Đẹp

Ăn đêm không gây tăng cân

Nhiều người mong muốn giảm cân thường được khuyến cáo không nên ăn đêm vì dễ gây béo phì. Tuy nhiên, đây là quan niệm sai lầm.

Ăn đêm từ lâu đã trở thành "cơn ác mộng" đối với những người thừa cân, béo phì khi mỗi bữa ăn đều mang đến suy nghĩ tiêu cực cùng áp lực giảm cân, giảm mỡ. Tính chất công việc hay các mối quan hệ xã hội buộc những người này phải ăn tối rất muộn, thậm chí, kết thúc bữa ăn lúc nửa đêm.

Ở khía cạnh khác, đây còn là lời giải thích của những người có lượng mỡ thừa cao do lối sống không lành mạnh cùng chế độ ăn thiếu khoa học. Tuy nhiên, ăn đêm không phải nguyên nhân của hiện tượng này.

Thủ phạm gây tăng cân

Nói về tin đồn ăn đêm dễ béo, làm tăng cân, huấn luyện viên Nguyễn Thế Anh (Hà Nội) khẳng định: "Thông tin này không chính xác. Lý do là chìa khóa của tất cả mục tiêu về tăng cân hay giảm cân đều đến từ năng lượng bạn nạp vào từ đồ ăn so với lượng cơ thể bạn cần trong một ngày".

Ăn đêm không phải nguyên nhân gây béo phì. Ảnh: The List.

Theo lý thuyết, khi chúng ta nạp nhiều hơn lượng đồ ăn cơ thể cần thiết, gây thừa calories sẽ dẫn đến tăng cân. Ngược lại, việc cơ thể được nạp ít hơn khối lượng thực phẩm theo nhu cầu, gây thâm hụt calories sẽ làm tổng cân nặng giảm xuống.

"Dựa trên nguyên tắc này, thực phẩm có giá trị dinh dưỡng là 600 calories khi ăn vào buổi sáng sẽ không thể biến thành 2.000-3.000 calories nếu ăn vào buổi tối", huấn luyện viên này giải thích.

Một số lập luận cho rằng việc ăn vào ban ngày sẽ giúp cơ thể có nhiều thời gian để tiêu hóa hơn trong khi ăn đêm có thể là nguyên nhân gây ra hiện tượng khó tiêu, thực phẩm ứ đọng lại và làm tích mỡ.

Huấn luyện viên Nguyễn Thế Anh cho biết: "Yếu tố tiêu hóa phụ thuộc rất nhiều vào loại thực phẩm, dạng đồ ăn thay vì thời gian nạp năng lượng. Ví dụ, tốc độ tiêu hóa của tinh bột sẽ nhanh hơn so với chất đạm, chất béo, thức ăn dạng lỏng sẽ nhanh dạng rắn,...".

Làm gì khi muốn tăng, giảm cân?

Huấn luyện viên Thế Anh chia sẻ để đạt được mục đích tăng, giảm cân, chúng ta có thể áp dụng tháp dinh dưỡng. Mỗi tầng của tháp lần lượt là những ưu tiên hay mức độ quan trọng của các yếu tố trong bữa ăn.

Thời gian ăn chỉ xếp thứ tư về mức độ ưu tiên trong dinh dưỡng. Ảnh: KS Fitness.

Theo Thế Anh, tầng dưới cùng và cũng là yếu tố quan trọng nhất là calories - tổng năng lượng cơ thể nạp vào. Với trường hợp giảm cân, giảm mỡ, tổng năng lượng từ thức ăn trong một ngày phải ít hơn lượng cơ thể tiêu thụ cho các hoạt động trao đổi chất cơ bản, vận động hàng ngay và tiêu hóa thức ăn.

Tầng thứ 2 là các nguyên tố đa lượng trực tiếp đem lại năng lượng cho cơ thể bao gồm: Chất đạm, tinh bột và chất béo. Chúng ta nên giữ tỷ lệ của 3 chất này ở ngưỡng cân bằng trong bữa ăn hàng ngày thay vì các chế độ ăn như Low Carb, Keto. Bởi mỗi chất đều có tác dụng riêng thiết yếu với cơ thể.

Tầng thứ 3 là các nguyên tố vi lượng bao gồm vitamin và khoáng chất. "Nếu các nguyên tố đa lượng được ví như nguồn xăng cho một chiếc xe hoạt động, nguyên tố vi lượng có thể xem là dầu bôi trơn cho toàn bộ hệ thống", huấn luyện viên này nhận định. Để đảm bảo cung cấp đủ vitamin cho cơ thể, chúng ta nên ăn đa dạng các loại rau lá với ít nhất 500 gram/ngày hoặc củ, quả là 200-300 gram/ngày.

Tầng thứ 4 là thời điểm ăn. Tuy nhiên, nếu chúng ta không đảm bảo được các yếu tố ở ba tầng dưới, việc tuân thủ giờ ăn lúc này sẽ không mang lại kết quả giảm cân, giảm mỡ.

Tầng thứ 5 là thực phẩm bổ sung. đây là các loại thực phẩm chúng ta có thể dùng thêm khi không cung cấp đủ trong chế độ ăn hàng ngày. Bởi vậy, ta được phép bỏ qua nếu đang có chế độ ăn khoa học, đầy đủ các dưỡng chất. Một số thực phẩm bổ sung được khuyến nghị như omega 3, vitamin D,...

Như vậy, yếu tố thời gian ăn chỉ xếp thứ 4 trong những ưu tiên về dinh dưỡng đối với người có mong muốn tăng hoặc giảm cân. Bởi vậy, việc ăn đêm hoàn toàn không gây béo như nhiều người nghĩ. Do đó, chúng ta có thể điều chỉnh thời gian và tần suất các bữa ăn linh hoạt theo đặc thù công việc.

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP