Phiên tòa xét xử sơ thẩm 2 cựu Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa Nguyễn Chiến Thắng và Lê Đức Vinh cùng thuộc cấp vì để xảy ra sai phạm tại Dự án sinh thái tâm linh Cửu Long Sơn Tự và Dự án biệt thự sông núi Vĩnh Trung đã khép lại với mức án cho từng bị cáo.
Trong đó, ông Nguyễn Chiến Thắng chịu hình phạt cao nhất với 5 năm 6 tháng tù; Các ông Lê Đức Vinh bị phạt 4 năm 6 tháng tù.
Ông Thắng ngồi chờ đến phần bản thân tự bào chữa cho những sai phạm của mình tại phiên tòa. |
Cựu Chủ tịch hầu tòa với mái tóc bạc trắng
Ông Nguyễn Chiến Thắng bắt đầu giữ chức Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa từ tháng 12/2010 đến tháng 10/2015 thì nghỉ hưu.
Sau 4 năm mãn nhiệm, cuối năm 2019, ông Thắng bị kỷ luật cách hết toàn bộ chức vụ trong Đảng vì đã có sai phạm nghiêm trọng, làm thất thoát đất đai, tài sản Nhà nước khi đương chức.
Năm 2021, ông Thắng và nhiều cán bộ chủ chốt ở Khánh Hòa lần lượt bị khởi tố vì có liên quan đến các sai phạm đất đai. Riêng ông Thắng đến nay đã bị khởi tố trong 3 vụ án.
Tuổi 67 ông Thắng hầu tòa với mái tóc bạc trắng, những ngày đầu tại tòa, ông Thắng không nói mình oan, nhưng vẫn cho rằng mình ký các quyết định trái pháp luật là do cấp dưới tham mưu, hay những lời biện minh "vì tâm huyết, vì sự phát triển của tỉnh".
Trái với lời khai của cựu Chủ tịch, ông Lê Mộng Điệp - cựu Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường - lại cho rằng, bản thân tham mưu các tờ trình đều do sự chỉ đạo của UBND tỉnh và "cảm thấy buồn" vì những lời khai của người từng là cấp trên của mình.
Trong những ngày xử án, sau khi nghe lần lượt các bị cáo nói "mình vướng vòng lao lý vì các chỉ đạo của lãnh đạo tỉnh", dường như ông Thắng nhận ra điều gì đó. Trước phần bào chữa cho bản thân, ngồi trên bục khai báo (do ông Thắng tuổi cao nên hội đồng xét xử cho phép ngồi - PV), ông Thắng đã tự bỏ khẩu trang lộ rõ khuôn mặt đầy nếp nhăn, mái tóc bạc tuổi "xế chiều" và đôi mắt buồn bã nhìn vô định.
Cất lời tự bào chữa, ông Thắng phải khóc nghẹn 2 lần khi nói về cha mẹ và dường như ông hối lỗi với những gì mình đã làm. Cuối cùng, ông cũng tự nhận tội và không muốn đổ lỗi cho ai. "Tôi nhận tội là người đứng đầu rồi, tôi không đổ cho ai cả" - ông Thắng nói trước tòa.
Chiều ngày xử án thứ 5, ông Thắng được tòa cho phép nói lời sau cùng đầu tiên và ông tự đặt câu hỏi vì sao bản thân lại bước sang một ngã rẽ bi thảm?
"Kể từ khi bị khởi tố, bắt tạm giam đến nay đã tròn 10 tháng, đó cũng chính là khoảng thời gian tôi dằn vặt, suy nghĩ, tự vấn để cố gắng lý giải vì sao số phận của mình lại bước sang một ngã rẽ bi thảm như hiện nay" - ông Thắng trình bày.
Cảnh tỉnh các thế hệ lãnh đạo kế tiếp
Trong phần nói lời sau cùng, lần lượt các bị cáo đều muốn nhắn nhủ rằng, vụ án vừa được xét xử là một bài học xương máu, lời cảnh tỉnh cho thế hệ lãnh đạo kế tiếp trong việc áp dụng pháp luật khi thực hiện nhiệm vụ.
"Tôi cho rằng vụ án này là bài học xương máu, là lời cảnh tỉnh cho các thế hệ lãnh đạo kế tiếp trong việc nhận thức và áp dụng pháp luật, để không xảy ra các vụ việc tương tự trong tương lai" - cựu Chủ tịch tỉnh Nguyễn Chiến Thắng nói.
Trong khi đó, ông Đào Công Thiên - cựu Phó Chủ tịch tỉnh Khánh Hòa - lại mong những lớp lãnh đạo sau này xem vụ án là bài học kinh nghiệm để có những "bước đi thảnh thơi".
"Bị cáo tin tưởng các thế hệ lãnh đạo sau này rút ra được những bài học kinh nghiệm và đi với bước chân vững chãi, thảnh thơi" - ông Thiên nhắn gửi.
Ông Lê Văn Dẽ - cựu Giám đốc Sở Xây dựng - muốn đồng nghiệp, "đàn em" phải thực hiện Luật Công chức "một cách ráo riết".
"Tôi đã có nhiều năm cống hiến, nhưng những ngày cuối lại vướng vòng lao lý với một lý do mà đồng nghiệp của tôi sau này phải lấy đây là bài học, để từ đó có tính kiên quyết, phải thực hiện Luật Công chức ráo riết. Cấp trên chỉ đạo không đúng phải kiên quyết báo cáo lại cấp trên, nếu cấp trên quyết định thì chúng ta làm, chứ còn không thì rất là khó" - ông Dẽ nói.
Tác giả: Trung Thi
Nguồn tin: Báo Dân trí