Giáo dục

"Đừng để trường sư phạm tuyển sinh bằng mọi giá"

Để khắc phục hiện tượng chất lượng tuyển sinh đầu vào sa sút, có khả năng ảnh hưởng tới chất lượng "đầu ra" của ngành sư phạm, các nhà giáo dục cho rằng cần xem xét lại việc cấp ngân sách, đẩy mạnh kiểm định chất lượng trường sư phạm và cơ bản hơn là Nhà nước phải cụ thể hoá chủ trương "giáo dục là quốc sách hàng đầu".

PGS Nguyễn Hữu Hợp (Khoa Giáo dục Tiểu học, Trường ĐH Sư phạm Hà Nội): Cần đào tạo theo "hình nón"

Các trường sư phạm chủ yếu sống bằng bầu sữa ngân sách nhà nước. Ngân sách này phụ thuộc vào chỉ tiêu tuyển sinh.

Do đó, các trường buộc phải xác định điểm trúng tuyển để tuyển sinh cho đủ chỉ tiêu nhằm hưởng ngân sách.


Nên chăng khoán cho trường một khoản ngân sách mà không phụ thuộc vào chỉ tiêu. Khi đó, nâng điểm chuẩn sư phạm lên, dù tuyển được ít thì ngân sách không đổi. Sĩ số sinh viên ít thì chất lượng đào tạo càng cao. 


Nhưng cần đưa ra chỉ tiêu tối thiểu mà các trường cần tuyển - giả dụ 100 - nếu như không đủ số này thì cắt miếng bánh ngân sách. Trong bối cảnh đang rất nhiều SV ra trường chưa có việc làm thì chất lượng đầu ra của trường sư phạm là yếu tố cần quan tâm hàng đầu, chứ không phải là số lượng)

Bấy lâu nay, các trường sư phạm đào tạo "hình ống", tức là đầu vào 10 em thì một chục SV tốt nghiệp.

Đáng lẽ ra, đào tạo phải theo kiểu "hình nón", tức số SV tốt nghiệp sẽ nhỏ hơn số vào. Khi đó, sau mỗi năm học, nếu SV không "theo" được thì cho "nghỉ". Có như thế thì mới bảo đảm chất lượng đào tạo. Nếu trường sư phạm nào cho ra "phế phẩm" thì sẽ bị cắt, giảm ngân sách.

Ông Nguyễn Văn Ngai, nguyên Phó Giám đốc Sở GD-ĐT TP.HCM:"Trường sư phạm đổi cách tuyển sinh, Nhà nước cụ thể hoá chủ trương "giáo dục là quốc sách hàng đầu"

Đầu vào thấp thường ảnh hưởng đến chất lượng đầu ra, bởi kiến thức phổ thông của sinh viên còn hạn chế. Chỉ một số trường hợp hiếm hoi nhờ có sự nỗ lực lớn trong quá trình học tập mới cải thiện được.

Trong quá trình công tác trong ngành giáo dục tôi từng chứng kiến những giáo viêncó chất lượng dạy học hạn chế.

Một số giáo viên tốt nghiệp trường cao đẳng sư phạm, thậm chí trường đại học sư phạm nhưng khi lên lớp đã mắc nhiều lỗi về kiến thức thông thường: mù mờ nghĩa từ Hán Việt, viết sai nhiều lỗi chính tả thông thường như “theo dõi” viết thành “theo giỏi”, “sử dụng” thành “xử dụng”, “mặt khác” thành “mặc khác”, “hợp tác” thành “họp tác”, ra đề toán sai khiến học trò không giải được...

Muốn có đội ngũ giáo viên có chất lượng, đáp ứng yêu cầu đổi mới giáo dục hiện nay thì các trường sư phạm phải củng cố đội ngũ giảng viên có chất lượng.

Về phía Nhà nước, cần có chế độ ưu tiên cho ngành giáo dục, giáo biên như đã ưu tiên cho quân đội, công an, đảm bảo người thầy sống được bằng tiền lương.

Các trường sư phạm phối hợp với các cơ quan chức năng có liên quan, các cơ sở giáo dục (thông qua Sở GD – ĐT địa phương) để dự báo tương đối chính xác về nhu cầu giáo viên từng năm.

