Giáo dục

Ngành giáo dục 34 tỉnh, thành sau sáp nhập: Tập trung ổn định đội ngũ

Sau sáp nhập địa phương, quy mô, cơ cấu giáo dục có sự biến động.

Lãnh đạo Sở GD&ĐT tỉnh Đồng Tháp thăm đội tuyển học sinh giỏi. Ảnh: Q. Ngữ

Ngành Giáo dục đang khẩn trương sắp xếp, ổn định lại đội ngũ cán bộ quản lý, nhà giáo để sẵn sàng bước vào năm học mới trong tâm thế chủ động, không đứt gãy.

Vào guồng mới

Sau khi triển khai công tác hợp nhất (tỉnh Sóc Trăng, tỉnh Hậu Giang và TP Cần Thơ), số người làm việc được giao của ngành GD-ĐT TP Cần Thơ là 42.076 người; trong đó biên chế chính thức 41.388 người, chờ tuyển dụng 688 người.

Ông Nguyễn Phúc Tăng - Phó Giám đốc Sở GD&ĐT TP Cần Thơ, cho biết: Sau ngày 1/7, việc kiện toàn tổ chức, bộ máy đang được tập trung thực hiện. Sở GD&ĐT nhanh chóng bố trí ổn định nơi làm việc; chủ động bố trí nhân sự, sắp xếp và triển khai nhiệm vụ, nhất là đảm bảo giải quyết thủ tục hành chính thông suốt, hiệu lực, hiệu quả, không bị gián đoạn khi sắp xếp đơn vị hành chính và triển khai mô hình chính quyền địa phương 2 cấp.

Đồng thời làm tốt công tác tư tưởng, chỉ đạo, quán triệt toàn thể công chức tuân thủ nghiêm quy chế làm việc, phát huy trách nhiệm cá nhân với nhiệm vụ được giao, nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động, đặt lợi ích chung của ngành lên trên và trước hết.

Lãnh đạo Sở GD&ĐT TP Cần Thơ tổ chức họp, thống nhất phân công nhiệm vụ phụ trách lĩnh vực; thực hiện quy trình xây dựng phương án bố trí, sắp xếp công chức, người lao động khi thực hiện sắp xếp tổ chức bộ máy. Tiếp tục bảo đảm chính sách đối với công chức, người lao động khi thực hiện sắp xếp tinh gọn tổ chức bộ máy, tinh giản biên chế.

Ông Nguyễn Phúc Tăng cho biết thêm, nhằm hỗ trợ công chức, viên chức các sở, ngành yên tâm công tác, sở GD&ĐT đã hướng dẫn, hỗ trợ thực hiện việc chuyển trường, đăng ký nhập học cho gần 600 trẻ mầm non, học sinh các cấp học được thuận lợi, đúng quy định, phù hợp với từng loại hình trường học.

Để đáp ứng nhu cầu chỗ ở cho công chức thuộc sở sau hợp nhất, sở GD&ĐT phối hợp với các cơ quan liên quan lập kế hoạch, tiến hành khảo sát khu ký túc xá Trường THPT Trần Đại Nghĩa (32 phòng), thực hiện thủ tục xin chủ trương, kinh phí cải tạo, sửa chữa nhằm tạm thời bố trí nơi lưu trú cho công chức của sở.

Bà Lê Thị Bích Thuận - Giám đốc Sở GD&ĐT Đà Nẵng cho biết, quan điểm của lãnh đạo sở là hỗ trợ tối đa để cán bộ, công chức từ Quảng Nam ra tiếp nhận công tác sớm hòa nhập vào môi trường mới. Chính vì vậy, mỗi cá nhân sẽ tiếp nhận theo các lĩnh vực cụ thể từng đơn vị chứ không phân công phụ trách theo địa bàn. Hiện, khu ký túc xá của Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn đang trong quá trình cải tạo, nên một số cán bộ của Sở GD&ĐT Đà Nẵng chuyển từ Quảng Nam ra vẫn đi về trong ngày.

Thầy, trò Trường THPT Châu Văn Liêm (TP Cần Thơ) đón khách nước ngoài đến thăm. Ảnh: Q. Ngữ

Trước thời điểm 1/7, tỉnh Khánh Hòa (cũ) đã chủ động lên phương án sắp xếp bộ máy hành chính cấp chính quyền cơ sở, trong đó có 426 trường học các cấp cùng 12.530 người thuộc biên chế viên chức giáo dục tại các huyện, thị xã, thành phố.

Theo đó, 4 trường phổ thông dân tộc nội trú THCS thuộc UBND TP Cam Ranh, thị xã Ninh Hòa và các huyện Khánh Sơn, Khánh Vĩnh cùng với 91 người thuộc biên chế giáo dục tại các trường này chuyển về thuộc Sở GD&ĐT Khánh Hòa. Còn lại 422 trường mầm non, tiểu học, THCS cùng 12.440 người là viên chức giáo dục tại các trường sẽ được bố trí thuộc biên chế các xã, phường mới trên địa bàn trường đóng chân.

Sau sáp nhập 2 Sở GD&ĐT tỉnh Tiền Giang và Đồng Tháp, tỉnh Đồng Tháp mới hình thành hệ thống giáo dục quy mô lớn với tổng cộng 1.068 cơ sở giáo dục công lập từ mầm non đến giáo dục thường xuyên và giáo dục nghề nghiệp.

Ông Lê Quang Trí - Giám đốc Sở GD&ĐT tỉnh Đồng Tháp, cho biết: Sau khi thực hiện sáp nhập, ngành Giáo dục tỉnh Đồng Tháp bước vào giai đoạn chuyển mình mới. Quy mô tổ chức mở rộng, nguồn lực về nhân sự, cơ sở vật chất và hệ thống quản lý hành chính có nhiều thay đổi đáng kể.

Trước yêu cầu mới, toàn ngành xác định cần có cách tiếp cận tổng thể, linh hoạt hơn trong công tác điều hành và triển khai nhiệm vụ. Từng bước xác lập phương hướng hoạt động phù hợp, ổn định tổ chức bộ máy, đảm bảo chất lượng dạy học, đồng thời tạo nền tảng cho những chuyển biến tích cực và bền vững trong toàn hệ thống.

“Thời gian tới, toàn ngành rất mong sự quan tâm của tỉnh và hỗ trợ của các ban, ngành, đoàn thể, sự đồng thuận, ủng hộ của nhân dân, đặc biệt sự đoàn kết, quyết tâm phấn đấu của toàn thể đội ngũ cán bộ, giáo viên, nhân viên… để toàn ngành có thể thực hiện hiệu quả các nhiệm vụ GD-ĐT, tạo nền tảng vững chắc cho sự phát triển ổn định và chất lượng giáo dục tỉnh trong giai đoạn mới”, ông Lê Quang Trí nhấn mạnh.

Giờ học tại Trường THPT Nguyễn Đình Chiểu (Đồng Tháp). Ảnh: Q. Ngữ

Không đứt gãy, gián đoạn

Bà Trần Thị Thanh Vân - Trưởng phòng Văn hóa - Xã hội phường Điện Bàn Đông (TP Đà Nẵng), cho biết: “Sau tiếp nhận nhiệm vụ mới, phường đã nhanh chóng rà soát đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên của 17 trường công lập thuộc 3 cấp học trên địa bàn. Ngoài ra, phường có 16 trường mầm non ngoài công lập và 26 nhóm lớp độc lập tư thục.

UBND phường đã hoàn tất các quyết định có liên quan về thủ tục thành lập trường, con dấu, bổ nhiệm cán bộ quản lý... để các trường thuận lợi trong công tác tuyển sinh và những hoạt động chuẩn bị cho năm học mới”. Tổng hợp nhu cầu đội ngũ của các trường học trên địa bàn, UBND phường Điện Bàn Đông đồng ý về mặt chủ trương để các trường hợp đồng 163 giáo viên theo Nghị định 111/2022 của Chính phủ để bố trí đủ giáo viên đứng lớp trong khi chưa có hướng dẫn tuyển dụng viên chức mới.

Về hoạt động bồi dưỡng thường xuyên cho giáo viên trước khi bắt đầu năm học mới, bà Trần Thị Thanh Vân cho rằng, UBND phường đang chờ kế hoạch hoặc hướng dẫn của sở GD&ĐT.

“Với bồi dưỡng chính trị hè, thường do sở GD&ĐT đứng ra tổ chức theo kế hoạch chung vào tháng 8. Với Chương trình GDPT 2018, hiện đội ngũ giáo viên đã hoàn thành các mô-đun tập huấn của Bộ GD&ĐT. Chính vì vậy, ngoài các chuyên đề bồi dưỡng chung của sở GD&ĐT, các trường học sẽ chủ động tự bồi dưỡng cho đội ngũ theo nhu cầu thực tế của hội đồng sư phạm, đáp ứng điều kiện dạy - học của nhà trường”, bà Vân phân tích.

Ông Tống Ngọc Lâm - chuyên viên Phòng Văn hóa - Xã hội phường Tân An (Đắk Lắk), cho rằng sở GD&ĐT cần sớm tổ chức hội nghị chuyên đề để thống nhất phương thức phối hợp. “Không chỉ thay đổi về mặt tổ chức, cả hệ thống công việc cũng điều chỉnh theo hướng sát thực tế, đòi hỏi người được giao nhiệm vụ phải am hiểu địa bàn, nắm chắc quy định, xử lý linh hoạt”, ông Lâm phân tích.

Phường Tân An có 21 trường học các cấp, trong đó, 3 trường do sở GD&ĐT trực tiếp quản lý, 19 trường còn lại thuộc UBND phường phụ trách. Số lượng trường không nhiều, nhưng đầu mối công việc rộng, đòi hỏi sự phối hợp chặt chẽ giữa các cấp để bảo đảm hoạt động hiệu quả.

Có cùng quan điểm, theo ông Lê Hữu Hùng - Trưởng phòng Văn hóa - Xã hội xã Dray Bhăng, tỉnh Đắk Lắk, trong giai đoạn chuyển đổi, việc bố trí lại cán bộ phụ trách giáo dục ở cấp xã/phường cần có lộ trình thích ứng. Không phải ai cũng quen ngay với nghiệp vụ chuyên sâu. Do đó, địa phương cần tạo điều kiện cho cán bộ mới được tiếp cận địa bàn, cập nhật quy định, tham dự các lớp tập huấn để làm tốt nhiệm vụ được giao.

Ông Lưu Tiến Quang - Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Đắk Lắk cho biết, sở sẽ sớm ban hành hướng dẫn công tác phối hợp quản lý trường học giữa UBND cấp xã/phường và sở; đồng thời tổ chức các lớp bồi dưỡng, cập nhật kiến thức cho cán bộ phụ trách giáo dục tại địa phương ngay trong tháng 7 này.

Hoạt động trải nghiệm của cô và trò Trường Tiểu học Lê Đình Chinh (Hòa Cường, TP Đà Nẵng). Ảnh: PV

Gỡ khó đội ngũ giáo viên

Sau hợp nhất, ngành GD-ĐT TP Cần Thơ gặp một số khó khăn về công tác cán bộ. Tính theo định mức giáo viên, năm học 2024 - 2025, số còn thiếu so với định mức là 2.519 giáo viên.

Ông Nguyễn Phúc Tăng, Phó Giám đốc Sở GD&ĐT TP Cần Thơ, cho biết: Để đảm bảo đội ngũ giáo viên cho năm học 2025 - 2026, sở GD&ĐT tiếp tục phối hợp với UBND cấp xã/phường thực hiện quy trình tuyển dụng viên chức theo thẩm quyền và hướng dẫn.

Đồng thời thực hiện tốt công tác rà soát, sắp xếp lại đơn vị sự nghiệp công lập gắn với cơ cấu lại đội ngũ như điều chuyển giáo viên từ nơi thừa sang nơi thiếu nhằm giải quyết tình trạng thừa thiếu cục bộ, tiếp nhận viên chức từ tỉnh, thành phố có nguyện vọng về công tác tại các cơ sở giáo dục trên địa bàn thành phố.

Ngoài ra, để khắc phục tình trạng thiếu giáo viên, giải quyết kịp thời khó khăn của các trường, sở GD&ĐT phối hợp với UBND cấp xã/phường chỉ đạo, hướng dẫn các đơn vị thực hiện hợp đồng giáo viên trong thời gian chờ tuyển dụng theo quy định của Nghị định số 111/2022 của Chính phủ.

Ở các tỉnh vùng cao Tây Bắc, điều kiện kinh tế, xã hội, giao thông đi lại còn nhiều khó khăn trở thành một trong những nguyên nhân dẫn đến địa phương chưa thu hút được nguồn tuyển giáo viên ở vùng khác đến. Nguồn tuyển tại chỗ thiếu, đặc biệt các môn học tích hợp, môn chuyên biệt để thực hiện Chương trình GDPT 2018 như: Tiếng Anh, Tin học, Âm nhạc, Mỹ thuật…

Theo Sở GD&ĐT tỉnh Điện Biên, năm học 2024 - 2025, địa phương thiếu hơn 2.000 giáo viên ở các cấp học. Để khắc phục tình trạng thiếu giáo viên, đảm bảo điều kiện đội ngũ, nhất là giáo viên các môn chuyên biệt để thực hiện Chương trình GDPT 2018, ngành GD-ĐT đã và đang thực hiện đồng bộ các giải pháp. Trong đó, tích cực tuyển dụng và cử tuyển đối với học sinh, sinh viên dân tộc thiểu số đi học các ngành sư phạm, đặc biệt là môn còn thiếu nguồn tuyển.

Trong giai đoạn từ 2021 - 2024, tỉnh Điện Biên đã cử tuyển đối với 152 học sinh đi học các ngành sư phạm (môn Tiếng Anh 90; Tin học 21; Âm nhạc 24; Mỹ thuật 12; Tiểu học 5). Riêng năm 2024, toàn tỉnh có 87 học sinh được đi học theo chế độ cử tuyển. “Đội ngũ cử tuyển sau khi học xong sẽ là nguồn tuyển để giải quyết tình trạng thiếu giáo viên trên địa bàn”, bà Hoàng Tuyết Ban - Giám đốc Sở GD&ĐT tỉnh Điện Biên cho biết.

Theo bà Ban, riêng khối trường THPT hiện còn thiếu trên 230 giáo viên. Ngày 8/7, Sở GD&ĐT tỉnh Điện Biên đã ra Thông báo số 1955 về việc tuyển dụng viên chức đơn vị sự nghiệp trực thuộc sở năm học 2025 - 2026. Theo đó, sẽ tiến hành tuyển dụng 70 chỉ tiêu giáo viên.

Trường PTDTBT THCS Nậm Hàng, xã Nậm Hàng (Lai Châu) còn thiếu 9 giáo viên. Ông Nguyễn Văn Dũng - Hiệu trưởng nhà trường, cho biết: “Đến nay, nhà trường chưa được bổ sung giáo viên các môn còn thiếu. Chúng tôi mong muốn sẽ được phân bổ giáo viên ngay đầu năm học tới để bước vào dạy học với tinh thần chủ động, sẵn sàng hoàn thành tốt nhiệm vụ năm học”.

Xã Nậm Hàng sau khi sáp nhập có 9 trường học. Theo ông Quách Tất Hưởng - Chủ tịch UBND xã Nậm Hàng: “Xã hiện thiếu 40 giáo viên ở các cấp học từ mầm non đến THCS. Chúng tôi sẽ tiếp tục rà soát, đề nghị sở GD&ĐT tuyển dụng, phân bổ tới các trường trước thềm năm học mới. Nếu trường hợp đến tháng 9 chưa tuyển dụng đủ, xã sẽ tính đến phương án hợp đồng giáo viên để đáp ứng nhu cầu dạy học”.

Bà Hoàng Tuyết Ban - Giám đốc Sở GD&ĐT tỉnh Điện Biên: “Đối với các giáo viên từ mầm non đến THCS, theo tinh thần chỉ đạo của UBND tỉnh, sở GD&ĐT sẽ phối hợp với sở Nội vụ và các đơn vị liên quan để tiến hành rà soát, tuyển dụng. Phương án tuyển dụng được xây dựng khoảng cuối tháng 7 và khoảng tháng 8 hoặc đầu tháng 9 sẽ tổ chức tuyển dụng để đáp ứng giáo viên cho năm học mới”.

Tác giả: Nhóm PV

Nguồn tin: giaoducthoidai.vn

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP