Theo lời kể của gia đình, do thời tiết lạnh giá nên cụ ông N.V.N. ( 68 tuổi) ở Hưng Yên đã đốt lửa sưởi ấm. Trong lúc sơ ý cụ đã bị bỏng; do mặc nhiều quần áo ngọn lửa lan nhanh, cụ phản ứng chậm khiến tình trạng bỏng rộng.
Gia đình nghe mách có thầy lang chữa bỏng rất tốt nên đưa cụ đến đó để chữa. Sau khi đến nhà thầy lang khoảng 10h sáng hôm trước được thầy cho bôi loại thuốc lên các vết bỏng nhưng đến 7h sáng ngày hôm sau người thân thấy cụ có tình trạng nặng, người mệt mỏi không ăn uống nên vội đưa cụ vào Bệnh viện Xanh Pôn (Hà Nội) để được cấp cứu.
Tại đây các bác sĩ chẩn đoán cụ bỏng toàn thân khoảng 70%, bỏng độ 3, độ 4 và sốc nặng nên được chuyển đến Viện Bỏng Quốc gia.
Viện Bỏng quốc gia thường xuyên tiếp nhận nhiều trường hợp bỏng nặng. Ảnh BSCC |
Theo TS.BS Nguyễn Hải An - Trưởng khoa Hồi sức cấp cứu, Viện Bỏng quốc gia cho biết, khi tiếp nhận bệnh nhân đã trong tình trạng sốc nặng, các bác sĩ đã tiến hành chống sốc và chống nhiễm khuẩn kết hợp với các thuốc đặc trị.
Sau 1 tuần mặc dù đã được các bác sĩ y tá tích cực chăm sóc và điều trị nhưng bệnh nhân không qua khỏi và đã tử vong.
BS An cho hay, chỉ cần quá 6 giờ kể từ khi bị sốc nhiệt, vết bỏng có thể hoại tử do tác dụng của nhiệt gây ra. Khi nhiệt lượng càng lớn, thời gian tiếp xúc càng lâu, vết bỏng càng sâu. "Bệnh nhân này khi bị bỏng không vào viện kịp thời mà điều trị ở nhà thầy lang nên nhiễm trùng, khó cứu chữa", BS An nói.
Các BS cũng thông tin, bỏng là tai nạn phổ biến mà bất kỳ ai cũng có thể gặp phải, đặc biệt, càng thiếu kỹ năng bao nhiêu, càng hay bị bỏng bấy nhiêu. Nếu không biết cách xử lý vết thương khi bị bỏng, thì hậu quả sẽ càng nặng nề. Ngoài bỏng do cháy nổ, nhiều người thường xuyên bị bỏng khi làm bếp, bỏng bô xe máy và các thiết bị trong sinh hoạt và nơi làm việc.
Mỗi năm, Viện Bỏng quốc gia tiếp nhận trên 100 bệnh nhân bỏng, trong đó có khoảng 20% do sơ cứu ban đầu không đúng cách. Đặc biệt bỏng tăng mạnh vào mùa rét, nhất là bỏng lửa do người già và trẻ em ngã vào đống lửa, có người phải cắt cụt chi.
Do mất nước qua vết bỏng, rối loạn vi tuần hoàn nên người bỏng bị sốc rất nặng. Biểu hiện mạch nhanh, tụt huyết áp, khó thở, các chức năng sống suy giảm. Cấp cứu không kịp thời, bệnh nhân có thể tử vong. Do vậy, việc sơ cứu ban đầu cho người bị bỏng là một trong những yếu tố quan trọng, giúp cho vết thương không bị ăn sâu vào bên trong, tránh tình trạng bội nhiễm và biến chứng nguy hiểm.
Do đó, các chuyên gia khuyến cáo, nạn nhân bị bỏng không bôi kem đánh răng, nước mắm, mỡ trăn,… lên vết bỏng mà chỉ ngâm nước mát 15-20 phút, cố gắng bảo tồn nơi tổn thương do phỏng, tránh làm trợt vùng da bị bỏng. Sau đó đắp gạc vô trùng, thậm chí đắp khăn mặt tẩm nước sạch lên vết bỏng, băng kín và đưa đến cơ sở y tế.
Trường hợp diên tích bỏng lớn, chiếm diện tích trên 10% diện tích cơ thể ở trẻ em hoặc trên 20% ở người lớn, không nên ngâm lâu trong nước, sau khi hạ nhiệt vùng bỏng cho bệnh nhân bằng nước sạch, tiến hành băng kín vùng bị bỏng, ủ ấm bệnh nhân, chuyển đến cơ sở y tế để cấp cứu kịp thời.
Tác giả: Chí Tâm
Nguồn tin: Báo Công lý