Du lịch

Chiếc máy bay biến mất bí ẩn giữa rừng Amazon

Phi công lái các chuyến bay dân dụng qua Amazon thường nói dối về hành trình, vì không được phép cất, hạ cánh tại một số đường băng ở đây.

Đó là một chuyến bay như thường lệ vào cuối năm 2018, qua khu vực rừng nhiệt đới Amazon thuộc Brazil mà phi công Jeziel Barbosa de Moura vẫn thực hiện nhiều lần. Nhưng chỉ sau 25 phút cất cánh trong hành trình dài 2 tiếng từ Matawaré, một ngôi làng cô lập trong Vườn quốc gia Tumucumaque Mountains, tới thị trấn mỏ Laranjal do Jari, phi công 61 tuổi đã gặp sự cố, News đưa tin.

Moura chụp ảnh cùng chiếc máy bay vẫn dùng để chở hành khách bay qua rừng Amazon. Ảnh: News.

Trên chuyến bay mang số hiệu PT-RDZ đó có 8 người, tính cả phi công. Dù dày dạn kinh nghiệm, Moura vẫn tuyệt vọng gọi điện cho một người bạn thân cũng là phi công, Paulo Tridade, 37 tuổi. Moura muốn nhờ Paulo cho lời khuyên về nơi hạ cánh khẩn cấp trong tình huống này để đảm bảo an toàn cho hành khách.

"Hình như là tôi đã bị hỏng động cơ đốt ngoài. Dầu bị rò rỉ trên kính chắn gió. Tôi sẽ hạ cánh ở Independência", đó là những gì Moura nói với Paulo qua radio, và được tiết lộ trên BBC.

Kế hoạch của phi công 61 tuổi bị người bạn phản đối mạnh mẽ. Paulo năn nỉ bạn hãy hạ cánh trên sông Paru thay vì Independência vì đường băng ở nơi đó đã bỏ hoang 15 năm. Nhưng Moura kiên quyết làm theo ý mình. Lúc đó, nam phi công đã tuyệt vọng, tầm nhìn của ông cũng bị mờ dần một cách nhanh chóng. Đường băng ở Independência vẫn là lựa chọn duy nhất lúc đó để có thể hạ cánh an toàn, bất chấp tình trạng xuống cấp của nó. Khi Paulo định ngăn cản bạn thêm một lần nữa, radio liên lạc giữa hai người hoàn toàn rơi vào im lặng.

Rừng mưa Amazon có diện tích hơn 5,5 triệu km2. Ảnh: News.

Sau cuộc gọi đó, Paulo vội vàng lên chiếc máy bay nhỏ của mình để lái đi tìm bạn. Lúc ấy, trời mưa nên tầm nhìn hạn chế, cuộc tìm kiếm của Paulo không thành công. Chiếc phi cơ của Moura và những người có mặt trên đó đã biến mất vào khu rừng xanh tươi, rậm rạp phía dưới.

Những người có mặt trên chuyến bay gồm một phụ nữ bản địa, con rể của bà và một gia đình 5 người. Hành trình bay qua rừng Amazon, từ khu vực phía nam Amapa tới bắc Para. Chi phí cho một chuyến khứ hồi là 10.000 Real Brazil (khoảng hơn 61 triệu đồng).

Amazon là rừng mưa nhiệt đới lớn nhất thế giới, với diện tích 5,5 triệu km2, rộng gấp 17 lần diện tích Vương quốc Anh và Ireland cộng lại. Do vậy, việc tìm kiếm, cứu hộ không phải là nhiệm vụ dễ dàng.

Theo BBC World Service, hai ngày sau cuộc gọi cầu cứu của nam phi công, không quân Brazil bắt đầu một cuộc tìm kiếm. Họ đã thực hiện hơn 128 giờ bay bằng các máy bay cứu hộ, vận tải, trực thăng. Sau hai tuần không có kết quả, mọi hoạt động bị dừng lại.

Hãng thông tấn Agência Brasil thông tin, bạn bè của Moura và người dân bản địa đã tiếp tục tìm kiếm thêm một tháng nữa ở mặt đất. Nhưng cũng không có kết quả. Chiếc máy bay biến mất như thể chưa từng bay qua đây.

Theo Văn phòng Công tố Liên bang, có 49 đường băng chính thức, đủ tiêu chuẩn để cất, hạ cánh ở các khu vực thổ dân tại Brazil. Tại địa điểm mà Moura bay qua, có 17 đường băng không chính thức. Chúng được sử dụng để vận chuyển các chuyên gia y tế, giáo dục và người dân bản địa. Các chuyến bay dân dụng thông thường không được cấp phép tới đây.

Do vậy, các phi công buộc phải đưa ra một hành trình bay giả về điểm đến và hạ cánh. Theo các phi công bay tuyến đường này, việc hạ cánh ở các khu vực trên trong rừng Amazon không khác gì một trải nghiệm chơi trò "tàu lượn siêu tốc". Ngoài ra, bạn phải bay trong lặng lẽ và đôi khi thiết bị liên lạc cũng bị tắt để kiểm soát không lưu không thể biết về các chuyến bay đó.

Không có hướng dẫn không lưu, nên các phi công sẽ phải tự mình làm mọi thứ và đặc biệt không bay vào những lúc giông bão.

Tác giả: Anh Minh

Nguồn tin: Báo VnExpress

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP