Sinh ra tại một miền quê giàu truyền thống cách mạng. Năm 1960, theo tiếng gọi theo liêng của Tổ Quốc, Ông Vương Đức Thuận (sn 1936) quê ở xóm Thái Bình, xã Nghi Thái ( Nghi Lộc-Nghệ An) lên đường nhập ngũ.Trung đoàn 264 là nơi đầu tiên ông được biên chế và sau đó được điều chuyển tham gia chiến đấu tại chiến trường Lào thuộc đơn vị trinh sát Trung đoàn 925. Đến tháng 8/1964 ông chuyển về tiểu đoàn 1, Quân khu 4, vào chiến đấu ở chiến trường Trị – Thiên.
Để tránh sự tấn công hàng loạt của quân cách mạng vào nội thành Huế, vào năm 1968, Mỹ đã tăng cường đến Huế hơn 140 sỹ quan cố vấn cho lực lượng ngụy quân. Khách sạn Hương Giang, nơi tập trung toàn bộ sỹ quan Mỹ đang trú ngụ là địa điểm mà ông Thuận và các đồng đội nhận nhiệm vụ tấn công. Tình hình đang diễn ra cấp bách, khi tiêu diệt 2 tên lính gác, đội quân cảm tử phải nhanh chóng tiêu diệt hết đội quân cố vấn trước khi chúng kịp phát hiện.
Nhiệm vụ đã hoàn thành nhưng trên đường rút bất ngờ bị địch tấn công. Trận chiến đã xảy ra khiến 22 chiến sỹ đã anh dũng hi sinh. Ông Thuận và một đồng đội bị thương nặng rồi bị địch bắt và nhốt vào trại biệt giam ở Đà Nẵng. Trong tù mặc dù đang bị thương nặng và trước những nhục hình gian ác của kẻ thù, ông Thuận vẫn kiên quyết không chịu khai và tìm cách liên lạc, sinh hoạt với tổ chức Đảng. Ước tính được tình thế không an toàn, địch đã lên kế hoạch chuyển toàn bộ tù binh gần 1.000 người ra nhà ngục Phú Quốc (Kiên Giang).
Ngay lập tức nhận được lệnh cuả bí thư Đảng ủy: “Phải tổ chức bằng mọi cách cho anh em tù binh vượt ngục" bằng cách đào hầm. Sự việc sau đó bị bại lộ, đồng chí Long là bí thư chi bộ bị địch dùng mọi cực hình dã man như kẹp hai chân, đóng đinh trên đầu xuống…nhưng cũng không khai thác được thông tin gì và đồng chí Long đã anh dũng hi sinh.
Ông Thuận kể tiếp, đến lượt ông chúng dùng kẹp sắt nghiền nát đôi tay, dí điện vào người nhưng tôi nhất định không khai. Vừa kể ông vừa đưa tay xắn đầu gối lên cho chúng tôi xem: “ Đây là di chứng của một tên ngụy lấy đinh đóng vào đầu gối của tôi để cho tàn phế”. Suốt mấy tháng tra tấn dã man không có kết quả gì, chúng thả các tù nhân "nguy hiểm" ra các trại tập trung tại Khu A5 ở đảo Phú Quốc.
Ở tại đây ông tiếp tục bắt liên lạc với tổ chức Đảng và được bầu vào BCH Đảng bộ và phụ trách Chi bộ 7. Đầu năm 1971, Đảng ủy nhà tù quyết định tổ chức, chỉ đạo anh em tù binh đào hầm vượt ngục. Ông Vương Đức Thuận được Đảng ủy cử làm Trưởng ban chỉ đạo, có nhiệm vụ chỉ đạo chung.
Việc đào hầm được diễn ra với điều kiện và hoàn cảnh hết sức khó khăn. Chủ yếu thực hiện vào ban đêm trong khi không có một dụng cụ nào ngoài nắp cà-mèn dùng đựng cơm để đào đất. Đất được bỏ vào trong bao tải được lấy từ các miếng vải bạt rách may lại và đưa ra ngoài vườn nén chặt lấy đất khô rải lên. Công việc cứ thế diễn ra từ đêm này qua đêm khác, tháng này qua tháng khác dưới sự chỉ huy của ông Thuận mà không hề bị địch phát hiện.
