Thế giới

Chiến hạm Moskva bị chìm - tổn thất hải quân lớn nhất của Nga trong 40 năm

Việc một tàu chiến lớn bị chìm trong trận chiến thực sự là một sự kiện hiếm có trong chiến tranh hải quân hiện đại.

Chiến hạm Moskva của Nga trước khi bị chìm (Ảnh: Getty).

Chiến hạm Moskva thuộc Dự án 1164 Slava của Hải quân Nga đã bị chìm ở Biển Đen hôm 14/4, chưa đầy 24 giờ sau khi có thông tin cho rằng nó bị tên lửa hành trình chống hạm Neptune của Ukraine tấn công.

Mặc dù hiện tại chưa rõ chắc chắn điều gì đã xảy ra với chiến hạm Moskva, nhưng việc nó bị chìm có tác động rất lớn, và đặc biệt nếu đó là hành động tấn công của Kiev thì sẽ là một sự kiện cực kỳ hiếm.

Hiện có những tranh cãi quanh số phận của chiến hạm này.

Bộ Quốc phòng Nga hôm 14/4 thông báo tàu bị hư hại nặng sau một vụ cháy gây nổ kho đạn và hơn 500 thủy thủ được sơ tán an toàn. Đám cháy trên tàu sau đó được khống chế và chiến hạm Moskva được kéo về cảng ở Crimea, với các bệ phóng tên lửa còn nguyên vẹn.

Tuy nhiên, trong quá trình được lai dắt về cảng, chiến hạm Moskva đã bị chìm do phần thân bị hư hại khiến tàu mất ổn định trong điều kiện sóng lớn, Bộ Quốc phòng Nga 14/4 cho biết thêm. Nhưng bộ này không cung cấp chi tiết về mức độ thiệt hại hoặc bất kỳ thông tin nào về số thương vong.

Trong khi đó, giới chức Ukraine cho biết, quân đội nước này đã tập kích tên lửa Neptune, phá hủy nghiêm trọng chiến hạm Moskva của Nga ở Biển Đen. "Tên lửa chống hạm Neptune phòng thủ ở Biển Đen đã gây thiệt hại nghiêm trọng cho tàu chiến của Nga", Guardian dẫn thông tin trên Telegram của Thống đốc Odessa Maksym Marchenko cho biết.

Cố vấn của Tổng thống Ukraine, ông Oleksiy Arestovych, cũng viết trên mạng xã hội rằng: "Bất ngờ đã đến với chiến hạm thuộc hạm đội Biển Đen của Nga. Nó đang bốc cháy dữ dội. Có 510 thủy thủ trên tàu".

Nếu chiến hạm Moskva bị tên lửa chống hạm của Ukraine tấn công, hoặc thực sự trở thành nạn nhân của một cuộc tấn công khác của Ukraine khiến nó bị chìm, thì đây chính là một vụ việc lớn trong chiến tranh hải quân hiện đại.

Ảnh vệ tinh tàu tuần dương Moskva và các tàu hỗ trợ hôm 13/4 (Ảnh: Sentinel-1).

Đây là vụ tàu quân sự lớn nhất bị chìm trong hàng thập niên qua, nhưng đây liệu có phải tổn thất cho Nga khi xem xét đến vai trò thực tế của soái hạm này trong cuộc chiến tại Ukraine?

Trên hết, ý nghĩa trước mắt đối với Hải quân Nga là việc mất tàu chiến lớn nhất của họ ở Biển Đen, và là một trong số ít những chiếc Slavas từng được hoàn thành. Ngoài việc từng là một trong 6 tàu chiến lớn nhất của Hải quân Nga, Moskva còn là một vũ khí phòng không và chống hạm lớn trong khu vực, trang bị tên lửa đất đối không tầm xa và tên lửa chống hạm siêu thanh.

Điều đáng chú ý là Moskva là tàu chiến thứ hai của Hải quân Nga bị mất trong cuộc chiến ở Ukraine. Tháng trước, tàu đổ bộ lớp Saratov thuộc Đề án 1171 Alligator (được báo cáo ban đầu là Orsk) đã bốc cháy ở cảng Berdyansk do Nga chiếm đóng trên Biển Azov. Bộ Quốc phòng Ukraine tuyên bố rằng một trong những tên lửa đạn đạo tầm ngắn (SRBM) Tochka (SS-21 Scarab) của họ đã bắn trúng tàu này.

Nhưng không có bằng chứng chắc chắn về điều này và có nhiều khả năng con tàu là nạn nhân của một vụ hỏa hoạn, vốn lan ra kho đạn.

Nói chung, một chiến hạm quy mô lớn như Moskva bị vô hiệu hóa bởi bất kỳ loại hành động nào của đối phương là một điều cực kỳ hiếm khi xảy ra.

Lần cuối cùng một chiến hạm bị đánh chìm trong một trận chiến là vào ngày 2/5/1982, trong Chiến tranh Falklands diễn ra ở Nam Đại Tây Dương giữa Anh và Argentine.

Trong một sự cố gây tranh cãi, chiến hạm General Belgrano của Hải quân Argentine đã bị tàu ngầm tấn công chạy bằng năng lượng hạt nhân HMS Conqueror của Anh đánh chìm, khiến hơn 300 thủy thủ đoàn thiệt mạng.

Cựu tướng Belgrano, người lần đầu tiên tham gia phục vụ Hải quân Mỹ vào năm 1938 với tên gọi USS Phoenix và sống sót sau cuộc tấn công Trân Châu Cảng, đã được chọn để chỉ huy một trong hai nhóm hành động trên mặt nước như một phần của cuộc tấn công gọng kìm của Argentine nhằm gài bẫy 2 hàng không mẫu hạm của Anh ở phía đông quần đảo Falklands nhưng bất thành.

Trong Chiến tranh Ấn Độ - Pakistan năm 1971, tàu khu trục cỡ nhỏ của Ấn Độ INS Khukri, với lượng choán nước khoảng 1.200 tấn, đã bị tàu ngầm PNS Hangor của Pakistan đánh chìm, trở thành tàu chiến đầu tiên trở thành con mồi của tàu ngầm kể từ khi kết thúc Thế chiến II.

Trong Chiến tranh Iran - Iraq vào những năm 1980, tên lửa chống hạm đóng một vai trò quan trọng. Vào tháng 5/1987, một máy bay phản lực thương mại Dassault Falcon 50 của Iraq được sửa đổi đã bắn hai tên lửa Exocet vào tàu khu trục nhỏ lớp Oliver Hazard Perry USS Stark của Hải quân Mỹ đang đi ở Vịnh Ba Tư bên lề cuộc xung đột. Vụ tấn công khiến 37 thủy thủ thiệt mạng và 21 người khác bị thương.

Hải quân Mỹ đã trải qua sự cố khủng khiếp vào tháng 10/2000, với một cuộc tấn công vào tàu USS Cole, một trong những tàu khu trục lớp Arleigh Burke, bởi những kẻ đánh bom liều chết từ tàu nhỏ, chứa đầy chất nổ. Trái ngược với những sự cố khác, Cole đang thả neo vào thời điểm xảy ra vụ tấn công, dừng tiếp nhiên liệu ngoài khơi cảng Aden phía nam Yemen. Vụ tấn công khiến 17 thủy thủ Mỹ thiệt mạng và 39 thủy thủ Mỹ bị thương, đồng thời dẫn đến những thay đổi đáng kể trong quy trình bảo vệ lực lượng trên biển của Hải quân Mỹ.

Nếu thiệt hại gây ra cho Moskva là kết quả của hành động thù địch, thì quy mô của vụ việc dường như sẽ khiến nó trở thành một trong những vụ việc nghiêm trọng nhất trong chiến tranh hải quân kể từ sau chiến dịch Falklands 40 năm trước.

Chiến hạm Moskva bị chìm không chỉ ảnh hưởng đến năng lực tác chiến ở Biển Đen, mà còn là tổn thất lớn về mặt biểu tượng của hải quân Nga.

"Vụ chìm tàu Moskva là thiệt hại nặng nhất của Nga từ đầu chiến dịch tại Ukraine. Mất tàu chiến khác xa với những khí tài quân sự khác, bởi chúng thường được coi là lãnh thổ mở rộng của một quốc gia", Tayfun Ozberk, bình luận viên quân sự kỳ cựu của trang tin Naval News, nhận định.

Tác giả: Thanh Thành

Nguồn tin: Báo Dân trí

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP