Tham dự Phiên họp có Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà - Phó Trưởng ban Thường trực Ban Chỉ đạo; Bộ trưởng - Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Trần Văn Sơn - Phó Trưởng Ban Chỉ đạo; Thứ trưởng Bộ Nội vụ Nguyễn Trọng Thừa - Phó Trưởng Ban Chỉ đạo; thành viên Ban Chỉ đạo cải cách hành chính (CCHC) của Chính phủ.
Đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Đức Trung – Phó Trưởng Ban Thường trực Ban Chỉ đạo CCHC tỉnh chủ trì phiên họp tại điểm cầu Nghệ An. Tham dự phiên họp có Thành viên Ban Chỉ đạo CCHC tỉnh.
Quang cảnh tại điểm cầu Nghệ An |
Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Đức Trung - Phó Trưởng Ban Thường trực Ban Chỉ đạo CCHC tỉnh chủ trì phiên họp tại điểm cầu Nghệ An |
Báo cáo tại phiên họp, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà – Phó Trưởng Ban Thường trực Ban Chỉ đạo CCHC của Chính phủ cho biết: Năm 2023, với phương châm “Đoàn kết kỷ cương, bản lĩnh linh hoạt, đổi mới sáng tạo, kịp thời hiệu quả”, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo sát sao, quyết liệt, tạo động lực, chuyển biến mạnh mẽ trong tổ chức thực hiện công tác CCHC của cả hệ thống hành chính và đạt được nhiều kết quả quan trọng trên tất cả các nội dung. Trọng tâm là xây dựng, hoàn thiện thể chế, cải cách thủ tục hành chính (TTHC), chuyển đổi số; nâng cao kỷ luật, kỷ cương hành chính; tháo gỡ những điểm nghẽn về thể chế, TTHC đang cản trở sự phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội. Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành nhiều nghị quyết, chỉ thị, công điện để chỉ đạo, đề ra những nhiệm vụ, giải pháp cấp bách, trọng tâm; tập trung vào cải cách TTHC, đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, tăng cường kỷ luật, kỷ cương...
Các đại biểu tham dự phiên họp |
Thủ tướng Chính phủ - Trưởng Ban Chỉ đạo đã phân công nhiệm vụ cho các thành viên Ban Chỉ đạo triển khai thực hiện 57 nhóm nhiệm vụ CCHC trọng tâm trong kế hoạch hoạt động năm 2023; về cơ bản các nhiệm vụ đã hoàn thành, bảo đảm tiến độ, chất lượng. Thủ tướng Chính phủ đã chủ trì 04 phiên họp của Ban Chỉ đạo, đồng thời đã kịp thời chỉ đạo, quyết định nhiều vấn đề quan trọng trong CCHC tại các cuộc họp, hội nghị của Chính phủ, các cuộc làm việc với địa phương và nhiều diễn đàn khác.
Các Bộ, ngành, địa phương đã bám sát thực tiễn, chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, chủ động, quyết tâm tổ chức thực hiện 4.142 nhiệm vụ được giao; đã ban hành 5.586 văn bản để chỉ đạo, đôn đốc, quán triệt tổ chức thực hiện các nhiệm vụ CCHC đã đề ra.
Công tác thông tin, tuyên truyền và kiểm tra CCHC được triển khai thực hiện thường xuyên, liên tục, nhiều đổi mới, sáng tạo, góp phần lan toả tinh thần CCHC đến người dân, xã hội và tăng cường kỷ luật, kỷ cương hành chính trong thực thi công vụ, nhiệm vụ của đội ngũ công chức, viên chức...
Tại hội nghị, lãnh đạo các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; lãnh đạo các Bộ, ngành Trung ương đã báo cáo cụ thể kết quả CCHC trong năm 2023, đề xuất một số nội dung để công tác CCHC của địa phương, cơ quan được thực hiện tốt hơn trong năm 2024.
Phát biểu kết luận Phiên họp, điểm lại những kết quả đạt được trong công tác CCHC năm 2023, ghi nhận và biểu dương những nỗ lực, cố gắng, quyết tâm của các ngành, địa phương trong thời gian qua, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cũng đã chỉ rõ những hạn chế, tồn tại và nguyên nhân cần phải khắc phục, trong đó có tình trạng một bộ phận cán bộ, công chức né tránh, đùn đẩy, thiếu trách nhiệm, sợ sai, không dám làm, không dám chịu trách nhiệm, ảnh hưởng đến chất lượng, hiệu quả thực thi công vụ và nhiệm vụ ở một số Bộ, ngành và địa phương...
Khẳng định vai trò của người đứng đầu cơ quan, đơn vị rất quan trọng trong thực hiện công tác CCHC bởi đây là việc khó liên quan đến lợi ích của cá nhân, tập thể và những vấn đề nhạy cảm khác..., Thủ tướng Chính phủ yêu cầu người đứng đầu phải có quyết tâm cao, nỗ lực lớn, quyết liệt, thực hiện trọng tâm, trọng điểm chỉ đạo việc nào ra việc đó. Cùng với việc phát huy vai trò người đứng đầu, phải tăng cường vai trò, trách nhiệm của các cấp, các ngành; quan tâm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc thúc đẩy công tác CCHC kịp thời hiệu quả.
Bên cạnh đó, phải giữ vững kỷ luật, kỷ cương hành chính, đẩy mạnh phân cấp phân quyền đi đôi với phân bổ nguồn lực. Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, kiểm soát quyền lực. Kịp thời triển khai thực hiện các chủ trương của Đảng, pháp luật của Nhà nước, ban hành các cơ chế chính sách kịp thời, thuận lợi để khơi thông hiệu quả các nguồn lực, nhất là các nguồn lực mới như chuyển đổi số, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, kinh tế chia sẻ, kinh tế tri thức,...
Đồng thời, cần tiếp thu các bài học kinh nghiệm và những cách làm hay, cách làm mới của các đơn vị, địa phương hiệu quả; làm tốt công tác thi đua khen thưởng đúng lúc, đúng người và xử lý những người chây ỳ, không làm, làm kém hiệu quả, những người lợi dụng công tác CCHC để trục lợi...
Tại phiên họp, Thủ tướng Chính phủ cũng đã đưa ra các nhiệm vụ cụ thể cần phải thực hiện công tác CCHC trong thời gian tới.
Năm 2023, các Bộ, ngành đã giảm 17 Tổng cục và tổ chức tương đương; giảm 10 Cục và 144 Vụ/Ban thuộc tổng cục và thuộc bộ (gồm 25 vụ thuộc Bộ, ngành và giảm 119 vụ và tương đương thuộc tổng cục); giảm 108 Phòng trong Vụ/Ban thuộc bộ, ngành; giảm 22 đơn vị sự nghiệp công lập thuộc bộ, ngành. Các địa phương đã tập trung triển khai việc rà soát, sắp xếp tổ chức hành chính bên trong, theo đó giảm 13 sở và tổ chức hành chính khác thuộc UBND tỉnh; giảm 2.572 tổ chức phòng và tương đương thuộc cơ quan chuyên môn UBND tỉnh, huyện trong cả nước; đồng thời, tiếp tục rà soát, sắp xếp lại đơn vị sự nghiệp công lập (SNCL), tính đến hết năm 2023 đã giảm 7.867 đơn vị SNCL; riêng năm 2023 giảm 236 đơn vị, còn 46.385 đơn vị SNCL. |
Tác giả: PQ
Nguồn tin: nghean.gov.vn