Sau 4 tháng khoét từng thớ đất, đêm 12/5/1971 cuối cùng đường hầm cũng đã thông. Ban thường vụ Đảng ủy đã tiến hành họp lựa chọn người vượt ngục để tiếp tục ra ngoài bắt liên lạc chiến đấu. Mặc dù cấp trên không nhất trí nhưng ông Vương Đức Thuận đề nghị xin cấp trên được ở lại với lý do:” Tôi bị đóng đinh xuyên đầu gối, đi lại khó khăn, dọc đường sợ làm phiền đến các đồng chí. Nay tôi xin ở lại để làm chỗ dựa cho anh em trong này”.
Sáng ra phát hiện 27 người đã trốn thoát, địch tra hỏi ông Thuận đã trả lời: “ Tôi không biết kế hoạch này, nếu biết tôi cũng vượt ra ngoài, giờ không còn ở lại để các anh tra hỏi”. Các chiến sỹ vượt ngục đêm hôm ấy đều bắt liên lạc được với tổ chức bên ngoài, tiếp tục hoạt động và lập được nhiều chiến công lớn. Nhiều đồng chí là sỹ quan cao cấp của quân đội nay đã nghỉ hưu, có người được phong Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân.
Sau Hiệp định Pa-ri (1973), những người tù cộng sản được trao trả và ra miền Bắc an dưỡng trong đó có ông Thuận. Sau hơn 13 năm biền biệt quê hương kề cập giữa sự sống và cái chết. Nhắc đến chuyện trở về quê nhà gây chấn động cả vùng quê Nghi Thái, ông kể tiếp:” năm 1968, sau trận đột kích khách sạn Hương Giang tiêu diệt kẻ thù. Đơn vị đã gửi giấy báo tử về cho gia đình, chính quyền địa phương đã tổ chức lễ truy điệu. Những người thân đã khóc thương ròng rã và làm giỗ cúng ông suốt 4 năm nay.
Trở về địa phương ông Vương Đức Thuận được bố trí làm cán bộ chính sách Tỉnh đội Nghệ An. Khi chiến tranh biên giới phía Bắc nổ ra, khí thế chiến đấu của người chiến sỹ cách mạng cứ thúc giục ông lên đường. Nhưng vì thương tật đầy mình và vấn đề sức khỏe nên cấp trên không đồng ý. Ông trở về với quê hương xóm Thái Bình tham gia sinh hoạt chi bộ và có nhiều đóng góp quý báu.
Với những chiến công anh dũng bất khuất Ông Vương Đức Thuận đã được Đảng và Nhà nước ghi nhận, trao tặng những phần thưởng danh hiệu cao quý như: Kỷ niệm chương chiến sỹ cách mạng bị địch bắt, tù đày; ba Huân chương kháng chiến; Huân chương giải phóng; Huy hiệu 50 năm tuổi Đảng.
Mấy năm về trước các đồng chí, đồng đội và Hội chiến sỹ cách mạng bị địch bắt tù đày tỉnh Nghệ An đã hoàn thành hồ sơ đề nghị phong tặng Anh hùng lực lưỡng vũ trang nhân dân cho ông Thuận. Nhiều nhân chứng cùng ông trải qua những năm sống chết kể lại. Đặc biệt, trong hồ sơ ông Lê Văn Kiệm – Chủ tịch Hội chiến sỹ cách mạng bị tù đày xã Duy Châu (Duy Xuyên – Quảng Nam) xác nhận có đoạn ghi: “Suốt quá trình ở trong tù, đồng chí Vương Đức Thuận là người lãnh đạo Đảng kiên trung, bất khuất, dũng cảm đấu tranh với kẻ địch và không đầu hàng địch. Đồng chí đã giữ vững khí tiết của người Cộng sản, được tổ chức Đảng tin tưởng và anh em mến phục”.
Người nhà ông Thuận chia sẻ thêm: "Từ khi làm hồ sơ đề nghị cho tới bây giờ cũng đã mấy năm, không biết lý do gì mà cho tới nay bố tôi vẫn chưa được công nhận. Gia đình cũng không nhận được câu trả lời nào từ phía cơ quan có thẩm quyền". Giờ đây ông Thuận đã ở độ tuổi cao sức yếu, những vết thương chiến tranh để lại và căn bệnh quái ác ung thư giai đoạn cuối đang giày xéo thân thể ông.
Những trăn trở, chờ mong của bản thân ông và gia đình, người thân là được Đảng và Nhà Nước xét phong tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân cho ông Thuận ở những tháng năm cuối đời để xứng đáng với công lao to lớn của ông đã từng đóng góp.
Tác giả bài viết: Nguyễn Thưởng - Kế Hùng