Kinh tế

Đại hội đồng cổ đông bất thường của FLC bị hủy

Sáng 10/6, cuộc họp Đại hội đồng cổ đông bất thường của FLC đã không thể diễn ra do không đủ số lượng cổ đông tham dự.

Ảnh minh hoạ

Đại hội đồng cổ đông bất thường diễn ra với nội dung chính là trình cổ đông việc miễn nhiệm và bầu bổ sung thành viên HĐQT, Ban kiểm soát nhiệm kỳ 2021-2026.

Giải thích nguyên nhân, bà Bùi Hải Huyền, Tổng giám đốc FLC cho biết, qua rà soát, số lượng thành viên, kết quả kiểm tra tư cách cổ đông chỉ ghi nhận 239 người tham dự trên tổng số hơn 80.000 cổ đông.

Trong khi đó, các cổ đông tham dự đại diện cho trên 239 triệu cổ phần, chỉ chiếm khoảng 33,77% vốn điều lệ doanh nghiệp. Với tỷ lệ này, số lượng cổ phần có quyền biểu quyết tham dự, Đại hội đồng cổ đông bất thường của FLC đã không thể diễn ra. Bởi vốn điều lệ doanh nghiệp không đủ trên 50%.

Chình vì vậy, Tập đoàn FLC đã ra thông báo sẽ triệu tập phiên họp cổ đông bất thường lần 2 vào ngày 2/7 tới.

Nếu đến lần thứ 2 đại hội bất thường vẫn không đủ điều kiện tiến hành, việc triệu tập họp lần thứ 3 sẽ được diễn ra trong thời hạn 20 ngày sau. Trong trường hợp này, phiên họp sẽ được tiến hành không phụ thuộc vào số cổ đông và tỷ lệ cổ phần có quyền biểu quyết tham dự.

Theo tài liệu FLC, đại hội bất thường lần này của tập đoàn chủ yếu để miễn nhiệm chức danh thành viên HĐQT đối với ông Trịnh Văn Quyết và bà Hương Trần Kiều Dung, đồng thời bầu ra 2 nhân sự thay thế, bao gồm cả thành viên HĐQT độc lập.

Bên cạnh đó, FLC cũng sẽ trình cổ đông miễn nhiệm chức danh với 3 thành viên Ban kiểm soát, gồm bà Phan Thị Bích Phượng, ông Nguyễn Chí Cương và ông Nguyễn Đăng Vụ. Trước đó, cả 3 thành viên này đã có đơn từ nhiệm sau khi một loạt lãnh đạo cấp cao của FLC vướng vòng lao lý.

Trong khi đó, FLC thông tin sẽ công bố danh sách ứng viên bầu thành viên HĐQT nhiệm kỳ 2021-2026 thay ông Quyết và bà Dung trước ngày 10/6, tuy nhiên, trong phiên họp dự kiến diễn ra sáng nay, danh sách này vẫn chưa được công bố.

Theo quy định của Luật Doanh nghiệp 2020, phiên họp cổ đông lần 1 phải đảm bảo ít nhất 50% số lượng cổ phần có quyền biểu quyết tham dự theo cả hình thức trực tiếp và ủy quyền. Trường hợp đại hội lần 1 không đủ điều kiện tiến hành việc triệu tập họp lần 2 sẽ thực hiện trong vòng 30 ngày sau đó.

Đại hội lần 2 sẽ được tiến hành khi có số cổ đông và đại diện theo ủy quyền dự họp chiếm ít nhất 33% tổng số cổ phần có quyền biểu quyết.

Tác giả: Hà Tân

Nguồn tin: vietnamfinance.vn

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP