Mới đây, Viện Sức khỏe tâm thần trung ương tiếp nhận bệnh nhân nữ Hoàng Thị N. (21 tuổi), sinh viên một trường Đại học ở Hà Nội, vào viện vẫn nằng nặc đòi tự tử. Qua tìm hiểu, trước đó hơn 1 tháng, nữ sinh này chia tay người yêu, cú sốc tình cảm cộng với những áp lực từ học hành khiến cô mất ngủ triền miên, mỗi ngày chỉ ngủ được 3-4 tiếng. Trong 6 tuần, cô sụt 4kg, người luôn trong trạng thái mệt mỏi, chán trường cuộc sống, hay cáu gắt, giận dữ và nhiều lần bày tỏ muốn tự tử.
TS Nguyễn Doãn Phương, Viện trưởng Viện Sức khoẻ tâm thần trung ương cho biết, bệnh nhân Hoàng Thị N. là một trong rất nhiều bệnh nhân bị trầm cảm nặng không có triệu chứng loạn thần, có ý tưởng tự sát. Đây là một rối loạn phổ biến, xảy ra ở mọi lứa tuổi nhưng phổ biến trong độ tuổi từ 18-45 tuổi, hay gặp nhất là lứa tuổi từ 18-29. Nữ có nguy cơ mắc trầm cảm cao gấp 2 lần nam giới.
Theo TS Nguyễn Doãn Phương, bệnh trầm cảm hiện có xu hướng trẻ hoá. Hội chứng trầm cảm này gặp tỷ lệ cao ở những người ly thân, ly dị, thất nghiệp. Trung bình hàng ngày tại Viện có khoảng 50 người đến khám và điều trị về trầm cảm. 36,5% bệnh nhân từ 45 tuổi trở lên có ý tưởng hoặc hành vi tự sát. “Đa số tự sát do bệnh nhân cảm thấy mình vô dụng, tội lỗi, không xứng đáng sống”- TS Phương nói.
TS.BS Dương Minh Tâm, Trưởng phòng Điều trị Các rối loạn liên quan đến stress - Viện Sức khỏe tâm thần cho biết thêm, Viện có sự phối hợp rất chặt chẽ với Trung tâm chống độc – Bệnh viện Bạch Mai, thường xuyên đón bệnh nhân ngộ độc vì tự tử sang điều trị. “Rất nhiều trong số bệnh nhân trầm cảm tìm đến cái chết vì họ không cố vượt qua được nỗi buồn, cảm giác không muốn sống” – TS Tâm chia sẻ.
Tác giả bài viết: Duy Tiến
Nguồn tin: