Khách sạn là nơi trú ẩn an toàn cho các du khách mắc kẹt. Ảnh: Khánh Hà. |
“Chuyến đi Đà Nẵng 3 ngày của mình kéo dài hơn dự kiến do ảnh hưởng của bão Noru”, Khánh Hà (du khách Hà Nội) nói.
Hà cho biết thêm không chỉ riêng đoàn của cô mà ở khu nghỉ dưỡng cũng còn nhiều khách du lịch khác đang “mắc kẹt” ở đây.
Kế hoạch thay đổi, lịch bay của Khánh Hà phải dời sang ngày 29/9. “Hãng hàng không hỗ trợ hành khách, mình không phải chịu thêm khoản phí và thủ tục cũng khá nhanh chóng”, nữ du khách chia sẻ.
Đợi bão tan
“Bão đến, tôi và nhóm bạn chỉ dám ngồi yên trong phòng và đợi”, Minh Anh (du khách TP.HCM) chia sẻ. Cô và nhóm bạn đã lên kế hoạch ghé thăm Đà Nẵng từ trước 6 tháng. Tuy nhiên, cơn bão này đã thay đổi lịch trình và trở thành “chuyến đi khó quên” của cả đoàn.
“Khi nghe tin bão vào, chúng tôi rất sốt ruột và muốn đổi vé bay về nhưng không kịp”, Khánh Hà kể.
Lần đầu tiên chống bão ở nơi đây đất khách quê người nhưng nữ du khách cảm thấy khá may mắn khi được khu nghỉ dưỡng và người dân địa phương nhiệt tình hỗ trợ. “Nhóm tôi nhanh chóng mua thêm thuốc và nhu yếu phẩm. Tuy nhiên, cầu vượt quá cung nên các siêu thị và cửa hàng tiện lợi đều ‘cháy hàng’ trong tích tắc”, Hà nói.
Cũng giống như Khánh Hà, nhóm bạn của Minh Anh đã phải ra về tay trắng khi ghé vào hai cửa hàng tiện lợi gần khách sạn. “Do không biết đường và việc di chuyển khá nguy hiểm, nhóm tôi chọn đi những cửa hàng gần. Khi vào đến nơi, các gian hàng đều đã trống trơn”, cô kể.
Đến khi cả nhóm về khách sạn thì bắt gặp nhiều du khách khác cũng vừa đi mua thêm đồ. Các siêu thị ở trung tâm thành phố thêm hàng liên tục nhưng đều hết sạch, đặc biệt là mì gói.
"Tuy nhiên, tôi quan sát hiếm thấy ai gom số lượng lớn, mọi người đều chừa phần cho nhau”, Minh Anh chia sẻ.
Hiện tại, Khánh Hà và Minh Anh cũng như nhiều du khách khác đợi trời ngớt mưa. Các khách sạn và khu nghỉ dưỡng trên địa bàn đều đóng toàn bộ dịch vụ và khu vui chơi. Chiều tối 27/9, các điểm nghỉ đều gia cố cửa kính, lên các phương án dự phòng và chuẩn bị sẵn nhu yếu phẩm cho khách hàng của mình.
Người dân hỗ trợ
Jessie Tran (Đà Lạt) chia sẻ đây là lần đầu chứng kiến sự đáng sợ của bão miền Trung và cảm nhận được những điều ấm lòng từ người dân Đà Nẵng. Jessie có chuyến công tác từ Đà Lạt đến Đà Nẵng một mình ngay đúng ngày cơn bão Noru đổ bộ.
Như nhiều người khác, lịch trình chuyến đi của cô bị ảnh hưởng do thời tiết xấu. Đáng lẽ, Jessie phải về Đà Lạt vào sáng nay, nhưng chuyến bay bị hủy và cô đành phải ở lại đây thêm vài ngày nữa, đợi bão tan.
|
Khách sạn gia cố lại cửa trước giờ bão đổ bộ. Ảnh: Jessie Tran. |
"Mình ở luôn tại khách sạn đã đặt phòng trước đó và được hỗ trợ nhiệt tình. Họ dặn dò mua đồ dự trữ vì sẽ không thể ra ngoài trong 2 ngày, khoảng 1h sáng nay còn mất điện. Khách sạn trang bị máy phát điện nên không có gì đáng lo ngại", Jessie chia sẻ.
Ngày đầu chứng kiến bão đổ bộ, Jessie kể lại cô rất lo sợ vì chưa từng rơi vào hoàn cảnh này bao giờ.
"Người dân ở đây giúp đỡ nhau nhiệt tình. Khách sạn mình ở có các bạn lễ tân dặn dò kỹ lưỡng, còn tặng thêm bánh và sữa để mình dùng trong những ngày bão vào. Điều này làm mình cảm thấy ấm lòng", Jessie bày tỏ.
Bữa ăn tránh bão của du khách kẹt lại ở Đà Nẵng. Ảnh: Jessie Tran. |
Trong khi đó, nhiều khách sạn trên địa bàn thành phố Đà Nẵng cũng thông báo giảm giá, miễn phí phòng ở cho người dân, du khách tránh bão.
Anh Jason Nguyễn, người tổ chức tour cho khách lẻ ở Đà Nẵng, cho biết: “Trung tâm thành phố hiện có nhiều khách sạn cho khách lưu trú và cung cấp đồ ăn miễn phí trong suốt thời gian này”, Jason thông tin. Chỉ cần còn chỗ, các chủ khách sạn không ngại nhận thêm người cần hỗ trợ.
Trên các hội nhóm ở Đà Nẵng, thông tin về các khách sạn miễn phí liên tục được cập nhật. Các điểm vui chơi, điểm đến nổi tiếng cũng đều đã được gia cố và tạm ngưng hoạt động đến khi bão tan.
Chị Phan Vĩnh Anh, chủ một khách sạn trên đường Ngô Quyền, chia sẻ do đầu tuần nên khách du lịch không đông, khách sạn còn nhiều phòng trống, chị miễn phí cho mọi người cần chỗ trú bão.
"Ăn ở mình lo, chỉ cần mọi người an toàn. Khách sạn rộng, nhiều phòng, kiên cố, ai đến giờ nào bất kể buổi đêm, cứ gọi điện là mình đón", chị Vĩnh Anh nói.
Tương tự, khách sạn Palmier trên đường Sơn Trà cũng hỗ trợ người dân, sinh viên, du khách tránh bão khi giảm giá còn 60.000 đồng/đêm/phòng 2 khách. Đại diện khách sạn này cho biết đến sáng 28/9 chỉ còn khoảng 2 phòng trống. Người lưu trú chủ yếu là sinh viên, người dân không có nhà cửa kiên cố. Khách du lịch không nhiều vì hiện tại là ngày trong tuần.
Bão tan
Theo anh Jason Nguyễn: “Từ khi bão chưa vào, khu vực các bãi biển đã có gió rất lớn. Các hoạt động vui chơi, tắm biển đều phải tạm ngưng để đảm bảo an toàn”.
Riêng với đơn vị của anh, hiện có 2 đoàn khách đang lỡ kế hoạch và phải ở lại Hà Nội do sân bay đóng cửa. “Tôi làm tour nên cũng bị ảnh hưởng khá nhiều. Tuy nhiên, khách đều hiểu và thông cảm. Trước mắt, cần phải đảm bảo cho du khách ở đây”, Jason nói.
Ngay từ chiều qua, các siêu thị và cửa hàng tiện lợi ở Đà Nẵng đã rơi vào tình trạng quá tải, hàng hóa không đủ đáp ứng.
“Xe du lịch đổ về đó rất nhiều. Khách du lịch đều soạn đồ theo tâm thế đi chơi nên bây giờ họ cần chuẩn bị thêm các mặt hàng thiết yếu để sử dụng trong thời gian chờ bão tan”, người này cho hay.
Du khách, người dân ra biển Mỹ Khê chụp hình từ sáng sớm 28/9. Ảnh: Jason Nguyễn. |
Khách du lịch và người dân địa phương chỉ mua hàng với số lượng vừa đủ. Mua xong họ nhanh chóng về nơi trú bão an toàn.
Cập nhập với phóng viên về tình hình hiện tại ở Đà Nẵng, anh Jason cho biết đêm qua bão đổ bộ không gây thiệt hại gì quá nghiêm trọng, hầu như chỉ có cây cối đổ. Hiện, toàn thành phố đang mất điện.
"Sáng nay bão tan, nhiều người còn dậy sớm ra đường, ra bờ kè ven biển chụp hình", anh Jason thông tin thêm.
Tác giả: Bích Phương - Vân Khanh
Nguồn tin: zingnews.vn