Efora đổ lỗi cho quá trình vận chuyển làm mất nhãn phụ
Ngày 11/10/2018 Thương Trường đăng tải bài viết “Nhiều sản phẩm tại Efora không có nhãn phụ: Nghi vấn về nguồn gốc, xuất xứ?” phản ánh tình trạng tại nhiều showroom của Efora bày bán sản phẩm nhập khẩu từ nước ngoài bị thiếu tem phụ bằng tiếng Việt.
Chiếc túi xách có tên Giani Chiarini chỉ có nhãn chính mà không hề có nhãn phụ bằng tiếng Việt tại hệ thống Efora. |
Cần nhấn mạnh nhãn phụ là nơi thể hiện đầy đủ các thông tin xuất xứ của sản phẩm, ngày nhập khẩu, đơn vị nhập khẩu – những chỉ dẫn quan trọng với người tiêu dùng trong việc lựa chọn sản phẩm chính hãng, đảm bảo nguồn gốc xuất xứ theo khuyến cáo từ cơ quan quản lý nhà nước về thị trường, đồng thời cũng là căn cứ để cơ quan chức năng kiểm tra, giám sát hàng hóa trên thị trường theo quy định.
Đến ngày 16/10/2018, đại diện Công ty CP thương mại Âu Á (mã số thuế 0103757105, giám đốc: Lê Diệu Loan), chủ sở hữu chuỗi cửa hàng đồ da Efora đã có những phản hồi chính thức về nội dung trên.
Theo đó, tại buổi làm việc với PV, đại diện Efora thừa nhận có tình trạng một số sản phẩm nhập khẩu của đơn vị này được báo chí phản ánh không có tem phụ bằng tiếng Việt nhưng "không quên" bao biện rằng có thể do trong quá trình vận chuyển đã khiến nhãn phụ của hàng hóa có thể bị mất? Lý do này liệu có thuyết phục được người tiêu dùng đang ngày càng thông minh và tỉnh táo khi lựa chọn sản phẩm bị thiếu thông tin?
Việc Efora đổ lỗi cho việc vận chuyển khiến tem phụ bị mất có thuyết phục? |
Trước đó theo ghi nhận của PV, nhiều sản phẩm nhập khẩu như túi xách nữ, vali, giày dép tại các showroom của Efora không hề có tem phụ tiếng Việt, điều này khiến người tiêu dùng không khỏi đặt ra nghi vấn về nguồn gốc, xuất xứ và chất lượng thật sự của các sản phẩm nhập khẩu này.
Đáng nói hơn, đại diện của Efora dù nhiều lần chắc chắn khẳng định với PV rằng các sản phẩm gồm cả những sản phẩm nhập khẩu thiếu tem phụ được Thương Trường phản ánh trong bài viết trước đều có đầy đủ giấy tờ nhập khẩu song lại thẳng thừng từ chối để PV tiếp cận các giấy tờ nhập khẩu các sản phẩm này nhằm chứng minh độ xác thực của lời nói.
Đã báo cáo cơ quan chức năng hay tự ý bổ sung?
Chưa hết, đại diện của Efora cho biết, sau khi báo chí phản ánh, phía doanh nghiệp này đã lập tức tiến hành bổ sung tem phụ bằng tiếng Việt cho những sản phẩm nhập khẩu bị thiếu.
Và vấn đề được đặt ra ở đây là Efora đã bổ sung nhãn hàng hóa theo theo cách nào? Bổ sung sau khi đã báo cáo tình hình thực tế việc một số mặt hàng bị thiếu tem phụ (khi lưu hành sản phẩm trên thị trường) với cơ quan chức năng có thẩm quyền, cụ thể ở đây là Sở Công thương, Chi cục quản lý thị trường Hà Nội và đã được các cơ quan này hướng dẫn cụ thể để bổ sung nhãn phụ bị khuyết theo đúng quy định hay doanh nghiệp tự ý thực hiện thêm nhãn phụ theo ý kiến chủ quan cho có theo kiểu đối phó sau khi báo chí phản ánh?
Theo quy định tại Điều 26, Nghị định số 80/2013 NĐCP của Chính phủ quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực tiêu chuẩn, đo lường và chất lượng sản phẩm hàng hóa thì trong trường hợp hàng hóa thiếu nhãn phụ bằng tiếng Việt ngoài bị xử phạt hành chính còn bị thu hồi nếu hàng hóa gắn nhãn hàng hóa giả hoặc Gian lận về thời hạn sử dụng của hàng hóa trên nhãn hàng hóa. Dấu hiệu vi phạm trong hoạt động khuyến mại hàng hóa, cụ thể thực hiện khuyến mại khi chưa xin phép cơ quan chức năng nhưng khuyến mại vượt khung quy định của hệ thống Efora sẽ được Thương Trường phản ánh trong bài viết tiếp theo. |
Tác giả: Huỳnh Minh
Nguồn tin: Tạp chí Điện tử Thương Trường