Hà Tĩnh cảnh báo, cần đề phòng xảy ra lũ quét, sạt lở đất ở khu vực miền núi và ngập úng vùng trũng thấp và khu đô thị.

Từ ngày 13/10, khu vực Hà Tĩnh khả năng xảy ra liên tiếp các đợt mưa lớn diện rộng. Cần chú ý theo dõi để chủ động ứng phó.

Tác giả: M.Linh

Nguồn tin: Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam

  Từ khóa: Covid-19 ,bão số 7 ,hà tĩnh

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP