Trong tỉnh

Chảy máu rừng phòng hộ Vực Mấu: Bao giờ mới chấm dứt

Tại xã Tân Thắng, huyện Quỳnh Lưu (Nghệ An), tình trạng người dân cố tình lấn chiếm, tự ý khai thác và chuyển đổi mục đích sử dụng đất rừng phòng hộ trái phép vẫn tiếp diễn.

Sự việc xảy ra đã lâu nhưng các đơn vị chức năng không thể xử lý dứt điểm, khiến dư luận thực sự bất an…

Phá rừng trồng… dứa

Thời gian qua, nhiều diện tích rừng phòng hộ xung yếu ở đầu nguồn hồ Vực Mấu thuộc địa phận xã Tân Thắng, bị người dân chặt phá không thương tiếc để chuyển sang trồng dứa. Điều đáng nói, trong số những trường hợp vi phạm có cả những cán bộ đang làm việc ngay tại địa bàn.

Báo cáo của BQLRPH Bắc Nghệ An về tình hình phá rừng tại xã Tân Thắng

Trong báo cáo liên quan đến nội dung “khai thác, lấn chiếm và chuyển đổi mục đích sử dụng đất rừng phòng hộ trái phép tại xã Tân Thắng”, Ban quản lý rừng phòng hộ (BQLRPH) Bắc Nghệ An nêu rõ: Ngày 13/8/2018 ông Dương Đình Phúc, cán bộ văn hóa xã Tân Thắng tự ý khai thác 1,0 ha rừng trồng phòng hộ tại lô 1, khoảnh 11, tiểu khu 337B khi chưa được cơ quan có thẩm quyền cho phép. BQLRPH Bắc Nghệ An cùng với UBND xã Tân Thắng đã tiến hành lập biên bản đình chỉ, đề nghị ông Phúc dừng hành vi vi phạm, đồng thời phối hợp cùng đơn vị chủ rừng xây dựng hồ sơ khai thác, tận thu trình Sở NN-PTNT phê duyệt.

Tuy nhiên, trong khi BQLRPH Bắc Nghệ An tiến hành xác minh nguồn gốc lô rừng để lập hồ sơ, ông Dương Đình Phúc đã tự ý mở rộng quy mô, khai thác sạch bách lô rừng 3,11 ha được giao khoán. Chưa dừng lại, đến ngày 8/10 ông Phúc thuê máy múc tiếp tục san ủi, xới tung lên. BQL đã đề nghị chính quyền tạm giữ phương tiện để làm cơ sở báo cáo cơ quan có thẩm quyền xử lý.

Trước đó (ngày 15/8) trong quá trình tuần tra, cơ quan liên ngành (BQLRPH Bắc Nghệ An, UBND xã Tân Thắng, Hạt Kiểm lâm Quỳnh Lưu) đã phát hiện, lập biên bản đình chỉ 3 trường hợp khác đang có hành vi khai thác rừng trái phép tại tiểu khu 335 nhằm chuyển sang trồng dứa.

Cụ thể: tại lô 1, khoảnh 4, ông Nguyễn Ngọc Sơn, cán bộ tư pháp xã Tân Thắng dùng máy múc san ủi, cày xới trái phép 2,7 ha; tại lô 3, khoảnh 2 ông Đậu Đức Thắng, công dân xóm 2/9, xã Tân Thắng đào bới 0,2 ha; tại lô 1, khoảnh 4 bà Nguyễn Thị Yến, công dân xóm 26/3 san ủi 3,5 ha. Đến nay cả 3 hộ đã tiến hành trồng dứa trên quỹ đất xâm lấn.

Qua thống kê, rừng bị khai thác, chuyển đổi trái phép lên đến gần 10 ha, là rừng phòng hộ đầu nguồn xung yếu…

Trách nhiệm thuộc về ai?

Rừng phòng hộ đầu nguồn bị tàn phá sẽ tiềm ẩn rất nhiều nguy cơ, nếu không sớm có biện pháp xử lý triệt để hậu quả về sau rất khôn lường. Tuy nhiên nếu dựa vào tình hình thực tại, việc gỡ bỏ nút thắt đang gặp muôn vàn khó khăn.

Dựa trên biên bản xác minh, từ năm 2010 ông Dương Đình Phúc nhận khoán và bảo vệ rừng trên đất lâm nghiệp của BQLRPH Bắc Nghệ An với 3,1 ha. Năm 2013 ông Phúc tự bỏ vốn đầu tư trồng, chăm sóc rừng keo. Năm 2017 do ảnh hưởng của bão số 2 nên cây bị gãy đổ hàng loạt, thiệt hại từ 30 - 35%.

Ngày 12/8/2018 ông Phúc có đơn xin khai thác rừng trồng gửi đến UBND xã Tân Thắng và BQLRPH Bắc Nghệ An, tuy nhiên chỉ có xã Tân Thắng xác nhận, phía Ban không phản hồi. 1 ngày sau ông Phúc tiến hành bán rừng keo cho đối tác (không rõ địa chỉ), người này này sau đó tiến hành khai thác làm 2 lần (ngày 13/8 và 10/10).

Nhiều diện tích rừng phòng hộ bị chặt phá tan hoang để trồng dứa

Đành rằng bản thân ông Phúc đã tự bỏ kinh phí trang trải, nhưng dựa theo Quyết định số 48/QĐ-UBND ngày 15/8/2014 của UBND tỉnh Nghệ An về việc điều chỉnh quy hoạch 3 loại rừng, diện tích rừng nói trên là của BQLRPH Bắc Nghệ An. Vì thế việc tự ý khai thác khi chưa có sự chấp thuận của chủ rừng là hành vi vi phạm. Trong khi đó, khu vực do các hộ Nguyễn Ngọc Sơn, Nguyễn Thị Yến, Đậu Đức Thắng khai thác có nguồn gốc là rừng tự nhiên phòng hộ, đã được Hạt Kiểm lâm Quỳnh Lưu giao khoán bảo vệ rừng theo Nghị định 01/NĐ-CP năm 1995. Mấu chốt là các hộ nói trên chưa cung cấp hồ sơ cũng như chưa có văn bản đề nghị BQL RPH Bắc Nghệ An tiếp tục giao khoán bảo vệ rừng.

Xung quanh vụ việc, giữa các đơn vị liên quan chưa thống nhất được quản điểm chung. Trao đổi với NNVN, ông Hồ Văn Quỳ, Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm Quỳnh Lưu khẳng định: “Thời điểm ông Phúc tiến hành khai thác, BQL RPH Bắc Nghệ An không báo cáo cho kiểm lâm xử lý nên khi phát hiện sự việc thì hiện trường chỉ còn đất trống và rải rác một số gốc cây. Trong khi nguyên tắc xử lý hành vi khai thác rừng phải có số lượng, khối lượng cụ thể, đối tượng thực hiện”.

Theo ông Quỳ, diện tích trên dù được quy hoạch cho BQL RPH nhưng thực chất do ông Phúc bỏ vốn trồng rừng từ năm 2013. Lẽ ra thời điểm phát hiện đất bị xâm canh, chủ rừng phải có phương án can thiệp ngay từ ban đầu để tránh những rắc rối về sau: “Sau khi thiệt hại do mưa bão từ 30 - 70% trở lên, theo nguyên tắc khi gia đình làm đơn khai thác tận thu thì đơn vị quản lý phải làm hồ sơ, thủ tục khai thác, đằng này BQL RPH Bắc Nghệ An lại chần chừ, không giải quyết kịp thời nên sự việc ngày càng rắc rối”.

Riêng 3 hộ tự ý cải tạo trồng dứa, sau khi nắm bắt tình hình UBND huyện Quỳnh Lưu đã giao cho các đơn vị chức năng quán triệt, yêu cầu các hộ vi phạm thực hiện nghiêm túc theo quy định, kiên quyết nhổ bỏ toàn bộ số cây dứa đã trồng. Thế nhưng, đến ngày 9/11 mọi thứ vẫn dậm chân tại chỗ (?!)

Trong khi đó, với tư cách chủ rừng BQL RPH Bắc Nghệ An khăng khăng sau đợt thiệt hại do cơn bão số 2 và số 10 xảy ra thời điểm năm 2017 họ không nhận được bất kỳ đơn xin khai thác tận thu nào của tất cả 4 hộ dân. Phải đến ngày 12/8/2018 đơn vị mới tiếp nhận đơn của ông Dương Đình Phúc, mặc dù chưa nhận được chấp thuận nhưng chỉ 1 ngày sau ông Phúc đã tự ý khai thác rừng.

Trưởng BQL rừng phòng hộ Bắc Nghệ An, ông Trần Văn Sơn, thừa nhận việc để cho các hộ dân tự ý chuyển đổi, khai thác rừng trái phép lâu nay trách nhiệm đầu tiên thuộc về phía chủ rừng. Tuy nhiên quyền hạn chính của đơn vị là quản lý và bảo vệ chứ không có chức năng xử phạt.

Tác giả: VIỆT KHÁNH

Nguồn tin: Báo Nông nghiệp Việt Nam

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP