Quang cảnh phiên họp vào buổi sáng. Ảnh: daibieunhandan.vn |
Tiếp tục ngày làm việc thứ 9, Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XIV, sáng 30/5, Quốc hội làm việc tại Hội trường, buổi chiều thảo luận tại tổ.
Theo đó, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phùng Xuân Nhạ thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ trình bày Tờ trình dự án Luật Giáo dục đại học (sửa đổi). Căn cứ của dự án luật này, theo người đứng đầu Bộ Giáo dục và Đào tạo là nhằm tạo sự đổi mới từ trong nhận thức, tư duy quản lý và phương thức quản trị đại học. Dự án luật được xây dựng cũng sẽ đánh giá quá trình thực thi luật hiện hành trong 5 năm, từ đó xem xét những vướng mắc từ thực tiễn.
Cũng trong buổi sáng, Quốc hội đã thảo luận về dự kiến Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2019, điều chỉnh Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2018.
Buổi chiều cùng ngày, Quốc hội thảo luận ở tổ về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục; dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục đại học.
Phát biểu tại phiên thảo luận tổ, đa số ý kiến đại biểu nhất trí với sự cần thiết sửa đổi bổ sung Luật Giáo dục nhằm thể chế hóa các quan điểm, định hướng của Đảng về giáo dục, tạo cơ sở pháp lý để nâng cao chất lượng giáo dục, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội trong giai đoạn mới, tăng cường tính chủ động trong hội nhập quốc tế về giáo dục.
Đại biểu Nguyễn Thanh Hiền phát biểu tại buổi thảo luận tổ. Ảnh: Anh Tuấn |
Đại biểu Nguyễn Thanh Hiền - Phó Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Nghệ An đề nghị dự thảo luật cần đảm bảo tính liên thông và phân luồng học sinh. Dự thảo luật cần có hướng điều chỉnh để giải quyết thực trạng này. Bên cạnh đó, liên quan đến lĩnh vực sửa đổi sách giáo khoa thì cần phải có độ mở đối với địa phương để có thể đưa các nội dung liên quan lịch sử, bản sắc văn hóa từng địa phương vào chương trình sách giáo khoa.
Đại biểu Nguyễn Đắc Vinh - Bí thư Tỉnh ủy Nghệ An. Ảnh: Anh Tuấn |
Đồng ý với quan điểm này, đại biểu Nguyễn Hữu Cầu - Giám đốc Công an Nghệ An đề nghị đổi tên dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều Luật Giáo dục nên thay đổi thành Luật Giáo dục (sửa đổi). Cần có các cơ chế, chính sách để tránh tình trạng lạm dụng xã hội hóa. Trong điều kiện ngân sách nhà nước còn hạn hẹp, nên đưa khoản xây dựng nhà trường vào một khoản thu công khai, cần có một định mức đóng góp tiền xây dựng nhà trường, tránh áp lực cho giáo viên, tạo điều kiện công bằng trong việc dạy và học giữa các vùng miền.
Tác giả: Huyền Thương
Nguồn tin: Báo Nghệ An