Từ đó các trường xác định chỉ tiêu tuyển sinh cho phù hợp, tránh vì chỉ tiêu mà đào tạo quá thừa hoặc quá thiếu.

Khi có sinh viên, các trường phải quản lý chặt chẽ khâu đào tạo, đảm bảo chất lượng đầu ra.

Về lâu dài, nhà nước cần nghiên cứu để cụ thể hóa chủ trương của Đảng coi giáo dục là quốc sách hàng đầu, bằng cách có chế độ ưu tiên cho ngành giáo dục, giáo biên như đã ưu tiên cho quân đội nhân dân và công an nhân dân.

Đồng thời các trường sư phạm cần đảm bảo chặt chẽ trong việc tuyển đầu vào có chất lượng bằng cách tự đổi mới thi cử. Có thể thi lý thuyết trước, tổ chức phỏng vấn trực tiếp đối với người đã qua được phần thi lý thuyết để chọn người trúng tuyển.

Phạm Ngọc Duy (nghiên cứu sinh đo lường giáo dục và tâm trắc học tại UMass Amherst, bang Massachusetts, Mỹ):"Đừng đánh giá giáo viên tương lai chỉ bằng điểm đầu vào"

Nếu không thể thay đổi được điểm đầu vào cho sinh viên sư phạm trong tương lai ngắn và trung hạn, tôi đề xuất một số hướng đi có thể xem xét tới như sau.

Trước tiên, cần từng bước xây dựng các kênh cung cấp (pipeline) những giáo sinh tương lai có tâm huyết và yêu thích với ngành sư phạm. Theo cá nhân tôi, niềm yêu thích và động lực chính đáng trở thành một giáo viên tốt quan trọng hơn kiến thức chuyên môn.

Việc này có thể phải xuất phát từ chính các thầy cô giáo đang dạy học ở phổ thông. Các trường sư phạm cũng phải về trường phổ thông tham gia công tác hướng nghiệp. Đây là giải pháp khó, lâu dài nhưng đi vào bản chất và cần thiết.

Thứ hai, cần tăng tính liên thông trong các chương trình đào tạo sư phạm và những ngành nghề khác, ở những trường khác (liên thông dọc, và liên thông ngang).

Một giáo sinh quyết định vào học sư phạm lúc 18 tuổi không nhất thiết sẽ thích và phù hợp với việc làm giáo viên cả đời. Tương tự như vậy, một bạn vào học kinh tế lúc 18 tuổi chưa chắc đã không thích và không hợp với việc đi dạy. Vậy nên, hãy tạo điều kiện để các sinh viên được khám phá nhiều ngành nghề và lựa chọn ra những ngành nghề phù hợp nhất với mình. Việc cả đời phải làm một nghề mà mình không thích cũng không khác nào phải bắt họ phải sống cả đời với người mà họ không yêu.

Đừng đánh giá giáo sinh và tiềm năng trở thành một giáo viên tốt chỉ dựa vào điểm đầu vào của họ. Họ đáng giá hơn cái con số 16 hay 20 điểm của họ rất nhiều. Tiềm năng của họ, nếu được phát triển đúng hướng, đáng giá hơn mấy con số đó rất nhiều. Đừng làm họ mất tự tin, và lòng dũng cảm theo đuổi sự nghiệp giáo dục chỉ vì xã hội đánh giá họ qua mấy con số có tính thời điểm và giá trị hạn chế.

Hẳn nhiên, điều quan trọng nhất có lẽ vẫn là tạo điều kiện học hỏi, phát triển sự nghiệp và môi trường công việc phù hợp cho giáo sinh và giáo viên trẻ. Đây rõ ràng là một việc làm quan trọng, khó khăn và lâu dài.

Nhưng bước đầu tiên của việc này là bỏ hẳn quan điểm đánh giá giáo sinh và giáo viên tương lai chỉ dựa vào điểm thi THPT của họ.

Nếu tiếp tục làm như vậy, ta đã đơn giản hóa quá mức giá trị của các giáo sinh và có thể vô tình triệt tiêu sự cố gắng, nỗ lực để phát triển cũng như hoàn thiện mình của họ.

Tác giả: Lê Huyền - Nguyễn Thảo (Ghi)

Nguồn tin: Báo VietNamNet

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP